11/04/2014 10:34 GMT+7

Về thăm xứ thanh trà

HOÀI VŨ
HOÀI VŨ

TTO - Vào những ngày này, khách du lịch có dịp đi trên quốc lộ 54, đoạn từ thị xã Bình Minh hướng về Trà Ôn (Vĩnh Long), ghé qua ấp Đông Hưng 1 và Đông Hưng 2, thuộc xã Đông Thành chắc sẽ choáng ngợp trước những vườn thanh trà oằn trái, căng tròn và mọng nước.

lIX1VACE.jpgPhóng to
Thanh trà bày bán dọc hai bên lề đường - Ảnh: Hưng Phú

Đến đây, du khách không những tham quan các vườn cây trái sum suê mà còn tận mắt chiêm ngưỡng những chùm thanh trà mơn mởn, khoe sắc, khoe hương dọc hai bên lề đường. Ấn tượng nhất là đoạn đường dưới dốc cầu Cần Thơ, phía Vĩnh Long.

Thanh trà khi chín có màu vàng óng ả, hấp dẫn như muốn níu chân du khách, dù không mua cũng phải nhìn cho đã mắt. Có thể nói khách tham quan mỗi lần bước chân tới xứ sở thanh trà khó mà về tay không vì đây là món quà rất có ý nghĩa, vừa đẹp tên vừa đẹp dáng - nhỏ bé nhưng xinh xắn, đáng giá.

Đông Hưng 1 và Đông Hưng 2 thuộc xã Đông Thành, nay mở rộng thêm ở xã Mỹ Hòa và Thuận An là quê hương của loại đặc sản này. Khi sống trái màu xanh, lúc chín chuyển sang vàng óng mượt trông như quả mơ. Khi bóc vỏ ra thịt có màu vàng tươi rói và thơm ngon, hấp dẫn như mùi xoài nhưng vị chua ngọt. Có thể nói đồng bằng sông Cửu Long chưa có loại trái cây nào tươi đẹp và quyến rũ như thanh trà.

cR1cIj4d.jpgPhóng to
Thanh trà chín rộ, màu sắc thật thanh tân - Ảnh: Hoài Vũ

Theo các vị cao niên, giống thanh trà này đã mọc rễ ở Đông Thành trên 80 năm. Cây lâu năm nhất được bà con phong tặng là cây thanh trà tổ hiện nằm trên phần đất của anh Nguyễn Thanh Minh ở ấp Đông Hưng 2. Ông Huỳnh Văn Trượng, một lão nông, cho biết cây thanh trà tổ này có nguồn gốc từ xa xưa, lúc ông lớn lên đã có rồi. Hiện cây sống rất khỏe, mỗi năm thu hoạch hàng tấn trái. Bình quân một cây thanh trà trưởng thành 7-10 năm tuổi, năng suất mỗi vụ từ 200-300kg.

Ông Trượng cho biết thanh trà Đông Hưng trước đây có cây trái ngọt, có cây trái chua hoặc vừa ngọt vừa chua. Gần đây bà con đã tuyển chọn những cây trái ngọt để nhân giống bằng cách chiết cành, chỉ sau hai năm là ra trái thay vì trồng hột phải mất 10 năm.

Vào những ngày này xã Đông Thành lúc nào cũng rộn ràng, tất bật người hái trái, kẻ phân loại, vô thùng và vận chuyển, tạo cơ hội cho hàng trăm lao động có công ăn việc làm ổn định.

Trồng thanh trà cực nhất là hái trái. Đối với những cây cao, bà con phải trèo và hái bằng lồng rất vất vả. Đa số người trèo cây là thanh niên và phụ nữ, người hái giỏi nhất mỗi ngày chừng 50-70kg.

5fH9K3hj.jpgPhóng to
Hái thanh trà là công việc khá vất vả, phụ nữ cũng tham gia - Ảnh: Hoài Vũ
O5PNm67r.jpgPhóng to
Thanh trà mới hái - Ảnh: Hoài Vũ
1pwkuVBr.jpgPhóng to
Niềm vui với mùa thanh trà - Ảnh: Hoài Vũ

Ngoài ăn tươi, ăn chơi, bà con còn dùng trái thanh trà sống nấu canh chua, kho cá, đặc biệt trái chín bỏ vỏ cho vào ly quậy chung với đường, dùng lạnh như một món giải khát tuyệt hảo trong mùa hè. Mới đây, nhiều người còn có sáng kiến dùng trái thanh trà ngâm rượu và thanh trà ngào đường dùng uống lạnh vừa thanh tao, dịu ngọt vừa giải nhiệt.

Vài năm trở lại đây do nhu cầu tiêu thụ mạnh lại được giá nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư cho cây thanh trà và mở rộng thêm diện tích trồng ở một số xã ấp thuộc huyện Bính Minh. Riêng tại ấp Đông Hưng 2 hiện có trên 50% hộ trồng loại cây này, ít nhất 5-10 cây, nhiều nhất 5-6 công, mỗi công thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng.

Bình Minh, Vĩnh Long là nơi nổi tiếng về các loài cây đặc sản như bưởi Năm Roi, sầu riêng… nay có thêm cây thanh trà sẽ góp phần làm giàu cho địa phương và thu hút khách du lịch ngày càng đông hơn.

XueKacg4.jpgPhóng to
Mứt thanh trà - Ảnh: Hưng Phú
HOÀI VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên