Kỳ 3: Từ Kushinagar tới Vaishali Kỳ 2: Lumbini hạnh phúc Kỳ 1: Sravasti bình yên
Phóng to |
Bodh Gaya nửa bình yên như một ngôi làng, nửa bận rộn giống như một thị trấn, với dân số khoảng 40.000 người. Được thừa hưởng các tiện nghi giao thông của Gaya, hay nói cách khác, nhờ có Bodh Gaya mà các phương tiện giao thông của Gaya phát triển rất thuận lợi cho du khách.
Dấu ấn ngàn năm
Những ngày ở Bodh Gaya có lẽ là những ngày hân hoan nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Ở đây, chúng tôi có dịp thăm lại nơi Đức Phật thành đạo, thăm ngôi làng của nàng Sujata (Tu Xà Đề) và vô số chùa của các quốc gia khác nhau. Thiên nhiên nơi đây cũng gắn bó với những thánh tích.
Trải qua hàng ngàn năm, du khách vẫn còn cơ hội ngồi chiêm nghiệm dưới tán bồ đề. Vẫn còn đó dòng Niranjan huyền thoại, đồi Brahmayoni, thuở đó mang tên Gayasisa nơi đức Phật giảng Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta) cho các nhà tu khổ hạnh theo đạo thờ Thần Lửa, xa hơn nữa là Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật đã tu khổ hạnh sáu năm.
Sân bay Gaya, nằm giữa Gaya và Bodh Gaya, là sân bay lớn thứ 2 của Bihar, từ đây có các chuyến bay nội địa tới Delhi, Kolkata, Varanasi và các chuyến bay quốc tế tới Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka. Ga Gaya (Gaya Junction) là ga lớn thứ hai của bang Bihar, sau ga Patna, mỗi ngày đón gần 100 chuyến tàu đến, đi. Ga Gaya cách Bodh Gaya 16km, từ đây nếu không ngại chen chúc cùng với dân địa phương, du khách có thể dễ dàng bắt xe buýt hoặc autorickso tới Bodh Gaya. Hoặc cũng có thể theo quốc lộ 83 nối Gaya với Patna, với khoảng cách chừng 130km. |
Niranjan, dòng sông thiêng của đạo Phật cũng như đạo Hindu, còn có tên gọi là Nilanjan, Lilajan - được biết đến với cái tên Việt “Ni Liên Thiền”.
Cùng với sông Mohana, Niranjan khởi nguồn từ cao nguyên Hazaribagh, bang Jharkhand, cách Gaya hơn 100km về phía nam. Sau khi chảy qua Bodh Gaya khoảng 4km, nó hợp lưu với dòng Mohana thành dòng Falgu, có bề rộng lên tới gần 1km. Dòng Falgu tiếp tục tiến về hướng bắc, hòa nhập vào dòng Punpun và cuối cùng chảy về sông Hằng.
Niranjan vào mùa này chỉ còn lại một dòng nhỏ mong manh. Ít ai ngờ vào mùa mưa, Niranjan rộng tới vài trăm mét. Dưới lòng sông nước đã cạn khô trơ ra đáy cát, có chỗ cỏ đã mọc lác đác, sư cô Tuệ Tâm chỉ cho chúng tôi dấu vết của những buổi đốt xác. Hai bên bờ sông còn mọc đầy giống cỏ xanh mượt, cao ngang người mà người dân gọi là cỏ kusha (cỏ kiết tường).
Thứ cỏ này phải chăng cũng chính là cỏ kusha mà người nông dân đã dâng lên Đức Phật hàng ngàn năm về trước để người ngồi? Hàng ngàn năm trôi qua với biết bao nhiêu dâu bể nhưng sông vẫn bền bỉ chảy, cỏ vẫn mọc, và người dân vẫn cắt cỏ để nuôi bò như người dân của hàng ngàn năm về trước.
Bên sông là ngôi chùa nhỏ khiêm tốn, đánh dấu nơi nàng Sujata cúng dường bát cháo sữa cho Đức Phật, trước khi Ngài đi về cội Bồ đề thiền định. Gần đó, bên bờ nam của dòng Niranjan là phế tích của ngôi tháp gạch cao khoảng 11m mang tên nàng Sujata.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Cách làng Sujata chừng 1,6km về phía đông bắc là ngọn đồi Dhongra. Trên đỉnh đồi có một hang đá nhỏ, tương truyền đây chính là vùng Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật trải qua sáu năm tu khổ hạnh.
Uruvela núi non trùng điệp, chiếc xe nhảy chồm chồm trên con đường làng nhỏ hẹp và nhiều ổ gà. Trước mắt chúng tôi lại bày ra cảnh trí của một ngôi làng nghèo với những đứa trẻ áo quần rách rưới. Phụ nữ Ấn Độ không biết việc khâu vá nên áo quần của con trẻ cứ mặc đến khi quá rách thì quăng đi.
Những ngôi nhà gạch, nhà đất ven đường đắp đầy bánh than giống than bùn rất phổ biến ở miền Bắc cách đây khoảng 20 năm. Có điều bánh than này làm bằng bùn trộn với rơm và phân bò. Dân ở đây vẫn phải đun nấu bằng thứ chất đốt tự nhiên này.
Biểu tượng của sự giác ngộ
Trung tâm của Bodh Gaya là cội bồ đề, nơi Đức Phật thành đạo. Dưới gốc bồ đề huyền thoại, hoàng đế Asoka đã dựng tòa kim cương Vajrasana bằng đá sa thạch để ghi nhớ địa điểm nơi Đức Phật thành đạo. Bên gốc bồ đề là chùa Mahabodhi, được xây dựng vào thế kỷ thứ VI.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có cuộc đại trùng tu vào năm 1883 và năm 1956, nhân dịp lễ kỷ niệm 2.500 ngày Phật đản. Tháng 8-2002, chùa Mahabodhi đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tỏa bóng lên ngôi chùa lịch sử là một cây bồ đề lớn. Cây bồ đề là một phần không thể thiếu được của quần thể di tích ở Bodh Gaya, nó cũng đã trở thành một trong những vật biểu trưng của bang Bihar. Lá cây bồ đề ép khô trở thành vật lưu niệm được khách hành hương yêu thích, như là một biểu tượng của sự giác ngộ.
Cây bồ đề cũng có một lịch sử của riêng nó, với những thăng trầm theo năm tháng. Cây đã bị triệt hạ nhiều lần, và cũng được trồng lại nhiều lần từ cây cũ, hoặc từ nhánh của cây bồ đề ở Sri Lanka, vốn là một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy. Cây bồ đề hiện tại được trồng lại vào năm 1876, sau khi cây trước đó bị bão làm bật gốc. Tháng 10, cây xanh tươi không một chiếc lá vàng.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian tham quan các ngôi chùa ở Bodh Gaya, mỗi ngôi chùa giống như một “Đại sứ quán” của các quốc gia. Buổi tối sau cùng ở Bodh Gaya, mọi người đến chùa Việt Nam Phật Quốc Tự.
Rốt cuộc, chuyến viếng thăm này đã trở thành một trong những điểm nhấn trong lịch trình khi tất cả ngồi trên sân thượng trong gió mát tháng 10, ngắm chiều lặng xuống và những ráng vàng, ráng đỏ mờ dần, nhường chỗ cho bóng đêm tịnh mặc, sao trời và gió mát...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận