Siêu âm tim tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
L.H. (33 tuổi, ĐH Nông lâm TP.HCM) vừa đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ kết luận bị hở van tim 1/4. H. thắc mắc: "Tôi bị hở van tim tức là bị bệnh về tim, tôi lo quá mà bác sĩ không điều trị gì. Mai kia lớn tuổi hơn không biết có sao không?".
Không riêng gì trường hợp L.H., anh N.T.N. (40 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) hoảng hốt khi biết mình bị hở van tim 1/4, mặc dù sức khỏe anh rất tốt, không có biểu hiện khó thở hay tức ngực.
Không nên quá lo lắng
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho biết van tim là hệ thống van nằm giữa các buồng tim hoặc giữa tim và các mạch máu lớn. Các van sẽ đóng mở nhịp nhàng đúng thời điểm để giúp máu lưu thông trong tim tối ưu.
Hở van tim nghĩa là van không thể đóng kín (bình thường thì đóng kín), làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược, gây rối loạn dòng chảy trong tim, từ đó gây tăng áp lực trong buồng tim, tim to và suy tim.
"Hở van tim 1/4 (còn gọi là hở van sinh lý) là hiện tượng bình thường, không nguy hiểm nếu xuất hiện theo sự tiến triển của tuổi tác, nghĩa là tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh (khoảng từ 30 tuổi trở lên). Tuy nhiên, nếu dưới 18 tuổi mà bị hở van tim 1/4 thì đó có thể là bệnh lý" - PGS.TS Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Tùy mức độ mới điều trị
BS CK2 Huỳnh Ngọc Long cho biết nhiều người cứ nghe chẩn đoán hở van tim là sợ hãi, lo lắng mà không biết mức độ hở nào là bình thường, mức độ hở nào là nguy hiểm.
Theo quy ước siêu âm tính độ hở của van tim, bao gồm 4 mức độ: 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu ở mức độ hở dưới 2/4 là nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên chưa cần phải điều trị. Nhưng ở mức độ hở từ 2/4 trở lên là nặng, rất nguy hiểm, cần điều trị kịp thời cũng như áp dụng các phương pháp hỗ trợ một cách tối ưu - BS Long cho hay.
Thông thường hở van tim 1/4 không có triệu chứng lâm sàng, tức là bệnh nhân không cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực, phù chân tay… mà chỉ phát hiện qua siêu âm.
Tuy nhiên, có một số bệnh nhân hở van tim 1/4 nhưng vẫn gặp phải nhiều triệu chứng như nhói tim, tức ngực, mệt mỏi khi hoạt động… thì nguyên nhân thường không phải là do hở van tim mà có thể do yếu tố khác gây nên như rối loạn thần kinh tim, đau dây thần kinh liên sườn, trào ngược dạ dày…
Ngoài ra, PGS.TS Hoài Nam cho biết kết quả mức độ hở van tim còn phụ thuộc trình độ chuyên môn của bác sĩ và chất lượng trang thiết bị có tốt hay không. Với máy móc tốt, độ nhạy, độ phân giải cao thì nhìn sẽ rõ hơn, từ đó cho kết quả chính xác hơn so với máy cũ. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp chỉ hở van tim ở mức độ nhẹ nhưng kết quả siêu âm là mức độ nặng và ngược lại.
Tư vấn rõ ràng cho bệnh nhân
Theo PGS Hoài Nam, mỗi bác sĩ trước khi đưa kết quả siêu âm thì cần tư vấn, giải thích rõ ràng cho bệnh nhân về tình trạng bệnh họ đang mắc phải, vì rất nhiều người chỉ thấy dòng chữ "hở van tim" là rơi vào tình trạng lo âu, buồn rầu… gây mất ngủ, ăn uống không điều độ, thậm chí stress làm bệnh có thể nặng hơn.
Ăn uống, sinh hoạt thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo người bị hở van tim 1/4 thì không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, để có một sức khỏe tốt, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, theo dõi và điều trị bệnh đúng cách thì lúc này mức hở van nhẹ có thể giữ được trong nhiều năm và chậm tiến triển thành nặng hơn.
1. Ăn nhạt (ít muối): sẽ làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh tăng huyết áp và tim làm việc quá sức.
2. Tập thể dục thể thao: duy trì đều đặn và lựa chọn môn thể thao tùy theo lứa tuổi và thể trạng. Chẳng hạn bệnh nhân trên 40 tuổi thì nên chơi golf, không nên chơi tennis. Vì golf là môn thể thao không mất quá nhiều sức, còn tennis buộc chúng ta phải vận động liên tục, khiến tim phải đập nhiều hơn, điều này dễ gây tình trạng suy tim.
3. Tránh sử dụng chất kích thích: rượu, bia, cà phê, thuốc lá... Những chất này làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, trong đó có hệ thống thần kinh tim gây rối loạn nhịp tim khiến tình trạng hở van tim ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
4. Theo dõi sức khỏe tim mạch: bằng cách tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để tránh trường hợp bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận