29/12/2009 08:32 GMT+7

Vé tàu tết: qua "cò" là có

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - “Cò” vé có thể cung cấp vé đi bất kỳ ngày nào, tuyến nào theo yêu cầu, kể cả những tuyến mà trung tâm nhắn tin trả lời là hết vé. Không chỉ “cò” đơn lẻ, đã xuất hiện “cò” cao cấp là các đại lý bán vé máy bay tham gia bởi số tiền mà người đi tàu phải trả thêm ít nhất cũng lên đến 30% vé tàu.

Điều tra

oCGi9ztE.jpgPhóng to
Vé theo đơn đặt hàng đã có, “cò” vé điện thoại gọi người mua đến nhận - Ảnh: VÕ HƯƠNG

Nhiều ngày qua, hàng ngàn hành khách muốn mua vé tàu tết từ “chính hãng” đều thấp thỏm lo lắng không còn vé để mua. Trong khi đó ngoài thị trường “chợ đen” lúc nào cũng có vé, miễn là chịu chi giá cao...

Quanh ga Sài Gòn từ sáng đến tối, hầu như ngày nào cũng có hàng chục “cò vé” túm tụm thành nhiều nhóm. Cảnh chào mời mua vé tàu tết tại cổng ga luôn nhộn nhịp và công khai.

Muốn đi ngày nào cũng có vé

Tiếp cận chúng tôi là nhóm phe vé gồm một thanh niên mặc áo sặc sỡ và hai phụ nữ trung niên đẫy đà luôn đội nón lá. Người thanh niên có tên Đệ. Anh ta giới thiệu khá nhiều loại vé. Hỏi vé đi bất kỳ ngày nào nhóm này đều trả lời: “Có vé”. Tôi đặt mua một vé đi Hà Nội trong ngày cao điểm (27 tháng chạp) mà trước đó đã được trung tâm nhắn tin trả lời hết vé. Đệ đòi tiền cọc 200.000 đồng, bảo cứ chờ, có vé sẽ điện thoại đến lấy.

Sau khi giao CMND và tiền đặt vé, từ một góc khác chúng tôi quan sát thấy Đệ chuyển hết tiền cho một phụ nữ trung niên tên Linh. Mỗi khi có khách đến mua vé, bà Linh đều giở một cuốn sổ tay nhỏ ra để lấy một xấp vé dày cộp. Khi cần, bà liên tục gọi điện cho đầu mối đặt chỗ. Đệ làm con thoi chạy ra chạy vào khu vực nhà ga. Tiếp xúc với Đệ là một thanh niên tên S. đứng trong khu vực ga chính. Một số tài xế lái xe ôm ngoài sân ga nói: “Mỗi ngày S. chuyển giao hàng trăm vé, kiếm bộn tiền”.

Các “trùm” phe vé

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi lại phát hiện trùm vé tên Linh. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi lần theo đường dây của bà Linh.

Những năm trước, chúng tôi cũng từng phát hiện và thông tin lên mặt báo về “trùm” phe vé này. Ngoài bà Linh, còn ba trùm phe vé khác nổi tiếng không kém đó là bà D., bà H. và ông M..

Trong phòng chờ, hành khách ngồi kín và phải đợi khá lâu mới đến lượt mua vé. Thế nhưng “cò” Đệ chỉ chưa đầy 15 phút kể từ khi nhận tiền cọc đã có vé trong tay. Ngay sau đó Đệ gọi chúng tôi ra ga nhận vé.

Tấm vé tàu này in rõ tên và số CMND của chúng tôi, ngày xuất vé là 11-12 (đúng ngày chúng tôi nhờ “cò” mua vé), mã số vé là H 0994217, vé ngồi mềm, tàu SE10, Sài Gòn đi Hà Nội ngày 10-2-2010 (27 tết), giá trên vé 862.000 đồng nhưng chúng tôi phải trả 1.062.000 đồng. Cũng thời điểm này, chúng tôi hỏi không ít hành khách đã nhắn tin đặt vé và xếp hàng chờ mua vé tại ga Sài Gòn, hầu hết đều cho biết quy trình mua vé rất phức tạp, muốn có vé tàu phải mất không dưới 30 phút.

Vẫn ngày 11-12, chúng tôi quay trở lại ga Sài Gòn tìm mua vé đi Vinh và Hà Nội. Gặp lại nhóm phe vé chúng tôi được thông báo rõ số hiệu tàu, loại vé có thể mua được. Sau đó tìm cách tự nhắn tin ngay vào mạng tổng đài 8205 để đặt mua số chỗ mà phe vé vừa cho biết là còn vé, nhưng hầu hết tin nhắn hồi báo đều hiện dòng chữ “chờ hệ thống xử lý thông tin” hoặc “số chỗ này đã hết”. Chúng tôi quay lại đưa CMND nhờ phe vé mua hộ. Chỉ trong 30 phút, số chỗ chúng tôi đặt từ nhóm phe vé đã được thông báo có chỗ.

Trước đó hai ngày, chúng tôi đến ga Sài Gòn đặt mua vé đi Vinh, mẹ con bà Nga - một “cò vé” ngồi trước cổng chính nhà ga - yêu cầu đóng tiền cọc 50.000 đồng kèm bản chính CMND. Trước khi đặt tiền và CMND cho cò vé, chúng tôi cũng liên tục nhắn tin cho hệ thống mạng bán vé tàu nhưng đều nhận được phản hồi hết chỗ. Tấm vé được xuất bán ra lần này không mang tên CMND của chúng tôi mà mang tên một người khác.

Vé in: ngày bán 9-12, Oanh CMND 6026, mã vé H0976176. Giá trên vé chỉ 787.000 đồng nhưng chúng tôi phải nộp 1.010.000 đồng. Chúng tôi bày tỏ lo lắng sợ nhà ga không cho lên tàu, bà Nga quát: “Tui làm ở đây tới mồng 1 tết. Cứ ra ga đi, nếu trục trặc tui cho “thủ lĩnh” đưa bà ra”. Khi giao tiền vé cho mẹ con bà Nga, chúng tôi thấy từ góc tối bên kia đường một ông trung niên bước tới thu ngay tiền của bà Nga. Chúng tôi thắc mắc, bà Nga thật thà: “Tui lấy vé qua bà Hương, ông này là chồng bà Hương - trùm vé ở đây”. Mẹ con bà Nga cho biết chỉ được hưởng chênh lệch do trùm chia lại từ 10.000-20.000 đồng/vé.

IuGzd1am.jpgPhóng to
Khách hàng có thể mua vé tàu tết từ nhóm phe vé tại cổng ga Sài Gòn - Ảnh: VÕ HƯƠNG

“Chợ đen”... cao cấp

Dọc các tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) và một số tuyến đường khác trong TP.HCM, từ tết năm ngoái đến năm nay đã xuất hiện các đại lý bán vé máy bay nhưng tổ chức bán vé tàu tết không chính thức. Các đại lý này bán vé tàu ăn chênh lệch theo kiểu chợ đen.

Ngày 12-12, tại phòng vé Xuân Hồng (413 A Cộng Hòa, P.13, Tân Bình), tiếp chúng tôi, anh thanh niên bán vé nhanh nhảu cho biết còn một số vé tàu tết trong ngày cao điểm. Chúng tôi đồng ý đặt mua một vé nằm cứng điều hòa, tàu TN10 đi Hà Nội ngày 26 tết (9-2-2010). Phòng vé Xuân Hồng không đưa vé ngay mà yêu cầu phải đặt cọc một nửa số tiền, hẹn ba ngày sau giao vé.

Đúng hẹn, ngày 15-12 chúng tôi quay trở lại phòng vé, tấm vé đã được xuất bán cho tôi, không in ngày tháng xuất vé mà chỉ in dòng “ngày bán: của Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn”, mặt sau tấm vé in rõ của đại lý Hỏa Xa (275C Phạm Ngũ Lão, quận 1), mã số vé đề N0516694. Phòng vé Xuân Hồng thu phí chênh lệch là 150.000 đồng/vé.

Huế: còn ba ngày để mua vé tàu tết giảm giá

Ngày 28 - 12, ga Huế cho biết từ nay đến hết ngày 31-12, người mua vé tàu SH1 tuyến Huế - Sài Gòn thời gian cao điểm sau tết sẽ được giảm 10% giá vé. Tàu SH1 xuất phát hằng ngày từ Huế lúc 5g25, đến ga Sài Gòn lúc 5g50 sáng hôm sau.

Ông Nguyễn Thành Lâm, trưởng phòng khách vận ga Huế, cho hay phần lớn chuyến tàu từ Huế vào Nam trong thời gian cao điểm sau tết đều còn vé. Chỉ riêng các ngày 21 và 22-2-2010 (mồng 8 và 9 Tết Canh Dần) chỉ còn một số vé giường nằm các tầng trên, ghế cứng và ghế phụ.

Hiện ngoài điểm bán vé tại ga Huế người mua có thể đăng ký mua vé tại bưu điện tám huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và 15 bưu cục trên địa bàn TP Huế theo hình thức: thanh toán tiền tại bưu điện, sau từ 1 - 2 ngày vé sẽ được giao tận nhà.

Tương tự, tại phòng vé Phương Thanh (580 Cộng Hòa, P.13, Tân Bình), chúng tôi đăng ký mua vé tàu đi Nam Định, từ ngày 24-27 tết. Người phụ trách phòng vé hỏi: “Lấy mấy vé?”. “Lấy một vé” - chúng tôi nói. Cô bán vé cầm ra một xấp giao trực tiếp vé cho chúng tôi mà không cần lấy số CMND. Thấy vé in giá chỉ 690.000 đồng nhưng phòng vé máy bay Phương Thanh thu thành 850.000 đồng, chúng tôi thắc mắc: “Ủa, đại lý mà mắc kinh khủng vậy?”.

Cô bán vé bực tức đưa ra một quyển sổ chi chít chi tiết đặt vé, giao tiền của khách hàng, có đầy đủ loại vé, ngày đi và nói: “Cái nào cũng bán mắc hơn giá ghi trên vé nhưng đều bán hết...Tin không, tôi lật sổ ra cho coi”.

Nâng giá dễ sợ hơn là điểm bán vé “chợ đen cao cấp” của phòng bán vé thuộc Công ty TNHH TV DV &TM Đức Thọ (14 Phan Văn Trị, P.7, Gò Vấp). Nơi đây chỉ đăng ký bảng hiệu đại lý bán vé máy bay trong nước và quốc tế. Căn cứ theo danh sách các điểm thu mua vé hộ, đại lý điện toán nối mạng của Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn thì đây cũng không phải là điểm được phép bán vé tàu. Ngày 19-12 đến đại lý Đức Thọ, tôi cầm CMND đưa trực tiếp cho phòng vé, hỏi mua vé đi Vinh.

Tiếp chúng tôi là hai thanh niên trẻ. Một người trả lại CMND cho tôi, đưa ra ngay một xấp vé nói: “Có mấy vé đi Nam Định, Vinh, Hà Nội đủ cả. Nếu mua vé đi Nam Định ngày 25 tết, tàu TN8, đóng tiền chênh lệch mỗi vé 300.000 đồng/vé, nếu mua vé đến Vinh loại tàu SE, đóng tiền chênh lệch 350.000 đồng/vé”.

Chúng tôi thắc mắc: “Tại sao thu tiền dịch vụ quá đắt như vậy? Tại sao đi Vinh lại thu thêm 50.000đồng/vé nữa?”. Người thanh niên bán vé trả lời tỉnh bơ: “Hiếm vé lắm, còn không có vé mà bán nữa. Chênh lệch 300.000 đồng thành 350.000 đồng là do tàu SE là tàu nhanh, phải thu phí mắc hơn tàu thường”.

Mua tấm vé ngồi cứng đi Nam Định 25 tết chúng tôi phải trả đến 933.000 đồng, trong khi giá vé chính thức chỉ 633.000 đồng. Mặt trước tấm vé ghi nơi xuất vé là Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, số hiệu TN8, mã số xuất vé N0503499, ngày xuất vé 11-12-2009. Mặt sau của tấm vé in rõ tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.

Vé “chợ đen” ở đâu ra?

Để hạn chế nạn vé tuồn ra bên ngoài, ga Sài Gòn quy định đối với các doanh nghiệp mua vé hộ trên địa bàn TP.HCM chỉ đưa phiếu nhận vé và thu tiền để hành khách đến ga lấy vé trong ngày trước giờ tàu chạy. Vé nhà ga bán cho tập thể cũng được duyệt và chờ đến gần ngày đi mới được lấy vé.

Tuy nhiên, vé từ đại lý nối mạng với Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn lại được xuất trước. Cho nên trong thực tế, số vé chúng tôi mua tại đại lý vé “chợ đen cao cấp” Xuân Hồng có in rõ đại lý xuất vé cho người mua lại là đại lý Hỏa Xa - đại lý chính thức nối mạng với Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn. Đây cũng là đại lý mà trước đó chúng tôi hỏi mua vé chính thức nhưng không còn vé trong những ngày cao điểm tết.

Hai tuần liền, chúng tôi đã căn cứ theo lịch phân phối vé của ga Sài Gòn để hỏi mua vé ngay từ những ngày đầu các đại lý được bán vé nhưng đều không mua được. Nhiều ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với các đại lý bán vé điện toán (là đại lý chính thức của ngành đường sắt) và nhiều điểm doanh nghiệp mua vé hộ thì đều nhận được câu trả lời rất giống nhau “hết vé” hoặc “không có vé” trong năm ngày cao điểm (23-27 âm lịch). Trong khi đó, nếu vé chợ đen thì dù là ngày cao điểm cũng vẫn có thể mua được.

Theo quy định, các đại lý nối mạng phải bán đúng giá vé nhưng rất khó mua. Nhiều hành khách không mua được vé từ một số đại lý nối mạng nên phải chấp nhận mua vé từ những “đại lý con” không hợp lệ để lấy tấm vé xuất ra từ đại lý chính với giá chênh lệch rất cao.

Năm nào ngành đường sắt cũng cải tiến việc bán vé tàu. Năm nay có thêm việc bán vé qua tin nhắn nhưng thị trường vé chợ đen thì luôn sôi động, bất chấp sự cải tiến của ngành đường sắt.

=====================================================================

* Mấy tháng trôi qua ngày nào tôi cũng nhắn tin và điện thoại đến các đại lý nhà ga để mua vé, tất cả chỉ nhận được câu trả lời là hết vé... Mua vé tàu kiểu hành hạ dân thế thì không thể chấp nhận được, nhà ga không còn vé tại sao vé chợ đen đi ngày nào, giờ nào cũng có?

* Thật không công bằng đối với người dân lao động. Năm nào cũng vậy, khi những người đi làm ăn xa quê hương cứ mỗi dịp tết đến xuân lại khặp khó khăn chuyện mua vé tàu. Trong khi cứ qua “cò” là có. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không đưa ra giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

--------------

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Xin cảm ơn.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên