Phóng to |
Con trai hay gây chuyện
Tính gây gổ của con trai có liên quan đến nồng độ testosterone. Hoóc môn nam này lẽ tất nhiên rất cao ở con trai khi mới đẻ ra (cũng như hoóc môn nữ rất cao ở sơ sinh gái) nhưng sau đó giảm dần rõ rệt, đến 3-4 tuổi lại tăng và tăng cao nhất ở tuổi dậy thì. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, trong năm đầu, con trai không gây gổ hơn con gái; nếu một bé gái có nồng độ hoóc môn nam cao thì cũng hay phẫn nộ không kém bé trai. Con trai sống trong môi trường hay gây gổ cũng có nồng độ testosterone tăng lên nhưng nếu bị khép vào hoàn cảnh có kỷ luật thì lại hạ thấp.
Phân tâm học cho rằng, con trai có tâm lý lo hãi bị cắt “chim” nên tự bảo vệ bằng các đồ chơi có tính chiến đấu (gươm, súng lục...) và muốn trở thành những siêu nhân, hay tự cho mình là những con vật kỳ quái. Đã có nhiều cách giải thích nguồn gốc tính hung hăng, thích gây gổ của con trai. Nhà tâm thần học Aldo Naouri cho rằng, đó là cách chống lại tâm lý muốn chiếm hữu đứa con trai hay chống lại ảnh hưởng của người mẹ. Trong cuốn sách “XY tạo ra bản sắc nam giới”, Hisabeth Badinter còn bổ sung rằng đó là cách để khẳng định nam tính đối với cái gốc nữ tính.
Kỳ vọng xã hội cũng góp phần tạo nên tính cách đó của con trai. Cha mẹ có thái độ phân biệt giới tính rõ rệt. Khi con gặp xung đột hay phẫn nộ, họ thường khuyên con gái chín bỏ làm mười, hòa giải, bỏ qua, nhưng lại khuyến khích con trai không để bị bắt nạt, phải biết tự bảo vệ.
Con gái có khuynh hướng về văn, con trai về toán
Hoóc môn oestrogen chủ yếu có ở con gái đã gây ra sự phát triển nhanh các tế bào não. Ngay từ đời sống bào thai, bán cầu phải ở thai nhi gái đã phát triển nhanh hơn và có liên hệ với bán cầu trái. Con trai chưa phát triển đủ để có mối liên hệ đó. Não ở con trai có mối liên hệ phong phú ngay ở mỗi bán cầu nhưng nghèo nàn về mối liên hệ với não trái. Đó là một trong những cách giải thích vì sao con trai giỏi hơn con gái về môn lý và toán, vì 2 môn học này phụ thuộc nhiều hơn vào não phải.
Lịch sử nhân loại cho thấy rằng hầu như chỉ có nam giới làm công việc săn bắt, do đó biết định hướng trong không gian (có lẽ vì thế mà tư duy trừu tượng phát triển hơn), trong khi con gái nói sớm và gãy gọn hơn, đọc nhiều hơn, phát triển nhiều cảm xúc hơn. Điều đó giải thích con trai kém hơn về ngôn ngữ và diễn tả cảm xúc (nói lắp, nói ngọng). Tuy nhiên, may mắn là những mối liên hệ mới ở não vẫn tiếp tục được tạo ra trong suốt thời niên thiếu.
Con trai hiếu thắng
Testosterone có tác dụng trực tiếp đến não, làm cho nam nhạy cảm với những vấn đề về đẳng cấp và đua tranh. Tính cách này thể hiện ngay từ bé (thi với nhau xem đứa nào đái xa nhất, khoe bố là công an...) và tiếp tục phát triển ở tuổi trưởng thành. Trong khi đó, con gái có ý thức hợp tác hơn, không bận tâm lắm đến chuyện hơn thua.
Một công trình nghiên cứu ở tuổi mẫu giáo cho thấy rằng, tính thích trên người khác, tính đẳng cấp, mệnh lệnh, huênh hoang, dọa nạt là những tính đặc trưng ở con trai (còn ở con gái, tính này không mấy biểu lộ, trẻ dễ thỏa thuận với nhau, chỉ hay nói). Nam tính thể hiện cả ở sự ham muốn thành công, quyền lực và được mọi người ngưỡng mộ. Tính muốn hơn người còn giúp cho nam giới chống lại sự trầm cảm và sợ hãi. Con trai thường hay bị ngã xe đạp nhiều gấp đôi con gái, không phải vì vụng về mà vì sự sẵn sàng chấp nhận nguy cơ để chứng tỏ mình.
Tính cách nói trên có nguồn gốc từ hàng nghìn năm săn bắt. Nó tạo cho giới nam sở thích khám phá và mạo hiểm, luôn phải gắng sức và vượt qua những thử thách. Còn phụ nữ cũng phát triển nhiều tính cách riêng là hệ quả của thời kỳ hái lượm (trong lịch sử tiến hóa của loài người), làm công việc gì cũng khéo léo, tỷ mỷ và kiên nhẫn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận