05/09/2019 15:24 GMT+7

VCCI lo loạn dấu mật với danh mục bí mật ngành công thương

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Quy định vừa lỏng, vừa rộng về danh mục bí mật nhà nước có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tùy tiện vào các hợp đồng, đề án, theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

VCCI lo loạn dấu mật với danh mục bí mật ngành công thương - Ảnh 1.

VCCI lo ngại danh mục bí mật nhà nước ngành công thương có thể can thiệp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN

Văn bản góp ý dự thảo danh mục bí mật nhà nước ngành công thương vừa được được VCCI gửi tới Bộ Công thương bày tỏ nhiều lo ngại về việc can thiệp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

VCCI dẫn chứng Điều 2.1 của dự thảo Quy định các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hóa chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai thuộc diện bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược, đồng thời, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại - bao gồm hầu hết các ngành kinh tế, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác.

VCCI cho rằng quy định này vừa lỏng, vừa rộng có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tùy tiện vào các hợp đồng, đề án.

Do đó, tổ chức này đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm "mang tính chiến lược" và nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia.

VCCI lo loạn dấu mật với danh mục bí mật ngành công thương - Ảnh 2.

VCCI cho rằng không cần thiết đưa phương án giá xăng dầu vào danh mục bí mật nhà nước - Ảnh: TT

Liên quan tới việc đưa phương án giá xăng, phương án giá điện vào danh mục bí mật nhà nước, VCCI cho rằng giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước.

VCCI cho rằng cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014. Dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ dàng.

Trước mỗi đợt điều chỉnh giá, các cơ quan báo chí đã đưa thông tin dự báo rất chính xác phương án giá xăng dựa trên các thông số đầu vào công khai trên thị trường quốc tế. Vì thế, các dự báo về giá xăng không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường.

Đối với mặt hàng điện, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra.

Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây, theo VCCI.

Tuy nhiên, nguy cơ này được cho là "không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành" như chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp, chẳng hạn.

Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Công thương đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực và tích cực và cân nhắc loại bỏ việc đưa phương án giá xăng, giá điện vào danh mục bí mật.

Một loạt danh mục bí mật khác trong dự thảo của Bộ Công thương cũng được VCCI đề nghị xem xét thu hẹp hoặc cân nhắc bãi bỏ như địa điểm, trữ lượng các mỏ khoáng sản, kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước, kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thứ trưởng Công thương: Phương án tăng giá điện, xăng Thứ trưởng Công thương: Phương án tăng giá điện, xăng 'mật' vì ảnh hưởng lạm phát

TTO - Giá điện, xăng đều tác động không nhỏ đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ nên cần đưa vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công Thương, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4-5.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên