Phóng to |
Nghe tôi hỏi thăm đến nhà các bệnh nhân, chủ tịch xã Rơmah Nhơn chỉ tay vào chính mình: “Tui đây chứ cần tìm đâu. Nhà nào ở H’Bông lại chẳng có người bị, nặng hay nhẹ thôi”...
“Không phải do yàng đâu!”
Già làng Queen Đơl rót cho tôi một ly nước. Thoáng nhìn cái ly, tôi đã giật mình: vôi bám cứng dưới đáy một lớp ngà ngà đục. Thấy khách tò mò, săm soi, ông cụ lẳng lặng lại bếp, xách lên cái ấm nhôm giúi vào tay tôi: “Con cầm coi đi”. Cái ấm rỗng nhưng tôi thấy nằng nặng: vôi đóng cứng ở đáy ấm, ở thành ấm một lớp dày... Già làng loay hoay cầm cái bầu khô rót ít nước đã đầy tràn ấm. “Hồi trước có thế này không già?”.
“Chuyện bà con dân tộc Jơ Rai ở H’Bông bị sỏi thận đã “kêu” nhiều lắm rồi, “kêu” lên tỉnh, lên Bộ Tài nguyên - môi trường nhưng dường như chưa có động tĩnh gì. Chuyện đưa nước từ thác Phú Cường về H’Bông tốn tiền tỉ thì huyện, xã làm sao đủ sức. Rất nhiều buôn làng H’Bông đã di dời khỏi Ayun Hạ nhường đất cho một công trình đại thủy nông ở Tây nguyên, bây giờ bà con lên định cư ở xã đặc biệt khó khăn này, họ xứng đáng được bù đắp. Biết dân khổ, biết dân mình bệnh tật nhưng địa phương đành bó tay”, phó chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Văn Lành nói. |
Ban đầu đau ít, sau đau nhiều lắm. Đau, mình không đi rẫy được, cũng không đi được sang các làng Kte, Dơ Lâm, Ia Só gần đây thôi để dự hội cồng chiêng...”. Cái ly thủy tinh ông cụ vừa rót đầy nước, chưa đầy năm phút đã lắng một lớp nhờ nhờ đục như nước vo gạo.
“Cũng do con người cả thôi! - già làng Queen Đơl cười buồn nói - Già và dân làng đã ở đây lâu đời rồi...”. H’Bông đâu phải là vùng đất mới. Thuở xưa quanh đây là những cánh rừng bạt ngàn, con nai, con hoẵng, con heo rừng nhiều lắm. Quanh năm những dòng suối chảy trong veo, ngọt lành. Thế rồi những cánh rừng ngày càng lùi xa, lùi xa mãi, những dòng suối kiệt nước. Dân làng phải đào giếng, nhưng đất H’Bông chỉ đào xuống một sải tay là gặp đá vôi. “Đá vôi, nước đùng đục nhưng cũng phải uống, nhịn sao được...”.
Làng Kte, làng La Sa, làng Dék, làng Kueng, những buôn làng khuất nẻo ở H’Bông hôm chúng tôi đến bà con mừng lắm. Nghe hỏi thăm về bệnh sỏi thận, ai cũng hồ hởi: “Có thuốc không cho mình xin”. Những đôi mắt thảng thốt của những người bệnh như cầu cứu. Siu Klơ ở đầu làng Ring nằm co ro trong xó nhà, người gầy tóp như que củi. Chị bị sỏi thận hơn ba mùa rẫy rồi, bây giờ chồng chị cũng mắc chứng bệnh nguy hiểm này. Không còn ai lên rẫy trỉa lúa, trỉa bắp nuôi ba đứa con.
Phóng to |
... và Siu Ling, Siu H'lang và Ksor Măng vào rừng chắt từng giọt nước sạch, không nhiễm vôi mang về để dành uống - Ảnh: BẢO TRUNG |
Chủ tịch xã Rơmah Nhơn nói: “H’Bông là xã vùng 3, xã đặc biệt khó khăn, dân làng nghèo lắm, làm sao có tiền đi chữa bệnh”.
Siu Hil đã đi Bệnh viện huyện Chư Sê rồi lên Bệnh viện tỉnh Gia Lai nằm điều trị hai tuần rồi phải trốn về. Có sổ hộ nghèo nên Siu Hil được bệnh viện không thu tiền thuốc, cho ăn cơm miễn phí, nhưng người nhà lên chăm sóc thì rẫy bỏ hoang.
Cuối cùng Siu Hil, Siu Phen, Siu H’Yut rủ nhau giấu bác sĩ, lén trốn về làng. Bây giờ suốt ngày Siu Hil nằm trong nhà, chỉ đủ sức nấu cơm, vãi bắp cho đàn gà, chồng con ở trên rẫy lâu ngày. Chị muốn bổ cây củi cũng không bổ được. Có hôm đang ở ngoài vườn lên cơn đau, Siu Hil nằm quằn quại kêu la, người làng chạy đến cõng giúp Siu Hil lên nhà sàn...
Anh Kpah Thul, trưởng trạm y tế xã H’Bông, cho biết: “Ngày nào cũng có bệnh nhân đến trạm xin thuốc vì có các triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh sỏi thận như: đau thắt lưng, bí đường tiểu, thân nhiệt tăng, một số trường hợp tiểu ra máu... Trạm chỉ cấp thuốc kháng sinh thông thường và thuốc giảm đau, hoặc giới thiệu bệnh nhân lên trung tâm y tế huyện, bệnh viện tỉnh. 12 buôn làng ở H’Bông đều có bệnh nhân liên quan đến thận. Trong số 5.000 dân của xã, trừ trẻ em, còn lại khoảng 2.000 người từ 20 tuổi trở lên, 80% trong số này đều có các triệu chứng nói trên tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau”. |
“Điểm nóng” H’Bông về bệnh sỏi thận bây giờ không còn là chuyện của làng, của xã. Huyện, tỉnh rồi các đoàn khảo sát, điều tra địa phương và trung ương đã về, nhưng làm thế nào để có nước sạch cho 5.000 dân xã H’Bông vẫn đang bế tắc. Nước giếng nhiễm vôi, đào sâu thì gặp đá bàn, đá vôi, khoan sâu hàng trăm mét nước vẫn bị nhiễm vôi.
Cách đây hai năm, huyện và tỉnh bắt đầu bàn một giải pháp mới là thi công đường ống dẫn nước từ hồ thủy lợi Ayun Hạ hoặc từ thác Phú Cường về H’Bông, đường ống này dài chừng 15km. Nhưng cuối cùng đó chỉ là ý tưởng. Bế tắc vì... kinh phí.
Gần 10 năm trôi qua, H’Bông là một vùng đất khát, cây trồng thiếu nước suốt sáu, bảy tháng mùa khô Tây nguyên và con người cũng khát nguồn nước sạch. Bao giờ có nước sạch cho H’Bông?...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận