03/03/2020 11:18 GMT+7

Vành đai bền vững ở Bản Lầu

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Mấy hôm trước bà Thào Thị Do lên nương, nương của bà ở ngay mốc 112 trên biên giới Việt - Trung, thuộc thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai). Bà Thào Thị Do thấy lạ...

Vành đai bền vững ở Bản Lầu - Ảnh 1.

Người dân Bản Lầu thu hoạch dứa - Ảnh: NGỌC QUANG

Trên nương có mấy gốc xoài, gốc chuối của người bên tổ Tam Bình Bá trồng lấn qua mốc, thế này là không được rồi. Tổ Tam Bình Bá là khu dân cư bên kia biên giới, thuộc thôn Long Bảo, trấn Nam Khê của Trung Quốc.

Thành trì được xây từ từng dòng họ

Người đầu tiên bà Do nhớ tới là vị trưởng tộc của dòng họ Thào ở thôn Cốc Phương, ông Thào Lẻng Phừ. Bà chạy về nhà vị trưởng tộc để báo. Ông Thào Lẻng Phừ liền rút điện thoại gọi ngay cho cán bộ biên phòng. 

Đại úy Lê Minh Phú, sĩ quan đội vận động quần chúng đồn biên phòng Bản Lầu lập tức cùng anh em ra hiện trường. Đúng là có hộ dân bên Tam Bình Bá đã trồng xâm canh qua đất của Việt Nam. Anh em kết nối liên lạc với biên phòng Trung Quốc ở khu vực trấn Nam Khê yêu cầu có mặt ngay để xử lý. 

Chủ của mảnh nương có mấy gốc chuối gốc xoài trồng lấn qua đất Việt Nam được gọi đến. Trước sự phân tích, chỉ ra vi phạm, họ nhổ ngay mấy gốc chuối vừa trồng lấn qua với sự chứng kiến của lực lượng biên phòng hai bên.

Đó chỉ là một câu chuyện rất thường xảy ra trên dọc tuyến biên giới Việt Trung. Và nó cũng chìm đi trong hằng hà sa số những câu chuyện đời sống mỗi ngày. Nhưng chủ quyền quốc gia, cương thổ quốc gia đã được bảo vệ bằng những việc làm như thế, từ những người dân bình thường như thế, như một tiếp nối tri ân với xương máu cha ông ngàn đời đổ xuống giữ gìn.

Vành đai bền vững ở Bản Lầu - Ảnh 2.

Ông Thào Lẻng Phừ - trưởng họ Thào ở Cốc Phương cùng bí thư chi bộ Thào Há và các sĩ quan biên phòng đồn Bản Lầu đi thăm cột mốc 111 - Ảnh: NGỌC QUANG

Cùng chúng tôi đi dọc cung biên giới của xã Bản Lầu, ngoài anh em cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng Bản Lầu còn có ông Thào Lẻng Phừ - trưởng họ Thào, Thào Hà bí thư chi bộ thôn Cốc Phương, phó dòng họ Thào. 

Đại úy Phạm Thiện Hãnh, chính trị viên phó đồn biên phòng Bản Lầu cho biết mô hình vận động dòng họ chung tay bảo vệ an ninh biên giới đã phát huy tác dụng ở nhiều địa phương dọc tuyến biên và Bản Lầu là khu vực điển hình về hiệu quả của mô hình này. 

Biên giới thì quá dài, mênh mông suối sâu rừng thẳm, chỉ có dân mới là tai mắt giám sát động tĩnh rồi qua đó mà báo cho anh em biên phòng, chứ anh em làm sao đủ quân số để rải đều trên từng mét biên.

Vừa là trưởng tộc, vừa là là tổ trưởng tổ tự quản bảo vệ đường biên mốc giới của thôn, ông Thào Lẻng Phừ cho biết cả dòng họ Thào của ông gồm 17 hộ đều chuyển tới mảnh đất vùng biên từ xã Dìn Chin (cùng huyện Mường Khương, nhưng cách Bản Lầu hơn 50 km) từ những năm 1989 -1990.

Đã hơn ba mươi năm bám trụ với vùng biên giới Bản Lầu này, vì thế, tuy không phải người sinh ra lớn lên nơi mảnh đất biên thùy, nhưng từ năm 1989 chuyển về Cốc Phương theo chủ trương di dân ra vùng biên giới của tỉnh, ông và các hộ dân người Mông trong bản đều đã ý thức được việc phải bám biên, giữ đất bờ cõi. 

Vành đai bền vững ở Bản Lầu - Ảnh 3.

Dọc con đường bám theo biên giới ở xã Bản Lầu, đã có nhiều ngôi nhà to bề thế của người dân xây dựng ngay sát đường biên - Ảnh: NGỌC QUANG

Gắn đời mình cùng nương ruộng biên cương

Hôm chúng tôi lên Bản Lầu, tình hình dịch cúm COVID-19 vẫn đang nóng bỏng dọc tuyến biên. Anh em biên phòng vẫn đang dựng lều ở các lối mở, nơi người dân hay qua lại để kiểm soát ngăn chặn việc người dân qua lại. 

Trên đường ra cột mốc 111, chúng tôi ngang qua một ngôi nhà trong bản đang làm "đám ma khô". Trong phong tục người Mông, sau khi lo xong việc mai táng, người chết đã mồ yên mả đẹp một thời gian ngắn thì sẽ tổ chức "đám ma khô". 

Đại úy Lê Minh Phú bảo: "Nếu bình thường, người dân bên tổ Tam Bình Bá bên kia biên giới họ đã qua đây dự lễ rồi. Nhưng tình hình dịch bệnh, anh em biên phòng cũng phổ biến và trước hết vẫn phải nhờ bà con họ tộc thông báo cho nhau, nhờ vậy mà bà con chấp hành nghiêm túc, tránh được việc đi lại mang mầm bệnh từ vùng dịch". 

Có tiếng trống từ ngôi nhà đang làm "đám ma khô" kia vang lên, đại úy Phú sực nhớ ra nói với chúng tôi: "Cái trống đang làm đám kia được dùng chung cho cả bà con bản Cốc Phương của Việt Nam lẫn dân bên tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc.

Thật bất ngờ, cho dù sông suối cách chia, một cây ngô một gốc chuối trồng lấn qua cương quyết bắt nhổ nhưng tiếng trống kia lại không có đường biên giới. Trước đây trống được bà con thỏa thuận mỗi bên giữ một năm, tuy nhiên khi nào có dịp lễ hội, ma chay… gì cần dùng đến trống thì bên không giữ vẫn có thể mang về sử dụng. 

Cách bảo vệ biên giới vững vàng nhất không chỉ ở việc nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ. 

Mối quan hệ hữu nghị thật lòng từ từng bản làng, từng dòng họ, từng người dân mới thật sự là vành đai bền vững nhất. Câu chuyện kết nghĩa giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá ở trên tuyến biên giới do đồn biên phòng Bản Lầu quản lý cũng là một mô hình gợi mở, đa dạng hình thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Vành đai bền vững ở Bản Lầu - Ảnh 4.

Dọc con đường bám theo biên giới ở xã Bản Lầu, đã có nhiều ngôi nhà to bề thế của người dân xây dựng ngay sát đường biên - Ảnh: NGỌC QUANG


ảnh 3- bản lầu- kè bê tông

Những ngày ở đồn biên phòng Bản Lầu, xuôi ngược theo cung đường về phía Nậm Chảy, gặp dòng sông Bá Kết quanh co uốn lượn thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung.

Đập vào mắt chúng tôi là một bức tường thành bêtông kiên cố cao lừng lững được phía Trung Quốc xây lên, kè dọc men theo bờ bên kia sông.

Với bờ kè bêtông này, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao cuồn cuộn đổ về chắc chắn dòng chảy ở những đoạn uốn quanh sẽ xói thẳng vào phần đất bờ sông phía Việt Nam gây sạt lở.

Và khi chúng ta chưa đủ tiền của để có thể xây những tường thành bêtông để đăng đối lại y như thế, thì bức tường thành vững chãi nhất trên biên ải này chính là bức tường được xây nên bởi lòng dân.

Chúng tôi vẫn hằng tin sẽ không một bức tường bêtông hay sắt thép nào có thể vững chắc hơn bức tường lòng dân biên ải.

Lính biên phòng học tiếng dân tộc Lính biên phòng học tiếng dân tộc

TTO - Với người lính biên phòng ở địa bàn biên giới, muốn thâm nhập vào quần chúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, muốn xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, họ phải tự học tiếng dân tộc để hiểu dân nói và nói dân hiểu...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên