05/05/2015 09:32 GMT+7

Vẫn lo ngay ngáy với trái vải

CẦM VĂN KÌNH - TRẦN MẠNH
CẦM VĂN KÌNH - TRẦN MẠNH

TT - Dù năm nay trái vải tươi của VN có thêm hai thị trường mới là Mỹ và Úc nhưng nông dân vẫn lo ngay ngáy trước vụ vải mới.

Anh Nguyễn Văn Lưu (phải, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) đưa đại diện một doanh nghiệp tại Đà Lạt đến tìm hiểu về vườn cây vải, nhưng vẫn chưa doanh nghiệp nào ký kết hợp đồng tiêu thụ hay báo giá - Ảnh: C.V.K.

Không thể kỳ vọng nhiều ở các thị trường khó tính bởi đây là thị trường mới trong khi các đối thủ của VN như Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Madagascar... đã có mặt từ lâu.

Nhiều đoàn, nhưng không ai hứa giá...

Ngồi trong căn nhà đang xây dở chưa hoàn thiện, anh Nguyễn Văn Lưu (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) đưa quyển sổ mà anh ghi chép rất cẩn thận thời gian phun thuốc, chăm sóc cây vải thiều theo đúng tiêu chuẩn Global GAP vì “năm nay xuất được đi Mỹ”. Theo anh Lưu, gần đây anh đón tiếp cả chục đoàn doanh nghiệp, cơ quan chức năng... tham quan mô hình trồng vải, rất vui vì “ai cũng nói năm nay thị trường được mở rộng”.

Đưa chúng tôi ra vườn cây vải trĩu trái, anh Lưu dự kiến năm nay sản lượng sẽ không kém năm trước và khẳng định “chất lượng vải sẽ tốt”.

Tuy nhiên, chỉ còn gần hai tháng nữa là đến ngày thu hoạch, anh băn khoăn không biết năm nay có được giá hay lại vẫn lâm vào “quy luật” được mùa rớt giá! Và dù nhiều đoàn doanh nghiệp đến nhưng anh Lưu băn khoăn “không thấy ai hứa hẹn giá cả, bao tiêu sản lượng chúng tôi làm ra”...

Ông Phùng Trần Hoạt, phó bí thư chi bộ thôn Kép 1, cũng cùng nỗi lo khi năm trước vải chất lượng tốt nhất bán được khoảng 28.000 đồng/kg, nhưng vào giữa vụ giá thấp nhất chỉ còn 12.000 đồng/kg.

Theo ông Hoạt, dù rất mừng khi nghe thông tin thị trường được mở rộng, nhưng điều người dân mong mỏi là giá bán cao hơn vì các chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cành, dọn cỏ, thu hoạch... đã tăng. “Năm nay chúng tôi mong bán được 30.000 đồng/kg nhưng  chưa biết thế nào” - ông Hoạt nói.

Anh Bùi Cao Huy, chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang, cho biết gia đình anh đã chặt hết vải, chuyển sang trồng cây có múi như cam, bưởi... với mong muốn có giá trị kinh tế cao hơn. Theo anh Giang, thôn Kép 1 là nơi quả vải có chất lượng đứng đầu Bắc Giang và đã được cấp mã số để xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể biết ai được xuất, cụ thể xuất được bao nhiêu trong số dự kiến 600 tấn vào thị trường Mỹ.

Được chọn trồng 0,5ha vải để xuất sang Mỹ, ông Trần Văn Minh (xã Hồng Giang) cho biết diện tích trên chỉ là một phần mà gia đình ông canh tác, phần lớn diện tích còn lại vẫn phải bán cho thương lái với giá bấp bênh, được mùa thì mất giá và chỉ được giá khi mất mùa.

“Chúng tôi mong chính quyền tìm được thị trường chắc chắn cho dân” - ông Minh nói và khẳng định dân đã có kinh nghiệm trồng 20-30 năm, các tiêu chuẩn của Mỹ dân đều đáp ứng được. Tuy nhiên, ông cho rằng Nhà nước cần đầu tư thiết bị kiểm nghiệm quả vải để xác định vải đủ tiêu chuẩn, tránh hàng xuất đi rồi có thể bị trả lại...

Xúc tiến bán hàng sớm

Ông Phan Văn Hùng, phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay Bắc Giang đã xúc tiến việc tiêu thụ quả vải từ sớm với kinh phí khoảng 31 tỉ đồng để quảng bá, vận chuyển quả vải... mở rộng thị trường, tăng tiêu thụ. Bên cạnh đó, địa phương này cũng sẽ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để mua vải, tăng cường giải quyết tình trạng ùn tắc đường trong cao điểm mùa vụ...

“Năm ngoái chúng tôi đã ký với 11 sở công thương các tỉnh phía Nam, có hợp đồng tiêu thụ với ba chợ đầu mối nông sản là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Dự kiến muộn nhất là ngày 2-6 tới, Bắc Giang sẽ có hội nghị với các tỉnh thành phía Nam để tiếp tục tăng tiêu thụ quả vải” - ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, nhiều năm nay quả vải không bị ách tắc ở cửa khẩu mà chỉ ách tắc ở đường giao thông. Thực tế vải ở Bắc Giang 52% là tiêu thụ nội địa, 48% xuất khẩu. Trong số xuất khẩu 90% được xuất sang Trung Quốc. Hiện Sở Công thương Bắc Giang đang phối hợp để tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải ở Lào Cai, trong đó có mời cơ quan chính quyền và doanh nghiệp đầu mối nhập vải từ Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) sang để kết nối cung cầu. Bắc Giang cũng trực tiếp làm việc với chính quyền, doanh nghiệp huyện Long Châu, Bằng Tường (Quảng Tây) để tăng tiêu thụ quả vải...

TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết hiện phía Mỹ đã cấp 10 mã số với diện tích khoảng 100 ha ở Bắc Giang, Hải Dương và Hưng Yên đủ điều kiện đi Mỹ. Các doanh nghiệp phía Nam cũng đã có chuyến khảo sát tại vùng trồng vải phía Bắc để tìm cách đưa trái vải vào Mỹ và Úc.

“Cái khó của trái vải là ở miền Bắc không có nhà máy chiếu xạ theo yêu cầu của Mỹ và Úc nên các doanh nghiệp phải vận chuyển vào Nam để xử lý trước khi xuất khẩu” - ông Đạt cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM cho hay năm nay là lần đầu tiên VN xuất khẩu trái vải vào Mỹ và Úc nên chủ yếu vẫn là giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, có một điểm tích cực là hiện Thái Lan (đối thủ chính về xuất khẩu vải vào Mỹ và Úc) đang tạm thời ngưng chương trình hỗ trợ cước phí vận chuyển trái cây xuất khẩu. “Do đó trái của VN sẽ có điều kiện cạnh tranh tốt hơn so với trái vải của Thái”, vị giám đốc này cho biết.

Thêm một thông tin tích cực đối với trái vải của VN là sau khi được Mỹ mở cửa thị trường vào cuối năm ngoái, đến cuối tháng 4-2015 Chính phủ Úc cũng đã chính thức mở cửa cho loại trái cây này.

* 109 hộ được cấp mã vùng trồng vải xuất sang Mỹ

Theo ông Vũ Đình Phượng, phó giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, ngay khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho phép quả vải VN vào Mỹ, địa phương này đã cấp cho 109 hộ sáu mã số vùng trồng tại xã Hồng Giang, Lục Ngạn (tiêu chuẩn bắt buộc để xuất được vào Mỹ). Ngày 13-3-2015, chuyên gia Mỹ đại diện cơ quan kiểm dịch thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đến trực tiếp kiểm tra vùng trồng vải ở Hồng Giang và đã chấp nhận, đánh giá cao vệ sinh vườn trồng, kỹ thuật chăm và kiểm soát sâu bệnh tại sáu mã vùng trồng.

* 50% vải Lục Ngạn vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo Sở NN&PTNT Bắc Giang, dù giá bình quân vải thiều chỉ đạt 12.400 đồng/kg, vải thiều sấy 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng tổng giá trị từ vải thiều năm 2014 đã đạt trên 2.300 tỉ đồng (trên 112 triệu USD). Dù đã xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng tiêu thụ vải vẫn bấp bênh do khoảng 50% sản lượng vẫn phải xuất vào Trung Quốc... Trong năm 2015, diện tích trồng vải thiều tại Bắc Giang vẫn khoảng 32.000 ha, với sản lượng ước 160.000 - 190.000 tấn.

C.V.K.

Theo Bộ Công thương, các nước châu Á chiếm khoảng 95% tổng sản lượng vải thế giới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt chiếm khoảng 57% và 24%. Sản lượng của Việt Nam chiếm khoảng 6% và đứng vị trí thứ ba về sản xuất.

Sản xuất trái vải của Việt Nam so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới

Nước

Sản xuất (tấn)

Tỉ trọng (%)

Trung Quốc

1.482.000

57,00

Ấn Ðộ

624.000

24,00

Việt Nam

156.000

6,00

Madagascar

100.000

3,85

Ðài Loan

80.000

3,08

Thái Lan

43.000

1,65

Nepal

14.000

0,54

Bangladesh

13.000

0,50

Reunion

12.000

0,46

Nam Phi

8.600

0,33

Mauritius

4.500

0,17

Mexico

4.000

0,15

Pakistan

3.000

0,12

Úc

2.500

0,10

Israel

1.200

0,05

Mỹ

600

0,02

Khác

51.600

 

Thế giới

2.600.000

100,00

CẦM VĂN KÌNH - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên