12/03/2006 05:45 GMT+7

Về đâu, phim của đạo diễn trẻ?

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TTCN - Các đạo diễn trẻ (hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là những đạo diễn chưa tới 40 tuổi) đã xuất hiện với tỉ lệ không hề nhỏ - 5/12 phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng 2005 là của họ.

kXwiC5Mr.jpgPhóng to
Bùi Thạc Chuyên
TTCN - Các đạo diễn trẻ (hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là những đạo diễn chưa tới 40 tuổi) đã xuất hiện với tỉ lệ không hề nhỏ - 5/12 phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng 2005 là của họ.

Với năm bộ phim Chuyện của Pao (tên ban đầu là Tiếng đàn môi qua bờ rào đá - đạo diễn Ngô Quang Hải), Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên), Đường thư (Bùi Tuấn Dũng), 2 trong 1 (Đào Duy Phúc), Đẻ mướn (Lê Bảo Trung) được trình chiếu tập trung trong hai ngày liền, người ta có thể có mạch cảm xúc liên tục và cái nhìn so sánh, đối chiếu tương đối chính xác về phim của các đạo diễn U40 này.

fheY7Q2n.jpgPhóng to
Hồn Trương Ba da hàng thịt gây nhiều tranh cãi
Và nếu kể thêm cả Hồn Trương Ba da hàng thịt của đạo diễn trẻ nhất (Nguyễn Quang Dũng - sinh 1977) tuy không dự tranh Cánh diều vàng nhưng cũng đang gây chú ý ngoài rạp và gây tranh cãi trên báo chí thì có thể coi 2005 là năm của các đạo diễn trẻ.

Ý kiến của các bậc đàn anh (về mặt tuổi tác) với phim của họ cũng khá tập trung: hoặc là nghi ngờ, chán nản, hoặc kỳ vọng, nâng niu (tuy không dám xoa đầu). Ngay trong thời gian chiếu phim 2 trong 1Đẻ mướn, những trận cười rất to đã nổ ra trong bóng tối phòng chiếu, ở những cảnh... không có tí gì hài hước. Điều đó có thể giúp đo được phản ứng của khán giả.

Cụ thể hơn, đạo diễn Hà Sơn nói: “Tôi chỉ xem được hai cuốn đầu và không thể chịu nổi, phải đi ra ngoài”. Biên kịch Bành Mai Phương thì kêu lên: “Tôi có cảm giác mình đang bị coi thường. Tôi ngạc nhiên là sao các đạo diễn trẻ phải rẻ rúng mình đến thế!”.

GMU6Ptaz.jpgPhóng to
Cảnh trong phim 2 trong 1
Không chỉ phản ứng với các phim được coi là “thị trường” như Đẻ mướn2 trong 1, phim được giới chuyên môn đánh giá là “nghệ thuật” như Sống trong sợ hãi hay Chuyện của Pao cũng bị đạo diễn Hà Sơn nhận xét thẳng thừng: “Sống trong sợ hãi làm cẩu thả, có nhiều chi tiết rất ẩu, còn Chuyện của Pao là một phim quảng bá du lịch, nếu không có thoại thì không ai biết là đang xem phim”.

Cũng gần với phản ứng như vậy, khi Đẻ mướn đang được chiếu, người viết đã thấy khá nhiều nhà văn, đạo diễn bỏ về, còn biên tập viên Mỹ Linh của chương trình Văn hóa- nhân vật và sự kiện VTV thì lắc đầu: “Càng xem càng thấy thương khán giả VN mình quá”.

Tuy nhiên, số người lạc quan hình như đông hơn. Hầu hết các nhà báo đều khá thích thú với cái nhìn mới lạ, cách kể chuyện “bằng một thi pháp khác” của Ngô Quang Hải trong Chuyện của Pao, và cũng họ, đã tỏ ra hoàn toàn chia sẻ với những cảnh quay “nóng” trong Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên.

Nhà quay phim Trần Thế Dân nói: “Có cho 10 tỉ thì những đạo diễn thế hệ tôi cũng không thể làm được như vậy”. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thì bày tỏ: “Xem phim của họ, tôi thấy được kích thích khả năng sáng tạo, có cảm hứng để tiếp tục làm phim. Họ đều làm những phim nhựa đầu tay và đều lao vào con đường gian khó. Phim của họ, dù hay hay dở, dù nghệ thuật hay thị trường thì đều mang yếu tố mới: cách nhìn, cách lý giải vấn đề, kỹ thuật, quay phim, âm nhạc... Chúng ta không nên xem phim với tâm thế của những người già, trong đầu đầy định kiến và áp đặt”.

Rất ít lời và rất ngại bộc lộ chính kiến, khác hẳn với tuổi trẻ và cách đặt vấn đề trong phim của mình, các đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Bùi Tuấn Dũng, Ngô Quang Hải, Đào Duy Phúc đều chung một tâm niệm: “Chúng tôi rất hiếm cơ hội được làm phim và hễ có bất cứ nhà đầu tư nào tin tưởng giao tiền cho làm phim là chúng tôi sẵn sàng làm ngay”.

Tuy nhiên cách nhập cuộc của mỗi người rất khác nhau: Đào Duy Phúc chấp nhận được mời làm phim sau khi nhà sản xuất đã đo ni đóng giày, chọn loại kịch bản, chọn diễn viên chính trước, mình chỉ là người viết kịch bản và đạo diễn cho hợp với diễn viên chính (Thành Lộc). Bùi Thạc Chuyên giữ cho mình một nguyên tắc rất “nghệ sĩ”: “Nếu không thể xoay chuyển được với cốt truyện mà mình vốn không thấy hứng thú lắm thì đành phải... từ chối”.

Ngô Quang Hải chủ động hơn với kinh nghiệm “tiếp thị” học được từ Hollywood: chủ động mang kịch bản đi tìm và thuyết phục nhà đầu tư. Theo Quang Hải, cái mà các đạo diễn trẻ (trong đó có anh) cần phải học từ các nền điện ảnh chuyên nghiệp là cách chấp nhận và rút ra bài học từ sự thất bại: “Một năm nước Mỹ có 5.000 sinh viên tốt nghiệp khoa đạo diễn cùng với hàng ngàn người tay ngang, nhưng có mấy người được làm phim? Mấy ai trở thành đạo diễn thật sự? Mà ngay cả đạo diễn tên tuổi thì có phải phim nào cũng hốt bạc? Đừng cuống lên chạy theo các phim tạo “cơn sốt vé”.

Anh cứ làm với tất cả tấm lòng và sự chuyên nghiệp của mình, sản phẩm nào sẽ có khách hàng ấy. Giữa một phim tạo cơn sốt vé trong hai tuần với một phim chiếu đều đặn nửa năm, mỗi suất chiếu 50 khách thì giá trị chưa biết ai hơn ai. Vấn đề là anh phải dũng cảm và sòng phẳng trong thương thuyết với nhà đầu tư, để cho họ cũng “bình tĩnh” như mình".

Phim của Thạc Chuyên đã công chiếu nhưng chưa tìm được thời điểm thích hợp để “tổng tấn công” thị trường; phim của Lê Bảo Trung và Đào Duy Phúc đã hốt bạc trong dịp tết nhưng chắc chắn không ai đi xem lại; phim Đường thư của Bùi Tuấn Dũng chắc chắn chỉ dành cho các dịp kỷ niệm; còn phim của Quang Hải đang nhắm nhe một cơ hội “đẹp như mơ”: khai trương cụm rạp Vincom ở Hà Nội vào đầu tháng tư này.

Ai trong số họ sẽ thành những tên tuổi thay thế lớp đàn anh U50, U60? Ai sẽ kéo khách đến chật rạp xem phim VN không chỉ nhờ quảng cáo trong những ngày tết? Không ai dám chắc cả, vì tất cả đều chỉ mới bắt đầu.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên