Phóng to |
Sự sự trở lại của tập san Áo Trắng, là một tín hiệu vui cho Văn học tuổi mới lớn |
1. “Cái chết” của tạp chí Áo trắng cách nay hai năm làm bạn đọc yêu văn chương không khỏi tiếc nuối. Bởi ngoài những hình thức giải trí nghe nhìn hiện đại, thì văn hóa đọc vẫn còn sức hấp dẫn với rất nhiều độc giả. Từ những bút nhóm “Vòm me xanh”, “Gia đình Áo trắng”, “Hương đầu mùa”… chúng ta đã có những cây bút bắt đầu định hình được tên tuổi trong làng văn. Đó là Nguyễn Danh Lam, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồn Nhiên…
Lâu nay, chúng ta vẫn thường phàn nàn về việc lớp trẻ không còn hứng thú với văn chương. Báo chí kêu ca về tình trạng dạy - học văn ở nhà trường. Vậy tại sao chúng ta không tạo một sân chơi bổ ích, khơi gợi niềm đam mê học hỏi của các em qua các tuyển tập, tạp chí chuyên về văn chương cho lứa tuổi học trò.
Trong giai đoạn ngược xuôi tìm đất sống cho tờ Áo trắng, chủ bút - nhà văn Đoàn Thạch Biền nhiều lúc không giấu được tiếng thở dài, bởi hơn 15 năm nay, thương hiệu Đoàn Thạch Biền đã gắn bó với Áo trắng. Anh tâm sự: “Trong cuộc sống nhiều khi người ta chỉ quan tâm đến chuyện lớn và bỏ quên những chuyện nhỏ. Nhưng chính những chuyện nhỏ cũng đã tạo nên một sự ám ảnh”. Và có lẽ vì thế mà “chuyện nhỏ” về văn học cho tuổi mới lớn luôn ám ảnh anh.
Một số tờ báo khác như Mực tím, Hoa học trò dành riêng cho tuổi mới lớn nhưng đó không phải là tập san chuyên về văn chương. Chính vì thế nhiều bạn trẻ đã lúng túng khi không biết thể hiện tác phẩm đầu tay của mình như thế nào. Những tờ báo lớn thì cần tác phẩm hay, trong khi đó báo cho học trò lại không có cơ hội tồn tại và phát triển để tạo bệ phóng đối với những sáng tác đầu tay như thế.
Phan Danh Hiếu, một gương mặt quen thuộc của Áo trắng, đã không giấu nổi vui mừng khi “Gặp lại ông Biền”: “…Thật hoang mang khi văn mình viết ra mà không có đất để trồng, không có nơi để gửi gắm. Đúng lúc đang băn khoăn thì “ông Biền” xuất hiện nhẹ nhàng như những lời “ông” nói “Cứ viết đi!”. Tuyển tập Áo trắng là nơi ươm mầm cho thế hệ chúng tôi - thế hệ của những người trẻ tuổi say mê văn chương”.
2. Sự xuất hiện của văn chương mạng và blog trong một góc độ nào đó cũng là cứu cánh của những tâm hồn yêu văn chương. Khi những tờ báo dành cho tuổi học trò “chết tức tưởi” trước những lo toan “cơm áo gạo tiền” thì đây là một trong những mảnh đất cho họ vùng vẫy. Trang evan.com (VnExpress) hay Thơ và tuổi trẻ (Tuổi trẻ online) là một trong những trang báo điện tử chuyên về văn học và thường xuyên đăng tải những sáng tác mới, mang tính thể nghiệm của các cây bút trẻ. Có thể nói đây là một trong những cầu nối đưa văn chương đến với bạn đọc nhanh và hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều cây bút đã tạo riêng cho mình một blog chỉ để đưa lên đó những sáng tác mới nhất của mình, chia sẻ cùng những tâm hồn yêu thích văn chương. Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Anh Đào đều đặn “post” lên blog những sáng tác mới nhất của chị, hay như Nguyễn Thiên Ngân ngoài những sáng tác được in thành sách, Ngân vẫn “post” những sáng tác mới của mình và bạn bè lên blog
Có thể nói cánh cửa văn học mạng mở ra đã góp phần chia sẻ những cảm xúc, những sáng tác của bạn trẻ yêu thích văn chương. Thế nhưng, thế giới “văn học số” này cũng để lại nhiều nỗi niềm. Không phải lúc nào việc ứng xử trong thế giới ấy cũng đúng mực, bởi đã có không ít cây bút cố làm nổi mình bằng những bài phỏng vấn, hay những bài thơ dung tục…
3. Sự trở lại của Áo trắng là tín hiệu vui nhưng chưa đủ. Bởi chỉ riêng Áo trắng không làm nên bức tranh đa dạng, đủ màu sắc của lứa tuổi học trò, của những tâm hồn đang lớn. “Ông Biền” đã trót nặng nợ với các cây bút trẻ nên không thể buông xuôi để có sự trở lại đầy ân tình như thế. Và không chỉ những người sáng tác, bạn đọc mới lớn cần nhiều hơn những “ông Biền” để góp phần tạo sân chơi văn học phong phú trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận