![]() |
Anh Nguyễn Khắc Cường (ở xã Hà Linh) chăm sóc ruộng bắp chỉ mới cao hơn gang tay - Ảnh V.Đ. |
Trong những lần đi cứu trợ bà con vùng lũ ở Hà Tĩnh hồi tháng 10-2010, chúng tôi nghe nhiều cô giáo nói: “Bây giờ thì chưa sao vì nhờ có tiền, có gạo cứu trợ. Nhưng vài tháng nữa mới thật sự bi đát khi tiền, gạo cứu trợ đã hết; trong khi lúa, bắp còn lâu mới thu hoạch”.
Chúng tôi đã trở lại theo “cái hẹn” vài tháng ấy và quả đúng như thế...
Dè sẻn gạo cứu trợ
Nhắc đến tết, chị Nguyễn Thị Ninh (xóm 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chùng giọng: “Con đang thiếu áo ấm, gạo cứu trợ giờ chỉ còn chút đỉnh, phải ăn dè sẻn, cầm chừng qua ngày, vì vậy gia đình tui không mong tết...”!
Dính hai đợt lũ liên tiếp trong tháng 10-2010, tài sản duy nhất mà mưa lũ để lại cho gia đình chị Ninh là những bộ áo quần sờn rách trên người.
Hơn ba tháng nay gia đình chị Ninh sống dựa vào những cân gạo cứu trợ, hay những chiếc áo ấm đều do các cá nhân, tổ chức hảo tâm tặng. Biết số gạo cứu trợ không thể ăn qua giêng, hai vợ chồng chị đã vác cuốc ra đồng xới được hai sào đất trồng bắp. Sau lũ, cỏ dại, sâu bệnh phát triển rất nhanh nên ngày nào chị cũng ra đồng bắt sâu, làm cỏ. Chị chăm hai sào bắp như chăm con mọn.
Nhưng ngày thu hoạch vẫn còn xa lắm khi cây bắp của chị hiện chỉ mới cao hơn gang tay! Mùa đông về mang những cơn gió lạnh buốt cứ quất tả tơi khiến ngôi nhà chằng chéo có nguy cơ sập. Lo tết không có nhà, hai vợ chồng đến ngân hàng vay được 30 triệu đồng theo dạng hộ nghèo.
Nhưng ngôi nhà mới vẫn nền đất, thiếu cửa. Tường nhà được dựng bởi những tấm ván cốppha, đêm ngủ gió luồn vào lạnh co ro. Vừa đi vác củi thuê về, anh Nguyễn Trọng Thế, chồng chị Ninh, lo lắng: “Lũ đã khiến vợ chồng tui phải vay tiền làm lại nhà. Làm xong nhà xem như hai bàn tay trắng, phải chạy ăn từng bữa”.
Xã Hà Linh có 20 xóm (với hơn 1.550 hộ, 6.600 khẩu) thì có đến 16 xóm bị thiệt hại nặng do lũ tháng 10. Và cảnh nhà chị Ninh cũng là mẫu số chung của 16 xóm nghèo ấy.
![]() |
Hai con của chị Lê Thị Trà (xóm 4, Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) sau giờ học phụ mẹ mang phân bón ra đồng - Ảnh: V.Đ. |
“Phải lo được cái bánh chưng, cân thịt lợn”
Tết Tân Mão chỉ còn đếm từng ngày. Chúng tôi đi đến một số xã ở huyện Hương Khê bị thiệt hại nặng trong cơn lũ lịch sử tháng 10-2010. Những cánh đồng ngày nào chìm ngập trong nước lũ nay đã xuất hiện màu xanh biếc của lá khoai, màu xanh mơn mởn của lá ngô. Song ngày hái trái, đào củ vẫn còn xa. Vì vậy, người dân vùng này không mong tết đến.
Đúng thời gian này của năm ngoái, anh Trần Văn Thuận đã đi chợ tết mua sắm áo quần cho con, rồi về nhà soạn sửa bàn thờ gia tiên chuẩn bị đón tết. Vậy mà năm nay, ngày nào anh cũng lội giữa hồ nước lạnh buốt thả lưới kiếm từng con cá cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhà anh ở cuối xóm 13, xã Hà Linh, cách sông Ngàn Sâu chưa đầy 100m. Trải qua hai cơn lũ nhà anh trống trơn, không còn một hạt lúa. Đàn ngan nuôi bán tết cũng bị nước lũ “lùa” đi mất. Nhìn bốn đứa con nheo nhóc, anh Thuận rơm rớm nước mắt.
Sau lũ, Hương Khê xơ xác, tiêu điều, đụng vào đâu cũng thấy đau, hỏi đến đâu cũng nhói lòng. Cả nước đã dồn sức giúp đỡ người dân Hương Khê. Nhưng sự giúp đỡ chỉ đủ để cứu đói vài ba tháng chứ làm sao kéo dài hơn nữa để chờ đến mùa thu hoạch. Vì vậy, tết này ở Hương Khê buồn lắm...
Ông Hoàng Công Lý, phó chủ tịch huyện Hương Khê, nói mưa lũ khiến người dân Hương Khê nghèo thêm. Năm ngoái chỉ có 19% hộ nghèo nhưng năm nay tăng lên 48%. Sau lũ người dân thiếu ăn thiếu mặc trầm trọng, hằng ngày phải sống dựa vào hàng cứu trợ. Đón một cái tết nghèo là không thể tránh khỏi đối với người dân nơi đây.
UBND huyện Hương Khê đã phát động phong trào “Tết vì người nghèo”, mỗi cán bộ, nhân viên công chức sẽ đóng góp 30.000-50.000 đồng, mỗi người dân không bị ảnh hưởng lũ lụt sẽ đóng 5.000-10.000 đồng. Ông Lý bảo: “Có khó khăn mấy chúng tôi cũng phải lo cho mỗi gia đình vùng lũ một cái bánh chưng, một cân thịt lợn đón tết...”.
Lũ, rét hoành hành người dân vùng lũ Đợt rét kinh khủng cuối năm khiến nhiều người dân vùng lũ thêm lao đao. Rất nhiều trâu bò sót lại sau cơn “đại hồng thủy” đã chết vì không chịu được thời tiết khắc nghiệt. Các xã vùng lũ như Hà Linh, Phương Mỹ, Hương Thủy... có đến hàng chục trâu bò chết. Mấy ngày nay ông Nguyễn Trọng Nhạ, xóm 4, xã Hà Linh, đứng thẫn thờ nhìn chuồng nghé trống hoác. Đợt rét cuối năm xuống dưới 10oC khiến con nghé 6 tháng tuổi của ông bỏ ăn rồi chết. Thiên tai dường như không buông tha gia đình ông nên ông nói tết năm nay gia đình ông tạm khất sang tết năm sau. Chưa đến 29, 30 tết nhưng chúng tôi thấy người dân nghèo ngồi bày bán thịt trâu bò bên đường. Hỏi ra mới biết thịt trâu bò đó là do chết rét. |
Hỗ trợ gạo 11 địa phương dịp Tết Nguyên đán Ngày 21-1, Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ 33.816 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân 11 địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và giáp hạt năm 2011. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Bình Định và Quảng Bình mỗi tỉnh 3.000 tấn, Quảng Nam 2.000 tấn, Quảng Trị 1.800 tấn, Hà Tĩnh 5.000 tấn, Thanh Hóa 4.300 tấn, Lào Cai 310 tấn, Lai Châu 1.000 tấn, Điện Biên 2.550 tấn, Nghệ An 9.400 tấn, Sơn La 1.456 tấn. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh sử dụng số gạo được cấp này hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. * Ông Bùi Nhân Sâm, chánh văn phòng Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đến thời điểm này đã có bốn tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà tết cho người dân vùng lũ Hà Tĩnh, trị giá hơn 4 tỉ đồng. Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup Hà Tĩnh đã tổ chức trao tặng 1.300 suất quà cho các đối tượng là người nghèo không nơi nương tựa, gia đình già cả neo đơn, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng (300.000 đồng tiền mặt và 200.000 đồng hiện vật) trích từ Quỹ Thiện tâm của tập đoàn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận