01/07/2013 05:40 GMT+7

Về cái chết của Đỗ Trình Thoại

PHAN TRỌNG HIỀN
PHAN TRỌNG HIỀN

TT - Ðỗ Trình Thoại, không rõ năm sinh, là người làng An Long, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Ðịnh (nay thuộc tỉnh Long An). Ông thi đỗ cử nhân khoa Quý Sửu 1853, từng được bổ làm tri huyện Long Thành, nên được mọi người gọi là "tri huyện Thoại" (một số người nhầm là "Toại", do bị người Pháp viết sai tên).

TuYvoZet.jpgPhóng to
Nhân vật Đỗ Trình Thoại (diễn viên Duy Nghĩa, thứ hai từ trái sang) trong phim Bình Tây đại nguyên soái - Ảnh chụp từ phim

Tháng 2-1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Ðịnh, tổng trấn Ðịnh Biên (Gia Ðịnh - Biên Hòa) kiêm hộ đốc thành Gia Ðịnh là Võ Duy Ninh (1804-1859) bị trọng thương rồi tuẫn tiết khi biết thành bị mất. Sau đó, Pháp đã cho phá hủy thành Gia Ðịnh (thành Phụng). Năm 1860, vua Tự Ðức phong cho tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873) chức Gia Ðịnh quân thứ, thống đốc quân vụ cùng với Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển (1803-1861) trông coi việc quân sự ở miền Nam. Từ tháng 8-1860 đến tháng 2-1861, Nguyễn Tri Phương đã cho xây dựng đại đồn Chí Hòa ở Gia Ðịnh để ngăn chống giặc. Ðỗ Trình Thoại đã tham gia chiến đấu rất dũng cảm dưới quyền của Nguyễn Tri Phương tại mặt trận đại đồn Chí Hòa.

Ngày 25-2-1861, đại đồn bị thất thủ, Ðỗ Trình Thoại rút về Gò Công, chiêu mộ thêm nghĩa quân, kết hợp với phó lãnh binh Trương Ðịnh (1820-1864) tiếp tục chống Pháp, gây cho địch nhiều tổn thất. Nổi bật là trận tập kích đồn Gò Công vào sáng sớm 22-6-1861, Ðỗ Trình Thoại đã chỉ huy hàng trăm nghĩa quân xông vào tận bên trong đồn địch, đâm trọng thương trung úy trưởng đồn P. Vial và tiêu diệt nhiều tên khác. Nhưng chính ông cũng bị trúng đạn và hi sinh ngay tại trận địa cùng với 12 nghĩa quân (*).

Nhiều cuốn sách lịch sử đã viết vậy về cái chết anh dũng của tri huyện Thoại trong cuộc kháng chiến chống xâm lược vào nửa sau thế kỷ 19 của nhân dân ta ở miền Nam. Thế nhưng trong phim Bình Tây đại nguyên soái (đang chiếu trên HTV9 lúc 17g30), các tác giả lại cho rằng nguyên nhân cái chết của ông là do nhẹ dạ cả tin, bị mắc mưu của một tên Việt gian. Theo tôi, hư cấu như thế là hạ thấp giá trị của danh nhân Ðỗ Trình Thoại, vì đã vô tình tầm thường hóa trí tuệ của ông.

Tài liệu lịch sử bị phân tán

Từ ý kiến của bạn đọc, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã trao đổi với Tuổi Trẻ:

Kịch bản bộ phim Bình Tây đại nguyên soái tôi viết đã 6-7 năm trước, dựa trên nhiều tài liệu khác nhau và nhiều nguồn khác nhau. Vì thời gian đã khá lâu nên rất tiếc đến nay tôi không còn nhớ rõ lắm. Theo một trong các tài liệu đó thì quan huyện Đỗ Trình Thoại là người chỉ huy nhân dân chống Pháp bị tên bá hộ Huy lừa đến nhà với lý do đóng góp cho nghĩa quân. Bá hộ Huy bố trí người bắt Đỗ Trình Thoại nộp cho Pháp. Pháp giết ông và phong cho bá hộ Huy làm quan huyện ở Gò Công. Khi ở xa về nghe tin, Trương Định lập tức tấn công bắt bá hộ Huy xử chém trước mộ Đỗ Trình Thoại để rửa thù. Cách xử lý này mang tính nghệ thuật bởi làm rõ thêm tính cách của nhân vật Trương Định: ông rất ghét sự phản bội.

Chi tiết về cái chết của Đỗ Trình Thoại trong kịch bản của tôi có thể khác với chi tiết trong tài liệu của bạn đọc là chuyện thường gặp trong việc tiếp cận các tài liệu lịch sử bị phân tán, mai một theo thời gian. Nhưng dù sao cả hai tài liệu đều có điểm chung: quan huyện Đỗ Trình Thoại là người yêu nước, chỉ huy nghĩa quân chống Pháp và anh dũng hi sinh (tài liệu của bạn đọc là tấn công vào đồn Tây, tài liệu mà tôi được đọc là bị Tây bắt giết). Ngay cả cái chết của anh hùng Trương Định cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Rất mong bạn đọc thông cảm.

(*) Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, NXB Văn Hóa, 1997; Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945) của Phạm Văn Sơn, Sài Gòn, 1971...

PHAN TRỌNG HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />