Khi đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, hệ quả kèm theo là gây cho những người quan tâm đến vấn đề này cảm giác nhận thức rằng kinh tế thị trường là sản phẩm tự nhiên, đặc thù của nền kinh tế dưới chế độ tư bản chủ nghĩa; rằng chủ nghĩa xã hội luôn gắn với kinh tế kế hoạch, chỉ huy và bao cấp; rằng sau những thất bại của kinh tế kế hoạch, các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đang “vay mượn” mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa để “lắp ráp” thêm với nội dung “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thật ra, không phải đợi đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, mô hình kinh tế thị trường mới xuất hiện. Kinh tế thị trường đã xuất hiện từ khi loài người biết đến sản xuất hàng hóa, có nghĩa là khi các hộ gia đình, các vùng, miền đã biết phát huy lợi ích của chuyên môn hóa (hoàn toàn tự nhiên, tự phát như bản chất và qui luật tất yếu của xã hội loài người). Kinh tế thị trường đã có từ chế độ phong kiến (thậm chí kể cả trước đó), nhưng tuyệt nhiên không phải do nhà nước phong kiến chủ trương và áp đặt.
Như vậy, kinh tế thị trường là sản phẩm tự nhiên, tất yếu của nền sản xuất xã hội khi đã thoát khỏi trình độ tự cung tự cấp, bất kể ở thể chế chính trị nào: phong kiến, tư bản hay xã hội chủ nghĩa.
Khi phác thảo về tương lai của xã hội loài người, Mác và Ăngghen chưa thể cụ thể hóa các nội dung chi tiết, cụ thể cho từng bước đi, giai đoạn. Những người theo chủ nghĩa Mác ở các quốc gia do đảng cộng sản (hay dân chủ xã hội, công nhân thống nhất, lao động như Đức, Ba Lan, Triều Tiên...) cầm quyền, trong suốt một thời kỳ dài, chịu ảnh hưởng của mô hình Liên Xô, ngộ nhận rằng đã theo con đường xã hội chủ nghĩa thì nhất thiết phải áp dụng kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Thậm chí, không ít người trong giới lãnh đạo ở các nước này quan niệm rằng ở các nước tư bản chủ nghĩa thì nền kinh tế vận động theo thị trường một cách tuyệt đối, không hề có vấn đề kế hoạch được đặt ra (nước Pháp có Bộ Quốc gia kế hoạch). Đó là một nhận thức sai lệch hoàn toàn. Hệ thống luật lệ, quota, giấy phép... ở các nước tư bản phát triển cũng chằng chịt lắm.
Theo thiển ý, điểm khác biệt cơ bản giữa một quốc gia xã hội chủ nghĩa và một quốc gia tư bản chủ nghĩa là vấn đề thiết chế chính trị.
Thời gian qua, trước những hiện tượng tiêu cực nổi cộm như tham nhũng, buôn lậu, hư hỏng của cán bộ có chức quyền, tệ nạn xã hội..., nhiều người đã rất phiến diện khi vội vã qui chụp cho kinh tế thị trường là nguyên nhân. Đó là một thái độ hoàn toàn không khoa học, không công bằng chút nào. Kinh tế thị trường là một khái niệm của khoa học xã hội nghiên cứu về kinh tế.
Quản lý nhà nước và pháp luật lại là một phạm trù khác. Chỉ cần liên hệ đến Singapore, Hà Lan..., chúng ta phải thừa nhận rằng kinh tế thị trường ở đó phát triển từ rất sớm và đến nay đã đạt mức khá cao, nhưng nạn tham nhũng đâu có tràn lan như ở nhiều quốc gia có nền kinh tế theo khuynh hướng kế hoạch và tập trung hay mới chập chững bước vào chủ trương kinh tế thị trường.
Vì vậy, để tránh những ngộ nhận thiếu khoa học, nên chăng trong lĩnh vực kinh tế chỉ cần đề ra chủ trương xây dựng, củng cố và hoàn thiện từng bước nền kinh tế thị trường (trong đó không thể thiếu vai trò của nhà nước trong việc khắc phục những khuyết tật vốn có của kinh tế thị trường). Rồi trong vấn đề chính trị - xã hội, mới đề cập đến xây dựng thể chế xã hội chủ nghĩa. Lẽ đương nhiên, cần nêu được những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa mà đất nước cần hướng tới.
Trên thực tiễn đổi mới 20 năm qua ở Việt Nam có thể cho phép chúng ta vạch ra hướng đi và các bước đi tối ưu cho đất nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận