21/05/2013 09:25 GMT+7

Vé máy bay... giả

LÊ NAM
LÊ NAM

TTC - Với một chiếc máy tính có kết nối mạng Internet, nhiều người ngủ dậy một đêm bỗng nhiên trở thành đại lý vé máy bay. Khách đến các đại lý này mua vé tiền mất mà lại chẳng thể bay.

mqljyKFY.jpgPhóng to

Vé máy bay giờ đã được các hãng hàng không áp dụng hình thức vé điện tử, được in trên giấy A4 với những thông số chuyến bay, tên hành khách, số hiệu chuyến bay, ngày giờ khởi hành… thậm chí nhiều đại lý chỉ trao đổi với khách qua điện thoại hỏi nhu cầu di chuyển và khách hàng cũng không cần đến đại lý trả tiền mà “bắn” tiền qua ATM hoặc điện thoại di động là xong.

Đại lý đểu

Bà N.T.B theo hướng dẫn của một người quen đến đại lý P (Bùi Viện, Q.1) đặt vé máy bay từ TP.HCM sang Pháp. Cẩn thận bà đến tận nơi đưa ra yêu cầu đặt mua hai vé người lớn và một trẻ em 2 tuổi cho chặng bay từ TP.HCM sang Bangkok (Thái Lan) sau đó từ đây sang La Reunion - một hòn đảo nhỏ nằm trong Ấn Độ Dương, cách Madagascar 700km về phía đông và cách Mauritius 200km về phía tây nam, thuộc lãnh thổ Pháp (hòn đảo này là nơi vua Duy Tân và Thành Thái bị đưa đi đày) với giá gần 40 triệu đồng. Chuyến bay khởi hành từ TP.HCM sang Bangkok êm xuôi đến khi làm thủ tục từ Bangkok sang La Reunion (Pháp) thì nhân viên tại Bangkok cho biết vé đi của ba người không hợp lệ. Bà N.T.B tức tốc gọi về cho người quen để thông báo tình hình nhờ người này đòi lại tiền và mua vé mới để về nước. Đến khi người quen của bà quay lại địa chỉ trên thì một đại lý vé máy bay khác đã thuê lại diện tích này, còn đại lý cũ đã cao chạy xa bay!

Bà D. được một người quen cho số điện thoại một đại lý vé máy bay M.L. (Q.Gò Vấp). Bà gọi đến số điện thoại này nhờ mua giúp vé máy bay cho chồng đi từ Huế vào TP.HCM chuyến 21g40 ngày 24-2. Vài phút sau có người gọi điện thoại đến hỏi bà có thẻ ATM hay không rồi yêu cầu gửi 1,65 triệu đồng vào tài khoản ATM sau đó có người đọc mã xác nhận, ký hiệu chuyến bay… Nhưng chồng của bà ra sân bay làm thủ tục thì được báo vé chưa thanh toán nên không thể bay. Sau nhiều ngày “làm dữ” đại lý kia mới chuyển tiền trả lại cho bà D.

Các hãng hàng không cho biết họ đã từng giải quyết rất nhiều trường hợp “hậu quả” của các đại lý ma để lại mà tổn thất hành khách hoàn toàn gánh chịu. Về nguyên tắc bán vé điện tử qua mạng Internet, người mua chỉ cần có thẻ tín dụng, thẻ ATM… Sau khi khách đã đặt vé và trả tiền, khách vẫn nhận được vé máy bay, nhiều nạn nhân cho biết họ đã cẩn thận gọi lại tổng đài của hãng hàng không để kiểm tra vé máy bay có thật hay không thì được xác nhận có chuyến bay, có mã xác nhận, số vé… Nhưng gần như ngay sau đó, đại lý lại lẳng lặng hủy vé, ôm tiền của khách và đóng cửa đại lý. Ra đến sân bay khách đã ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thường chấp nhận vẫn phải bay và phải mua lại vé lúc này giá đã cao ngất…

Tâm lý giá rẻ

Khi xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ, vé máy bay nhiều khi có giá chỉ bằng tô phở cho chặng bay từ TP.HCM đi Hà Nội. Nghe mua được vé máy bay giá quá rẻ nhiều khách khấp khởi mừng thầm. Để mua được vé máy bay giá rẻ người mua bắt buộc phải có thẻ tín dụng của các ngân hàng phát hành để thanh toán trực tuyến, cũng có vài hãng hàng không nội địa cho phép dùng thẻ ATM để mua vé hoặc đăng ký trực tuyến rồi ra phòng giao dịch của ngân hàng có liên kết để thanh toán.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) và mới đây là VietJet Air (VJA) đã phải giải quyết những tình huống trớ trêu của hành khách khi trên tay cầm tờ vé điện tử, có mã xác nhận hẳn hoi nhưng tên hành khách lại không có trên hệ thống của hãng và không có trên chuyến bay ngày hôm đó. Cãi nhau ỏm tỏi cuối cùng mới phát hiện ra giao dịch của chủ thẻ tín dụng (mua vé máy bay này) không được ngân hàng xác nhận. Hãng hàng không hủy tên khách trên hệ thống còn tiền khách đã trả cho đại lý đã tiêu tan. Số là khi mua vé máy bay của JPA, VJA “đại lý” đã sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán cho giao dịch này. Ngân hàng kiểm tra biết thẻ tín dụng giả đã không chấp nhận thanh toán, tên của hành khách trong vòng 24-48 giờ sau khi mua đã bị hủy mà khách thì không biết.

Giữa tháng 12-2012, công an Hà Nội đã bắt một nhóm 4 tên sử dụng thẻ tín dụng giả mua hơn 200 vé máy bay của Vietnam Airlines rồi bán cho người khác để kiếm lời. Khá nhiều hành khách trong số đã mua vé này đã không thể làm thủ tục lên máy bay do hệ thống chưa thanh toán tiền cho hãng.

Các hãng hàng không lưu ý khách hàng: các phòng vé, đại lý chính thức của hãng đều có bảng hiệu và giấy chứng nhận đại lý chính thức nằm ngay trong tầm nhìn để khách hàng nhận biết; trên giấy chứng nhận, địa chỉ phải trùng khớp với địa chỉ bên ngoài phòng vé. Khi các “đại lý” không có hình thức như thế này, rất có thể là “đại lý ma”. Đại diện các hãng hàng không đều nhắc nhở khách “đã cẩn thận gọi đến tổng đài của hãng để kiểm tra vé nhớ hỏi thêm câu: vé này đã thanh toán hợp lệ chưa?”

iEL8ecDB.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 476 ra ngày 15/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên