- Văn Thành Lê: Mỗi người viết đều có một mảnh đất của riêng mình để cày xới, canh tác theo cách của riêng họ. Bốn năm học ở Huế, tôi thấy ai đó nhận xét về Huế đúng quá: Huế là mảnh đất ở thì thương mà đi thì nhớ.
Tôi thương chứ không thích. Nhưng con người Huế, không gian Huế, khí hậu Huế... tự nó tỏa ra hấp lực không ồn ào mà lắng nhẹ, gây nhớ, nhớ dai dẳng. Tôi không phải ngoại lệ. Vậy nên những sáng tác của tôi tới giờ, ngoài ám ảnh về miền quê tôi đã được sinh ra và lớn lên, còn có một khoảng thời sinh viên ở Huế với không gian Huế.
Phóng to |
Nhà thơ VĂN THÀNH LÊ |
* Anh đoạt giải nhì thơ Bút mới lần 9 với bài thơ Cứ năm mét lại có một cây. Tại sao lại năm mét mà không mười mét để giúp tán cây phát triển tốt hơn?
- Cái tứ Cứ năm mét lại có một cây bật ra, tôi viết trong vòng 30 phút, trong một tiết học cho học sinh làm kiểm tra. Học sinh lớp chọn nên ý thức tốt, không quay cóp, trao đổi. Tôi thành người thừa, nghĩ nên làm gì cho... lương thiện lúc này, thế là làm thơ. Xong đọc lại và tự hỏi năm mét, bảy mét hay mười mét thì hợp lý. Lúc chạy xe từ trường về nhà, để ý thấy những cây xanh trồng đã lâu khoảng cách là tám đến mười mét. Những con đường mới làm, cây mới trồng khoảng cách chỉ năm mét đều đặn. Có thể là giống cây khác nhau. Tìm hiểu thì biết công ty công viên cây xanh chăm sóc và không để tán cây phát triển tự do. Tới một mức độ sẽ cắt bớt để tránh giông bão làm đổ gãy cây. Đến giờ tôi chưa thấy có ý kiến bài thơ này... phản khoa học.
Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, ngành sinh học. Hiện sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Email: vanthanhle1986@gmail.com.
Giải thưởng: Giải ba thơ báo Mực Tím, 2008. Giải nhì truyện ngắn báo Phụ Nữ TP.HCM, 2009. Giải nhì truyện ngắn tạp chí Xứ Thanh, 2011. Giải nhì thơ Bút Mới lần 9, báo Tuổi Trẻ, 2012.
Đã in các tập truyện: Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (Nxb Trẻ), Hình như là tình yêu, Trạm điện thoại ở thiên đường (Nxb Kim Đồng), Con gái tuổi Dần (Nxb Trẻ), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (Nxb Thời Đại).
* Nếu chỉ được chọn một trong hai công việc viết văn và làm thơ, anh chọn công việc nào? Tại sao?- Tôi chọn viết văn. Tôi nghĩ văn hợp với tạng của tôi hơn. Thơ cần cảm xúc nhiều. Tôi có vẻ như lý trí nhiều hơn. Tôi lại thích tưởng tượng. Tưởng tượng về cuộc sống quanh mình. Có người nói văn tôi đọc thấy thật, rất đời. Như vậy là tôi tưởng tượng... không giả. Vậy nên tôi sẽ sống và tưởng tượng tiếp để... viết văn.
* Anh là một giáo viên. Anh có tự giới hạn mình khi viết về những vấn đề nhạy cảm như đồng tính, bạo lực trong học đường?
- Tôi chỉ là giáo viên khi đứng trước học sinh. Trước trang viết, tôi tự do với trăn trở và trí tưởng tượng của tôi. Sẽ không có giới hạn về bất cứ vấn đề nào, dẫu là nhạy cảm, nếu tôi nhận thấy vấn đề ấy cần thiết cho tác phẩm, nếu khả năng của tôi có thể làm chủ, “điều khiển” được vấn đề.
* Trong các tập truyện anh đã in, có tập anh viết cho thiếu nhi, có tập cho tuổi teen, có tập cho người lớn. Anh thấy viết cho lứa tuổi nào là khó nhất?
- Tôi thấy viết cho thiếu nhi khó nhất. Tôi cảm giác cái gì càng xa mình càng khó nắm bắt. Rất nhiều người viết muốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Có người “xin” không được. Có người “xin” được. Nhưng không cẩn thận rất dễ về nhầm ga, gặp tuổi thơ khác. Vì không khéo là trở thành lên gân, giáo điều, giáo khoa... Tôi biết vậy nhưng trong truyện vừa thiếu nhi viết đã lâu tôi nhận thấy mình vẫn còn những chỗ “không khéo” như thế. Đành tự nhủ mình sẽ cố gắng “cẩn thận” hơn nếu còn những lần sau.
* Trong tập truyện Con gái tuổi Dần, bạn đọc đã bật cười với những câu thoại dí dỏm. Trong tập truyện mới in Biết tới khi nào mưa thôi rơi, bạn đọc phải nhíu mày suy nghĩ về những vấn đề anh đưa ra. Phải chăng càng lớn, người ta càng khó cười?
- Theo tôi, nên làm rõ ý sau một chút: càng lớn, người ta càng khó cười vô tư và hồn nhiên. Đó cũng là điều dễ hiểu. Cuộc sống vận động. Mỗi cá thể cũng vận động. Lớn lên. Va đập. Suy nghĩ phải lớn theo để thích ứng. Nụ cười vô tư hồn nhiên ít đi. Xuất hiện những nụ cười ra nước mắt, cười chua chát, cười mà đau... Tôi khâm phục những ai vẫn chắt lọc được nụ cười hồn nhiên trên trang viết dành cho tuổi... hết lớn. Tôi nghĩ đấy là tạng viết của mỗi người. “Cưa sừng làm nghé” sẽ hỏng. Tôi sẽ chỉ viết được những gì mà tôi đã “đi guốc vào bụng” nó.
* Anh có viết blog? Anh có nghĩ các bạn trẻ viết blog sẽ dễ dàng tiếp cận với văn học?
- Trào lưu viết blog bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2006, cuối năm 2010 tôi mới lập một tài khoản cá nhân trên trang mạng YuMe. Tôi không có tham vọng thông qua blog để đến được với nhiều bạn đọc hơn. Đơn giản tôi nghĩ đến lúc nên có một ngôi nhà để tôi lưu trữ những gì liên quan đến trang viết của tôi. Nếu vô tình có ai đi lạc vào chào hỏi vài câu thì vui, “cảm ơn và hẹn gặp lại”. Không thì cũng chẳng sao.
Người yêu văn học giờ không nhiều như trước. Vậy nên những ai muốn tiếp cận với văn học thật đáng trân trọng. Dù con đường nào đến được văn học đều vất vả khó khăn như nhau. Chưa bao giờ lượng tác phẩm trên mạng lại đông đảo vui nhộn như bây giờ, và bước từ trang mạng ra sách giấy cũng nhiều. Những tác giả đời cuối thế hệ 8X và 9X. Hay dở chưa nói, nhưng tôi phục, vì không biết các bạn lấy đâu ra mà thật... nhiều chữ. Những cuốn tiểu thuyết, truyện dài dày dặn, nặng trịch. Như vậy cho thấy rằng các bạn viết trẻ viết blog dễ tiếp cận với bạn đọc hơn, tương tác nhanh hơn. Nhưng còn tiếp cận văn học lại là chuyện khác. Mạng vừa thật vừa ảo hơn môi trường khác đối với người viết là chỗ này. Những gì viết ra có là văn học thật sự không lại phụ thuộc vào tài năng mỗi người. Cái này, chỉ thời gian mới trả lời được.
* Anh có đọc tác phẩm của các bạn cùng trang lứa? Anh thích các tác phẩm nào?
- Tôi theo dõi thường xuyên các sáng tác của bạn viết cùng thế hệ. Tự thấy các bạn viết khá xôm tụ, hăm hở và giàu năng lượng của người trẻ. Tác phẩm ra đều. Tôi cảm giác tất cả mới ở giai đoạn hé lộ phát sáng. Còn phải mài giũa. Tác phẩm tôi thích chắc sẽ được viết ra trong thời gian tới đây. Những cái tên như Phạm Thanh Thúy, Thiên Di, Yến Linh, Trần Minh Hợp, Vũ Thị Huyền Trang, Đinh Phương, Nguyễn Thiên Ngân... cho tôi niềm tin ấy.
Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận