08/10/2009 06:20 GMT+7

Về xứ quan họ - Kỳ 3: Sống lại nghề chơi

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Trong phòng truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành của Ðoàn dân ca quan họ Bắc Ninh có chân dung của ba người đàn ông được treo ở vị trí trang trọng. Cả ba đều đã về cõi vĩnh hằng, nhưng các thế hệ cán bộ, diễn viên của đoàn vẫn trân trọng gọi họ là những ông trùm, là anh cả của quan họ xứ Kinh Bắc.

Về xứ quan họ - Kỳ 3: Sống lại nghề chơi

TT - Trong phòng truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành của Ðoàn dân ca quan họ Bắc Ninh có chân dung của ba người đàn ông được treo ở vị trí trang trọng. Cả ba đều đã về cõi vĩnh hằng, nhưng các thế hệ cán bộ, diễn viên của đoàn vẫn trân trọng gọi họ là những ông trùm, là anh cả của quan họ xứ Kinh Bắc.

Ba ông là trưởng Ty văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương, nghệ sĩ Nguyễn Ðức Siêu và nghệ nhân Nguyễn Ðức Sôi.

>> Kỳ 1: Tình người quan họ>> Kỳ 2: Nơi phát tích đầu tiên

Xem video Mời nước mời trầu - Top nữ
Xem video Ngồi tựa song đào - Thúy Hường
Xem video Tay tiên chuốc chén rượu đào - Tốp nữ

Đoàn quan họ "không quân"

Nghệ sĩ Xuân Mùi, phó đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, kể những năm cuối của thập niên 1960 cả nước bận bịu chiến tranh. Các hoạt động lễ hội trên vùng đất Kinh Bắc bị chìm vào quên lãng, kéo theo các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó có quan họ không còn "môi trường" sống. Lớp nghệ nhân cao tuổi bắt đầu vơi dần, không có đội ngũ kế thừa, một nghề chơi đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương đứng trước nguy cơ thất truyền.

Ðúng vào thời điểm ấy, trưởng Ty văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương, người làng Ðọ (Ðỗ Xá), một trong 49 làng quan họ gốc xứ Kinh Bắc, đã cất công đi gõ hết các cửa từ tỉnh đến trung ương để xin thành lập đoàn quan họ nhằm mục đích sưu tầm những bài bản, lề lối biểu diễn, cũng như tập tục, tín ngưỡng của nghề chơi quan họ.

Ý tưởng đã rõ, vậy mà có người vẫn đập bàn nói thẳng với ông: "Ðồng chí cần phải xem lại vấn đề tư tưởng nhé. Cả nước đang bận chiến tranh mà đồng chí còn tâm trí lập đoàn quan họ để ca hát, để nhảy múa à". Người ta còn dọa cách chức trưởng ty văn hóa của ông vì ý nghĩ "ngược đời" ấy. Nhưng rồi có một vị lãnh đạo tỉnh sực nhớ ra: "Ðuổi được giặc mà bản sắc văn hóa cũng mất luôn thì tiếc quá".

Một ngày đầu năm 1969, ông Lê Hồng Dương được gọi lên. Tưởng lại bị nhắc nhở về ý tưởng lập đoàn quan họ, nhưng tình thế hoàn toàn ngược lại: "Tớ cho cậu lập đoàn nhưng nhân sự, lương bổng cậu phải tự lo hết đấy nhé". Thế là hôm sau ông Dương đã thân chinh dẫn cả lễ bộ về Hà Nội "đàm phán" với Nhà hát chèo trung ương, xin cho bằng được một người mà ông đã nhắm trước, đó là nghệ sĩ Nguyễn Ðức Siêu, một diễn viên gạo cội của nhà hát về xây dựng đoàn quan họ.

Bị thuyết phục bởi nhiệt huyết của một người say mê văn hóa truyền thống, ông Siêu đã nhận lời.

Giáo sư dân tộc học người Nhật Tokumaru, người đã nhiều lần đến các làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Ninh như Diềm, Vâm Khám, Ngang Nội… để nghiên cứu về quan họ, từng nhận xét: “Sinh hoạt quan họ đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội, không chỉ với người Bắc Ninh mà cả nước VN. Có thể coi quan họ là một kết tinh của sinh hoạt dân ca VN. Nó là phương tiện có thể nối kết con người, góp phần quan trọng gìn giữ các mối quan hệ trong xã hội và giữa mọi người”.

Về làm trưởng đoàn quan họ "không quân", ngày ngày ông Siêu mải miết đạp chiếc xe đòn dông về các vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc tìm kiếm giáo viên và diễn viên cho đoàn. Tỉnh Hà Bắc lúc đó rất rộng, đường sá đi lại còn khó khăn, với chiếc xe đạp cà tàng, sau hai lần thay lốp, ông Siêu cũng "chấm" được một giáo viên cùng bảy diễn viên, nhạc công cho đoàn. Người giáo viên đầu tiên ấy là cụ Nguyễn Ðức Sôi, quê làng Ngang Nội.

Ðiều đặc biệt là trong khi ở tuổi thất thập như cụ Sôi, nhiều nghệ nhân quan họ không biết chữ, còn giáo Sôi lại hát được cả tuồng, chèo, chầu văn, biết cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ và làu thông đông tây kim cổ. Ngoài việc đào tạo nghề chơi quan họ cho bao lớp diễn viên của đoàn dân ca quan họ, giáo Sôi còn cải biên và sáng tác hơn 40 bài quan họ nổi tiếng đã đi vào lòng bao khán thính giả yêu quan họ cả nước.

Năm 1997, cụ giáo Sôi về cõi vĩnh hằng, để lại một khoảng trống cho nền dân ca quan họ Bắc Ninh.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366929
Chiếc đạp cách nay 40 năm nghệ sĩ Nguyễn Đức Siêu đã đi hàng ngàn cây số để tuyển diễn viên gầy dựng đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, giờ vẫn được lưu giữ tại phòng truyền thống của đoàn. Ảnh: Tấn Đức

Hồi sinh cho quan họ

Ngày 20-1-1969, ngày mà "đoàn" quan họ từ chỗ chỉ có một trưởng đoàn đã phát triển lên thành một tiểu đội gồm bảy diễn viên, nhạc công và một giáo viên, được lấy làm ngày truyền thống của Ðoàn quan họ Bắc Ninh.

Lập đoàn quan họ rồi, các thầy trò anh cả Siêu, cụ giáo Sôi lại vướng phải một thực tế là việc truyền dạy quan họ trước đó, từ lời ca, lối ca, cách nhả câu, đỗ hạt cho đến các tập tục liên quan đều theo phương cách truyền khẩu. Cho nên buổi đầu với nhân lực ít ỏi, thầy trò đoàn quan họ đã phải làm việc bất kể ngày đêm, lăn xả về các làng quan họ, tìm các liền anh, liền chị, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ để học nghề.

Những nhà chứa quan họ ngày trước lại biến thành nơi đón tiếp những diễn viên trẻ đến học nghề chơi quan họ. Câu hát đón bạn, mời cơm quan họ lại cất lên sau bao năm vắng lặng, tưởng đã rơi vào lãng quên. Từ con số ban đầu chỉ có tám người, đoàn đã nhanh chóng tăng lên trên 30 người để đáp ứng nhu cầu công việc dường như quá tải, đang đè nặng lên vai thầy trò đoàn dân ca quan họ vừa mới khai sinh.

Hơn 40 năm gắn bó với quan họ, nghệ sĩ ưu tú Quý Tráng, hiện là trưởng đoàn quan họ Bắc Ninh, vẫn chưa quên những ngày đầu gian khó: "Chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực không mệt mỏi, chúng tôi đã học được hàng trăm bài quan họ với nhiều lối hát, phong cách hát độc đáo, khác lạ của từng làng, từng nghệ nhân và rất nhiều mỹ tục trong lối sống, ngôn ngữ giao tiếp, phong tục tập quán và cả phong cách ẩm thực, trang phục của người quan họ. Càng học, càng tiếp xúc với quan họ chúng tôi càng thêm say quan họ và đó là động lực để gắn kết chúng tôi với nghề suốt mấy chục năm qua".

Lớp diễn viên đầu tiên của đoàn như Thúy Cải, Quý Tráng, Phương Lan, Nguyễn Nghiêm, Xuân Mùi, Minh Phúc… vẫn còn nhớ lần đầu tiên được ra mắt tại Nhà hát lớn Hà Nội (1974).

Lần đó, đoàn biểu diễn các hoạt cảnh quan họ hát tại hội xuân Bắc Ninh, quan họ hát dưới thuyền, quan họ hát trong chùa, quan họ hát trên đồi, quan họ giã bạn, ông dạy cháu hát quan họ… Sau hơn hai giờ theo dõi say sưa, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) lúc đó đã 64 tuổi phát biểu: "Tôi bấy nhiêu tuổi rồi mà nghe quan họ thấy mình như trẻ lại".

Hai năm sau lần ra mắt đầy ấn tượng đó, quan họ Bắc Ninh đã vinh dự được chọn tham gia biểu diễn tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, kỳ họp có đủ các đại biểu của hai miền Nam - Bắc (tháng 6-1976).

Từ đó, sinh hoạt văn hóa quan họ bắt đầu vang xa, bay cao khi liên tục được mời đi lưu diễn dài ngày tại nhiều tỉnh phía Bắc, rồi được cử đi tham dự liên hoan âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương, liên hoan Giai điệu phương đông và dự festival âm nhạc quốc tế cùng nhiều chuyến lưu diễn khắp các phương trời Âu, Á trong các chương trình giao lưu văn hóa...

TẤN ĐỨC

___________________________

Làm thế nào để mọi người hiểu rõ hơn về quan họ, để giữ gìn và phát triển quan họ? Câu hỏi luôn thôi thúc những người yêu quan họ xứ Kinh Bắc và đã có những cách làm rất đáng được ghi nhận.

Kỳ tới: Để quan họ trường tồn

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Tôi là một người con gái miền Trung, quen một chàng trai Kinh Bắc "yêu quan họ từ thưở trong nôi". Từ chàng trai này, tôi tìm đến quan họ với một niềm yêu thích mới mẻ và đầy tính khám phá.

Với quan họ, tôi biết yêu người hơn, thân quen hơn với làng quê Bắc bộ và hiểu được nhiều bài học làm người. Đặc biệt bổn phận của một người phụ nữ. "Xe chỉ luồn kim" nhắc người ta nhớ đến hình ảnh người phụ nữ chung thuỷ. "Đi cấy", "Trên rừng ba mươi sáu thứ chim" nhắc đến hình ảnh con người biết yêu lao động. Hay hình ảnh người phụ nữ biết chăm lo trong "Năm liệu bảy lo"... Học "công, dung, ngôn, hạnh" từ quan họ là những bài học sâu sắc nhất. Qua quan họ bạn sẽ biết làm thế nào để trở thành "Cô Tấm ngày nay".

Ngọc Quyền

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên