14/10/2021 10:06 GMT+7

VAR - kẻ thù của bóng đá?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Một cuộc khảo sát ở Premier League (Giải ngoại hạng Anh) gần đây cho thấy chỉ có 26% CĐV ủng hộ việc tiếp tục sử dụng VAR.

VAR - kẻ thù của bóng đá? - Ảnh 1.

Trọng tài Adham Makhadmeh thường xuyên phải kiểm tra VAR trong trận Oman - Việt Nam - Ảnh: AFP

Mặt khác, có đến 95% CĐV cho rằng công nghệ này khiến các trận đấu trở nên nhàm chán hơn, 44% nói sẽ bớt xem bóng đá lại trong tương lai.

"Kẻ thù của bóng đá" là cụm từ khá phổ biến nếu tìm kiếm về VAR trên Google. Những gì diễn ra trong trận Oman - Việt Nam mới đây chính là tiêu biểu cho những luồng ý kiến đó của người hâm mộ.

Giết chết cảm xúc

2 quả phạt đền, 1 tình huống bị phớt lờ cơ hội nhận phạt đền, và 1 bàn thua gây nhiều tranh cãi, đó là những pha bóng quyết định mà Việt Nam phải nhận quyết định bất lợi từ tổ trọng tài điều khiển trận đấu với Oman. Công bằng mà nói, những quyết định sau cùng của trọng tài đều khó phản bác. Thậm chí trong cả pha "kiểm tra VAR tới lui" bàn thắng của Tiến Linh, cuối cùng trọng tài cũng thừa nhận đó là bàn thắng hợp lệ.

Nhưng cái cách các trọng tài chính lẫn VAR làm việc khiến người hâm mộ phải ức chế. Khi trận đấu đang diễn ra, nhà báo Gabriel Tan của ESPN bức xúc viết trên Twitter: "Tại sao họ phải kiểm tra mọi thứ (bàn thắng của Tiến Linh - PV)? Họ không muốn Việt Nam ghi bàn à?".

Trước trận Oman - Việt Nam không lâu, HLV Guardiola từng "nhảy đong đỏng" khi Man City của ông nhận một vài quyết định bất lợi trong trận gặp Liverpool. HLV Guardiola không đòi phạt đền hay thẻ đỏ, ông chỉ bất mãn vì tiếng còi "méo" của trọng tài chính khiến các cầu thủ của ông lỡ nhịp trong một vài tình huống tấn công. 

Tinh thần là một yếu tố rất quan trọng trong bóng đá. Và nếu cách điều khiển trận đấu khiến một đội bóng cảm thấy ức chế, những người điều hành phải xem xét lại. Kể từ ngày ra đời, VAR đã bị lên án là "giết chết cảm xúc của bóng đá".

Premier League đầu mùa giải năm nay đã có động thái điều chỉnh sai lầm của họ xoay quanh việc áp dụng luật lệ quá cứng nhắc. Mùa trước, VAR căng ke các tình huống việt vị đến từng chút một. Đường kẻ vạch việt vị trong hệ thống VAR của Premier League có độ dày chỉ là 1 pixem (khoảng 0,26mm). Chẳng hề quá lời khi người ta đùa rằng cầu thủ có thể bị phạt vì… có cọng lông quá dài, hay một đầu móng tay...

Chủ tịch LĐBĐ châu Âu Aleksander Ceferin từng nhận xét: "Việt vị 1cm không phải là việt vị. Đây không phải là điều chúng tôi muốn hướng đến". Sự chi li quá mức của VAR đã thường xuyên giết chết những bàn thắng đẹp. Và tinh thần của các cầu thủ sẽ thế nào khi họ liên tục bị từ chối bàn thắng, bị thổi phạt những pha bóng 50-50? Sự ức chế sẽ khiến họ sụp đổ. Đó là chưa nói đến cảm xúc của khán giả.

Mỗi khi các nhà làm luật của IFAB soạn thảo luật mới, họ luôn nói rằng luật là để hướng cuộc chơi trở nên hấp dẫn hơn, nhiều bàn thắng hơn. Nhưng sự cứng nhắc của VAR đôi khi đi ngược lại tinh thần đó. Premier League mùa này quyết định bôi đậm đường kẻ việt vị để tránh tình trạng này.

Nhấn mạnh sự nghi ngờ

VAR kiểm tra đi kiểm tra lại bàn thắng của Tiến Linh, nhưng lại phớt lờ tình huống Quang Hải bị kéo ngã trong vòng cấm. Người hâm mộ có lý do để bực tức, bởi dù không thổi phạt đền, trọng tài chính Makhadmeh cũng có thể kiểm tra VAR sau đó. Nhưng ông không làm vậy. Đó là chưa kể đến nhiều tình huống gây tranh cãi khác như những quả phạt ngoài vòng cấm (VAR sẽ không xem xét đến các tình huống này).

"Tôi chấp nhận các sai sót của trọng tài nhưng tôi không thể thông cảm cho sai lầm của VAR. Trận đấu có tốc độ 100 dặm/giờ và chúng ta thông cảm cho trọng tài khi đôi lúc họ không theo kịp, nhưng vì sao VAR vẫn sai sót?", quan điểm này của HLV Jose Mourinho được nhiều người hâm mộ tán thành.

Những thiếu sót của tổ trọng tài khi kết hợp với VAR chỉ càng làm nhấn mạnh thêm sự nghi ngờ luôn tồn tại trong bóng đá: có hay không các vấn đề tiêu cực, dàn xếp tỉ số theo nhà cái, thiên vị những nền bóng đá mạnh…

Khe hở do đâu?

Nhưng VAR chỉ là một công nghệ hỗ trợ. Điều quan trọng nhất vẫn là luật. Bàn thắng của Mbappe trong trận chung kết UEFA Nations League mới đây khiến làng bóng đá phẫn nộ vì tiền đạo người Pháp đã rơi vào tư thế việt vị mười mươi. Nhưng khi tranh cãi đến tận cùng, người ta lại thấy rằng trọng tài chính đã có lý khi không thổi phạt Mbappe, vì bóng đã chạm chân trung vệ Eric Garcia và bị trọng tài đánh giá là "chơi bóng có chủ ý".

Cốt lõi của tình huống đó nằm ở nhận định "chơi bóng" hay "cứu bóng". Nếu cú chạm bóng của Garcia được tính là cứu bóng, Mbappe sẽ bị thổi việt vị. Các giải thích khá mơ hồ, phức tạp về ngữ nghĩa của sách luật do IFAB soạn thảo khiến ai cũng phải nghi ngờ, rốt cuộc đó là "chơi bóng" hay "cứu bóng". Và dù trọng tài có ra quyết định thế nào, chúng ta vẫn khó lòng tranh cãi thắng họ khi dựa trên luật. Đó là những khe hở của trận đấu.

Tác động rất lớn của luật

Sau khi Premier League thay đổi một chút cách vận hành cứng nhắc của VAR, đồng thời luật bóng chạm tay được điều chỉnh trong bản cập nhật luật bóng đá đầu mùa này, số lượng phạt đền ở Premier League đã bị giảm rõ rệt.

Cụ thể sau 7 vòng đấu đầu tiên, chỉ có 17 quả phạt đền được thổi (tỉ lệ 0,24 quả phạt đền/trận). Đó là mức tỉ lệ phù hợp với xu hướng bóng đá vài năm qua. Trong khi đó, mùa giải trước có đến 36 quả phạt đền sau 7 vòng đầu tiên (hơn 0,5 quả phạt đền/trận).

Chuyên gia Fox Sports: Chuyên gia Fox Sports: 'Tại sao họ check VAR mọi thứ, phải chăng không muốn Việt Nam ghi bàn?'

TTO - Chứng kiến việc trọng tài check VAR ở bàn thắng mở tỉ số của Việt Nam trước Oman, biên tập viên bóng đá nổi tiếng Gabriel Tan của Fox Sports Asia đã đặt câu hỏi: 'Tại sao họ kiểm tra mọi thứ có thể?! Phải chăng không muốn Việt Nam ghi bàn?'.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên