Trước thềm hội nghị toàn quốc, có thể nói TP.HCM là “tâm điểm nóng”. Ầm ĩ từ Hội nghị viết văn trẻ thành phố lần 3 tổ chức tại Cần Giờ (ngày 28 và 29-5) bị kêu ca là tổ chức luộm thuộm, đến đơn của nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh gửi lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM (ngày 2-8) khiếu nại về việc không được đề cử trong danh sách tham dự hội nghị toàn quốc, khi chị đã “hoạt động hội nhiệt tình, sôi nổi về cả chuyên môn và phong trào”.
Mặc dù đã chủ ý “tập huấn” tại “sân” Cần Giờ, rà soát đội ngũ, làm tiền đề cho hội nghị toàn quốc, rốt cuộc TP.HCM cũng chỉ có 10 đại biểu được tham dự (Ngô Thị Hạnh cũng không vớt được một suất cho mình lẫn những người mà chị đề cử). Nếu so với Hà Nội (hơn 20 đại biểu) thì con số đại biểu của TP.HCM quả là ít ỏi.
Những tiêu chí Hội Nhà văn đưa ra nhằm chọn đại biểu nhà văn trẻ lần này là: “Sinh năm 1976 trở đi, trong vòng năm năm qua có tác phẩm được chú ý, có đóng góp với nền văn học địa phương”. Hạn chế số tuổi không quá 35 để trẻ hóa đội ngũ thì rõ rồi, nhưng thế nào là “có đóng góp với nền văn học địa phương” và “có tác phẩm được chú ý”?
Có đóng góp với nền văn học địa phương là đóng góp bằng tác phẩm hay sinh hoạt hội hè? Tác phẩm được chú ý là ở cấp độ địa phương hay toàn quốc? Và “được chú ý” có phải là tác phẩm hay?... Tiêu chí thoạt trông đơn giản nhưng lại đâm “khó hiểu” và không dễ gì đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu nhìn văn trẻ từ danh sách 113 đại biểu này sẽ thấy ngay một diện mạo nhạt nhòa, có quá nhiều cây bút trẻ mà ngay cả những người theo dõi khá kỹ hoạt động văn chương cũng không thể nào nhận ra, thậm chí có những đại biểu chưa có tác phẩm (cuốn sách) nào. Cũng có những tác giả đã viết lách cả chục năm, đã in dăm bảy cuốn sách nhưng chỉ ở mức “thường thường bậc trung”, chờ đợi mãi mà không thấy tín hiệu “cất cánh”.
Như vậy con số 113 đại biểu đại diện cho đội ngũ viết văn trẻ cả nước là vừa ít lại vừa nhiều, ít nếu chia suất cho 63 tỉnh thành, còn nhiều với nhận định: “Người viết được chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận hội nghị thực chất cũng chỉ là sân chơi do Hội Nhà văn VN bày biện ra, nên mối quan hệ giữa “chủ” và “khách” phải đạt một số điểm thỏa thuận tương ứng, thì việc được đi hay không cũng sẽ được xem xét một cách nhẹ nhàng hơn.
Nhưng bây giờ, giả thử cứ mở cửa cho tất cả người viết trẻ muốn dự hội nghị được hội ngộ với nhau thì sao? Thì điều mà tất cả mọi người mong đợi là các đại biểu sẽ thảo luận, diễn ngôn văn chương như thế nào tại hội nghị. Các diễn ngôn đó có tương tác gì với đời sống văn trẻ, có thúc đẩy gì thành tựu văn chương nước nhà hay không? Rồi thì sau một hội nghị “thành công tốt đẹp”, liệu các đại biểu có cho ra đời những tác phẩm xuất sắc hay không?... Đó là tất cả những điều mà thiển nghĩ những cá nhân với tư chất nhà văn - người sáng tạo phải suy nghĩ, kể cả với kiểu suy nghĩ “đây là dịp du hí khỏi bỏ tiền túi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận