Phóng to |
Hiện trạng công trình nước sạch ở xã Kỳ Tân |
Ống vỡ, bể khô
Đoán biết tôi từ xa về hỏi chuyện không vui của những công trình nước sạch đang đầy tai tiếng, người dân các xóm 7, 8, 9 ở tận chân đồi Truông Tắt cách xa trung tâm xã Kỳ Thịnh 5km phẫn nộ: “Công trình nước sạch bạc tỉ mà chỉ có lác đác mấy hộ bên quốc lộ 1A được sử dụng, còn nửa dân miền rừng đứng nhìn bể khô vì ống dẫn nước vỡ sạch trơn”.
Ông B., người được xã cử ra bảo vệ cái bể lọc có trữ lượng hàng trăm khối nước vừa bị vỡ, xót xa: “Công trình qui mô nhất từ trước tới nay ở xã này được xây từ cuối năm 2000 nhưng chỉ sau ba ngày khánh thành bể chứa nước đã vỡ, toàn bộ hệ thống đường ống cũng vỡ luôn do bị kẻ gian đào bới”.
Bí thư đảng ủy xã Nguyễn Xuân Túy cũng không giấu nổi lo âu khi cho hay xã Kỳ Thịnh có tới 8.600 nhân khẩu đã khao khát chờ nước sạch về từ lâu nhưng hiện chỉ có 20 hộ dân bên làng Tây Yên có nước. Ông bộc bạch: “Là bí thư đảng ủy xã mà lúc đầu tôi cũng không hề biết chương trình nước này có từ đâu, ai cấp vốn, ai làm chủ đầu tư. Chỉ đến lúc công trình có sự cố, thanh tra huyện liên tục gọi chủ tịch xã ra làm việc, tôi mới rõ phần nào nguyên nhân vụ việc”.
Từ Kỳ Thịnh đi ngược gần 20km về xã Kỳ Tân, tôi tìm tới đập Đá Cát trong trời trưa vắng lặng. Một em bé tên Lĩnh đang ngồi trên lưng trâu nhảy xuống, chỉ cho tôi rẽ hướng qua xóm Tân Đức rồi đi thẳng tới hồ nước trung thủy nông dưới chân núi. Lĩnh hỏi: “Chú tìm bể nước sạch làm chi? Hỏng cả rồi!”.
Cũng giống cảnh bể nước ở Kỳ Thịnh, bể nước đập Đá Cát hoang tàn trong cỏ may. Toàn bộ tường rào vây quanh bị nứt toác. Hai mái nhà điều hành trong khu vực công trình bị bay mái từ lúc nào. Năm bể lọc nước khô rang.
Tôi đang thơ thẩn nhìn thì một người dân từ trong xóm Tân Đức ra bức xúc nói: “Chủ tịch xã tôi làm chủ đầu tư công trình này nhưng không hiểu vì sao xã lại cho xây dựng công trình nước sạch tận đập Đá Cát, vì từ xưa đến nay hễ chớm mùa hè là đập khô tận đáy. Chả lẽ công trình này chỉ cấp nước mùa mưa? Nhưng bây giờ mùa mưa cũng làm chi có nước mà bơm về làng vì toàn bộ ống nước từ nguồn đã bị vỡ hết”.
Thực tế mách bảo tôi có một “đường dây” chạy dự án nước sạch tại hai xã này (?). Một chi tiết đầu tiên hé mở khi ông Nguyễn Tiến Dũng - chủ tịch xã Kỳ Tân - nói: “Tôi và ông Vượng đi xin 960 triệu đồng về làm từ năm 2001 nhưng đến nay công trình chưa quyết toán được. Phần do ống nước bị vỡ. Phần do trạm điện 75 kVA bị cháy, hồ lại không thường xuyên đủ nước để bơm. Phần do dân kêu ca nhiều quá”.
Phóng to |
Bể nước sạch đầu nguồn ở xã Kỳ Xuân cạn khô |
Đây là dự án được Công ty Xây dựng kinh doanh nhà & cơ sở hạ tầng Hà Tĩnh bán lại cho Xí nghiệp xây dựng Hoàng Gia Kỳ Anh trực tiếp thi công. Cũng giống như ông Bảo, ông Vượng - giám đốc Công ty xây dựng Phương Lan ở huyện Can Lộc - mua lại thiết kế công trình này của Công ty Xây dựng Hà Tĩnh thuộc Sở Xây dựng Hà Tĩnh.
Ngoài sự cố nêu trên, hệ thống nước sạch tại bốn xã Kỳ Trinh, Kỳ Văn, Kỳ Nam, Kỳ Xuân cũng lâm cảnh bị mất trắng. Xã Kỳ Nam nằm dưới chân đèo Ngang, năm 1999 đang xây công trình ở Kỳ Huệ thì bị vỡ. Công trình Trù Trù ở xã Kỳ Trinh xây rồi để đó vì phần đa đường ống bị dập.
Chị Lê Thị Phượng ở xóm Trần Phú, xã Kỳ Xuân phân trần: “Công trình nước của xã vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2003 nhưng đến tháng mười hầu hết đường ống đều bị tắc tị. Không hiểu nước sạch sẽ chảy về đâu?”.
Bốn không
Theo chánh thanh tra huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy, “hầu hết đơn vị thi công không có năng lực thiết kế, xây dựng bể chứa nước lọc và lắp ráp đường ống nên mới xảy ra nhiều sự cố”. Cũng theo ông Thủy, thiệt hại tại công trình nước ở đập Đá Cát, xã Kỳ Tân còn nặng nề hơn Kỳ Thịnh.
Trong lúc dân cư Kỳ Tân chỉ ở cách nhà máy nước của huyện chưa đầy 800m nhưng cả chủ đầu tư (chủ tịch xã) và chủ thầu cứ ngược hướng đập Đá Cát cách xa hơn 2.000m để xây dựng công trình. Oái oăm thay công trình nước sạch mà không có hệ thống khử nước. Nước ở đây không tự chảy mà phải dùng bơm điện. Trạm điện bị cháy là nước tịt luôn. Đã không có năng lực thiết kế lại không có cả hồ sơ thiết kế, tổng dự toán. Các chủ tịch xã không thực hiện chức năng giám sát công trình trong lúc UBND huyện không phân công trách nhiệm cho người quản lý dự án!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận