Không nói ra thì...
Thì có xa xôi gì đâu, ngay Tây Ninh, đi xe máy chưa đến 3 tiếng. Nhà chồng trên một dải đất ven sông, cũng thuộc dạng vùng sâu, vùng xa. Đến nơi, không khí đồng quê làm cho cô tỉnh hẳn, mệt mỏi mất hết. Nằm đong đưa trên cái võng giữa hai cây dừa, cô nảy ra kế hoạch lâu lâu về thăm nhà chồng để tranh thủ thư giãn.
Phóng to |
Nhưng bước vào nhà, cô lại thấy ngại. Cô ngại vào cái buồng tối của mẹ chồng có chiếc giường bày đủ thứ lỉnh kỉnh nồng nặc mùi dầu gió, làm cô nhức đầu. Cô muốn đi tắm nhưng chồng đang rôm rả tiếp khách, bà mẹ chạy đi chợ mua thêm gì đó… cô tự đi tìm cái nhà tắm, chẳng thấy đâu, bí quá mới hỏi cậu em chồng. Nó chỉ tay ra xa: “Đó! mà để em bơm nước chị mới tắm được”.
Cái nhà tắm không có nóc, được quây bốn mặt bằng mấy tấm tải bố. Được tắm giữa trời, nước thì mát lạnh, cũng là lạ nhưng cô cứ cảm giác không ổn, cứ nhồn nhột như có các cặp mắt ở đâu đó dòm mình. Lạ cái, không hiểu sao nhà chồng lại bố trí nhà tắm đối diện với cái chuồng trâu, mấy con trâu thấy người lạ cứ nghếch cổ sang nhìn, lại còn “phát biểu ọ,ẹ” nghe phát sợ. Thỉnh thoảng cậu em chồng lại hỏi vọng đến: “Nước đầy chưa chị Hai? Nước mát không chị Hai?”.
Nó hỏi lung tung, cô phải trả lời, vừa phải canh sợ nó đến gần, không biết thằng nhóc có nhìn thấy chị dâu qua mấy lỗ trên tấm vải che nhà tắm không. Cô thắc mắc không biết những người phụ nữ trong nhà tắm thế nào thì được thằng nhóc giải thích: “mẹ và chị tắm buổi tối không hà!”.
Chưa hết, phải đến lúc đi toa-let thì cô mới thật sự lo lắng hồi hộp. Đám mì trước nhà là nơi “trút bầu tâm sự” của gia đình. Cô đang lò dò đi ra, gặp ông bố chồng cười cười đi vào: “Vào chỗ sâu trong kia cho sạch sẽ”. Đấy, người ở quê chân chất, hồn nhiên, coi dâu con như người nhà, nhưng cô vẫn ngượng chín cả người, lí nhí “dạ”.
Đến chiều tối, mấy bà trong xóm kéo đến. Cô vợ trẻ đón khách cười mỏi cả miệng. Các bà trong xóm được dịp nhận xét con dâu của bà Ba (mẹ chồng của cô): Cái mặt cũng sáng, đẹp, nhưng ngực hơi nhỏ, có con coi chừng không đủ sữa; có cái dáng cao, nhưng lưng hơi khòm, miệng nhỏ ít nói, cũng được… Họ nhìn cô đầy tình thương yêu, nhưng cô vẫn không thích bị “soi” từng milimet như thế. Ai cũng bảo bà Ba sắp có cháu bồng rồi, mà cô có bầu bì gì đâu...
Dự tính ở một tuần, nhưng sau ba ngày, nếm mùi “hoạt động dã ngoại” một cách cố gắng, cô lấy cớ về họp gấp để chia tay gia đình chồng. Bà mẹ chồng chép miệng với con trai: “Cả năm mới về, vợ mày chắc làm chức to lắm nên không vắng mặt ở cơ quan được”. Ông con trai ngắc ngứ: “Mẹ thông cảm, việc làm kiếm khó nên đi chơi đâu có dễ”. Nhưng thật bụng ông chồng cũng hơi buồn lòng cô vợ không “hội nhập” được vào gia đình chồng. Về đến thành phố, vợ chồng nặng nhẹ với nhau hết mấy ngày.
Đã vài lần về quê nhà chồng, nhưng chị Lê Lâm Tú - nhân viên ngành in - mỗi khi về quê vẫn tự lên tinh thần: “ráng chịu đựng”. Nói nào ngay, chị cũng thích không gian vườn đầy cây trái của miền Tây với mùi hoa dịu dàng trong không khí. Gần đây, nhà chồng đã dẹp cái “cầu tỏm” khiến chị vui mừng hết biết, nhưng cái nhà xí mới lại làm chị ngại ngùng. Đúng là nhà xí nên nó xấu xí thật, cửa nẻo lỏng lẻo, lại còn đặt ở xa nhà, nửa đêm đi giải quyết “bầu tâm sự” là phải “vượt lên chính mình”. Nhưng sợ ma không lớn bằng sợ “đẩy cửa ra thấy có người ngồi lù lù trong đó”.
Đấy là “đầu ra”, còn “đầu vào”: Thức ăn ngon thật: rau sạch, gà vườn, cá tươi chứ không như ở thành phố ăn gì cũng sợ hóa chất; nhưng cứ nhớ đến cảnh cô em chồng ngồi bên con rạch rửa chén vo gạo làm cá là chị cứ thấy ớn ớn. Được vài ngày nghỉ đi chơi, vậy mà 5 giờ sáng chị đã lọ mọ dậy. Chứ nằm nướng sao được trong khi cha chồng, mẹ chồng đã ra vườn làm việc.
Nhưng khổ nhất chuyện ông chồng về quê gặp bạn cũ, bà con, hàng xóm nên nhậu từ sáng đến tối, ngủ luôn nhà bạn nhậu, quên cả vợ con. Trong khi ông chồng “về nguồn” một cách hồn nhiên thì chị cứ ngậm ngùi trong lòng. Chắc bà mẹ chồng tinh ý nhận ra nên lúc có mặt con dâu, bà hay bóng gió: “Nhà quê, làm sao đủ tiện nghi như nhà thành phố, nên tôi không dám mời ai ở lại lâu”. Cứ thế, mẹ chồng con dâu khó thân mật. “Thôi thì ráng chịu đựng ít bữa cho phải phép chứ sao bây giờ” - chị tự nhủ.
Không ít nhà quê cũng lên đời với đầy tiện nghi không thua kém thành phố, nhưng thói quen sống lại khó thay đổi . Vì vậy hai từ “về quê” luôn là nỗi lo của không ít dâu, rể thành phố.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận