Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, và bây giờ là đến Đắk Lắk phát hiện các cơ sở ngâm giá với hóa chất. Tất cả các vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện tại ba tỉnh trên đều dùng hóa chất Benzylaminopurine (chất kích thích tăng trưởng). Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Khi phụ nữ mang thai hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, có thể mắc các dị tật bẩm sinh. Con người ăn vào lượng lớn thực phẩm có chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine có thể gây tử vong.
Nỗi lo với thực phẩm bẩn, với các cơ sở sản xuất chỉ chăm chăm vào lợi nhuận không chỉ dừng lại với giá đỗ, nó có thể hiển hiện ở khắp các mặt hàng khác, trong bất kỳ một loại hàng hóa nào. Thế nên bây giờ người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình.
Ở quê tôi, bây giờ người dân hầu như luôn tự cung tự cấp thực phẩm, chỉ những món gì họ không làm ra được mới bắt buộc mua. Rau xanh, các loại đậu, thịt gà, thịt heo... đều đa phần là tự cung tự cấp.
Cứ tầm nửa tháng, một nhóm sáu người sẽ mua một con heo rồi thuê người mổ. Họ chia con heo 60-70 ký thành mười phần, giá có thể cao hơn thị trường nhưng chất lượng hơn. Bây giờ cứ nhà ai rao thông tin mổ heo, ai muốn ăn thì đăng ký, chỉ vài phút đã hết suất.
Người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu đắt hơn một chút để tìm những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Cũng có thể không hoàn toàn là sạch nhưng hy vọng sẽ đỡ đi phần nào chất độc hại.
Những vụ phát hiện các cơ sở ngâm giá đậu xanh với hóa chất cấm, các nguồn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan ngoài thị trường, không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến người tiêu dùng. Nó tạo nên một tâm lý chung, ảnh hưởng luôn đến những nông trại trồng rau sạch. Những người trồng và cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường phải mất một thời gian dài để khẳng định chất lượng.
Việc người tiêu dùng "vơ đũa cả nắm" giữa thực phẩm bẩn và sạch là khó chấp nhận, nhưng nó phản ánh đúng khi niềm tin bị lung lay. Họ không còn tin vào bất cứ thứ gì nữa, và tự cung tự cấp là cách rất xưa lại được lựa chọn.
Vì lợi ích trước mắt, những kẻ dùng hóa chất trong sản xuất thực phẩm, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc đã làm đứt gãy, gây mất niềm tin đối với các loại hàng hóa sạch khác. Làm sao để hạn chế hoặc chấm dứt tình trạng này?
Suy cho cùng cơ quan chức năng phải kiểm soát gắt gao hơn nữa việc mua bán hóa chất, có hình thức xử phạt nặng hơn, chế tài đủ răn đe để cắt bỏ được những kiểu đầu độc đồng bào.
Những hóa chất được cơ quan chức năng kết luận là ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người thì nó đã gián tiếp "giết người", phải đưa một vài trường hợp ra xử để làm gương.
Những câu hỏi chưa có lời đáp
Trong 2.900 tấn giá đậu xanh được "nuôi dưỡng" bằng "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine, chất độc gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh) được bán ra trong năm 2024 ở Đắk Lắk, có khoảng trăm tấn được bán cho một hệ thống siêu thị (theo lời khai là 350 - 400kg/ngày). Hệ thống siêu thị này thu hồi số giá này nhưng còn phần lớn giá độc hại còn lại thì sao?
Và đây chỉ là một vụ việc được phanh phui. Nếu đi kiểm định chợ truyền thống thì còn hơn vậy nhiều. Rất nhiều bình luận bên dưới thông tin vụ này khẳng định: chuyện này "xưa" lắm rồi, rau bẩn vẫn được sản xuất hằng ngày ở các làng trồng rau nổi tiếng. Chuyện rau trồng để bán không ai dám ăn cũng là chuyện cũ hàng chục năm nay.
Nhiều ý kiến yêu cầu trách nhiệm kiểm tra đầu vào hàng hóa. Rất tiếc, đây là việc tùy tâm, tùy sự trung thực của nơi bán (ghi đúng nguồn gốc sản phẩm) và tùy tâm của người trồng, thương lái. Thuốc độc đâu chỉ dùng khi trồng, quá nhiều thứ bị nhúng thuốc sau khi ra khỏi vườn. Vậy kiểm tra gì, kiểm tra ai, kiểm khi nào, sức đâu mà kiểm cho hết?
Điều đáng sợ hơn nữa là nguy cơ người tiêu dùng đang và sẽ ăn các loại thực phẩm có độc được gắn nhãn an toàn. Người mua không thể kiểm tra sản phẩm. Sử dụng hóa chất có thể gây chết người có thể bị truy cứu hình sự, nên thông tin rộng rãi những vụ án này để góp phần thay đổi nhận thức xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận