Phóng to |
Hình phác họa lại sự kiện mảnh vụn vũ trụ cắt ăngten của vệ tinh Cerise (Pháp) năm 1996 - Ảnh: cnes.fr |
Cảnh báo đó đã biến thành sự thật vào ngày 10-2 vừa qua. Không quân Mỹ cho biết một vệ tinh viễn thông tư nhân của Mỹ đâm vào một vệ tinh đã ngừng hoạt động của Nga. “Chúng tôi tin rằng đây là lần đầu tiên hai vệ tinh còn nguyên vẹn đâm vào nhau trên quỹ đạo” - đại tá không quân Mỹ Les Kodlick cho biết. Vụ va chạm xảy ra ở độ cao khoảng 780km bên trên vùng Siberia, độ cao mà rất nhiều vệ tinh thời tiết và viễn thông đang hoạt động. “Đó là một quỹ đạo vô cùng quan trọng đối với rất nhiều vệ tinh” - đại tá Kodlick nhận định.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hai vật thể va chạm nhau có kích thước khá lớn. Vệ tinh của Mỹ là Iridium 33 của Công ty Iridium (trụ sở ở bang Maryland, Mỹ), nặng khoảng 545kg, dài hơn 3,6m, chưa kể dàn pin mặt trời, đưa lên quỹ đạo từ năm 1997. Còn thiết bị của Nga là vệ tinh viễn thông Kosmos-2251, nặng khoảng 1 tấn, lên quỹ đạo từ năm 1993 và hiện đang bay không kiểm soát trong không gian.
Chuyên gia NASA Nicolas Johnson cho biết từng có ba vụ va chạm của các vật thể trên quỹ đạo nhưng chưa vụ nào có quy mô lớn như lần này, bởi các vụ va chạm trước là giữa các bộ phận tách ra từ các vệ tinh rất nhỏ hoặc của tên lửa.
Có thể đâm vào ISS
Cho đến giờ Trung tâm chiến dịch không gian chung (JSpOC) của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) đang theo dõi khoảng 500-600 mảnh vụn xuất hiện sau vụ va chạm, nhiều mảnh có kích thước nhỏ khoảng 10cm, thậm chí số lượng mảnh vụn có thể còn tăng cao lên tới hàng ngàn. Bộ Quốc phòng Mỹ và NASA đang đánh giá nguy cơ mà đám mây mảnh vụn này có thể gây ra đối với các tàu vũ trụ và Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Theo tính toán ban đầu, NASA nhận định ISS đang đứng trước một nguy cơ dù nhỏ nhưng hoàn toàn có thật.
ISS sẽ không đâm thẳng vào đám mây mảnh vụn, bởi nó bay quanh quỹ đạo 354km. Tuy nhiên, “các mảnh vụn sẽ lan tỏa khắp nơi và va chạm qua lại lẫn nhau” - người phát ngôn NASA cho biết. “Sớm muộn các mảnh vỡ cũng sẽ hạ dần độ cao” và rơi vào quỹ đạo của ISS. Tuy nhiên, NASA khẳng định ISS có khả năng tránh các mảnh vụn.
Trong quá khứ, ISS từng tám lần thực hiện các vụ tránh như vậy. “Trên thực tế, những mảnh vụn cực nhỏ mà bạn không thể nhìn thấy được mới là những thứ có thể gây tổn hại” - chuyên gia Johnson nhận định. ISS cũng được thiết kế với vỏ ngoài chịu được lực va chạm lớn. Tuy nhiên, với tốc độ di chuyển trên quỹ đạo lên đến hàng chục ngàn km/giờ, những mảnh vụn dù rất nhỏ khi va chạm vào ISS hoặc tàu vũ trụ có thể tạo ra những “cú đấm” có khả năng tàn phá lớn.
NASA cũng cho biết đám mây mảnh vụn sinh ra từ vụ va chạm sẽ không ảnh hưởng đến chuyến bay của tàu con thoi Discovery chở bảy phi hành gia lên ISS vào ngày 22-2 tới. Tuy nhiên, nhận định này sẽ được đánh giá lại trong những ngày tới. Ông Johnson cho biết kính thiên văn vũ trụ Hubble cùng nhiều vệ tinh quan sát Trái đất ở trên quỹ đạo cao hơn ISS và gần đám mây mảnh vụn mới gặp phải nguy cơ thiệt hại cao hơn. Có khoảng 20 vệ tinh NASA nằm trong số này.
Nguy cơ từ rác vũ trụ
Vụ va chạm khiến các quỹ đạo Trái đất càng thêm chật chội. Hiện USSTRATCOM đang theo dõi tổng cộng hơn 18.000 vật thể quay quanh Trái đất, trong đó có các vệ tinh đang hoạt động và đã hỏng, các mảnh thiết bị tách ra từ tên lửa và các mảnh vụn có đường kính từ 10cm trở lên. Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) ước tính có tới 300.000 mảnh vụn vũ trụ từ 1cm trở lên và khoảng 30 triệu mảnh vụn lớn hơn 1mm. Hai năm trước, chính quyền Trung Quốc đã bắn tên lửa phá hủy một vệ tinh của nước này trong một cuộc thử vũ khí, tạo ra khoảng 2.500 mảnh vụn nguy hiểm gần quỹ đạo vụ va chạm mới đây.
Theo trang web Space.com, có hàng trăm cú sượt qua trên quỹ đạo mỗi ngày. Trước vụ va chạm mới đây, đã có ba vụ đáng chú ý. Tháng 12-1991, mảnh vụn từ vệ tinh Nga Kosmos 926 đâm vào vệ tinh Kosmos 1934. Giới khoa học vũ trụ chỉ phát hiện sự kiện này vài năm sau đó khi nghiên cứu dữ liệu đường bay vệ tinh. Tháng 7-1996, vệ tinh nhỏ của Pháp Cerise bất ngờ lạc đường bay trên quỹ đạo, do mảnh vụn từ một tên lửa cũ của Mỹ đâm vào với tốc độ gần 50.000 km/giờ. Điều kỳ lạ là Cerise đã phục hồi và hoàn tất nhiệm vụ trên không gian.
Năm 2006, mảnh vụn từ một vệ tinh do thám của Nga khi rơi xuống Thái Bình Dương đã suýt bay trúng một máy bay Airbus chở 270 hành khách. AP dẫn lời chuyên gia NASA Mark Matney nhận định các vụ va chạm trên quỹ đạo sẽ ngày càng trở nên “quan trọng hơn” trong những thập niên tới.
Theo AP, rác vũ trụ tăng liên tục trong những năm qua biến các mảnh vụn bay trên quỹ đạo trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tàu con thoi, vượt qua cả mức nguy hiểm của hoạt động phóng lên và quay về Trái đất. Tháng 10-2008, trước khi đưa tàu con thoi tới kính thiên văn Hubble ở quỹ đạo 560km, nơi có nhiều mảnh vụn vũ trụ, NASA ước tính nguy cơ va chạm gây hậu quả nghiêm trọng có tỉ lệ là 1/185. Một chuyến tàu con thoi bình thường lên ISS gặp nguy cơ với tỉ lệ 1/300. Bên cạnh đó, những phi hành gia thực hiện các cuộc đi bộ ngoài không gian cũng phải đối mặt với nguy cơ từ rác vũ trụ.
Phòng tránh như thế nào? Hiện Mỹ đang sử dụng hệ thống giám sát vũ trụ SPACETRACK, một bộ phận của USSTRATCOM, để quản lý nguy cơ va chạm vệ tinh. SPACETRACK có nhiệm vụ xác định các vật thể trên vũ trụ và thông báo cho NASA về khả năng vật thể có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của ISS, các vệ tinh hay tàu con thoi. Trang web của Cơ quan Vũ trụ Pháp (www.cnes.fr) cho biết trong hai năm qua, CNES cũng phát triển phương pháp quản lý nguy cơ va chạm vệ tinh dựa trên dữ liệu của SPACETRACK, trên nguyên tắc so sánh tọa độ vật thể trong các ngày khác nhau để đánh giá nguy cơ va chạm. Khi xác định được nguy cơ va chạm, rađa trên mặt đất sẽ đánh giá vị trí của vật thể một cách chính xác để xác định tàu vũ trụ hoặc ISS có phải bay tránh hay không. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận