19/10/2009 02:55 GMT+7

Văn hóa dân gian trên mộc bản

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế vừa tiếp nhận bộ mộc bản dân gian với 54 bản khắc gỗ (hình ngược). Sưu tập này phản ánh một mảng quan trọng và độc đáo đời sống văn hóa tâm linh của người dân cố đô Huế...

Văn hóa dân gian trên mộc bản

TT - Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế vừa tiếp nhận bộ mộc bản dân gian với 54 bản khắc gỗ (hình ngược). Sưu tập này phản ánh một mảng quan trọng và độc đáo đời sống văn hóa tâm linh của người dân cố đô Huế...

ImageView.aspx?ThumbnailID=369291
Một phần sưu tập mộc bản mới của Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thái Lộc
ImageView.aspx?ThumbnailID=369293

Một bản rập tranh trong bộ mộc bản - Ảnh: Thái Lộc

Bộ mộc bản được chuyển nhượng lại từ nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế. Anh Lê Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trong một lần điền dã thực tế tại chùa Thiên Hòa, thuộc thôn Hạ 1, xã Thủy Xuân, TP Huế đã bất ngờ tiếp cận những bản khắc gỗ nói trên trong tình trạng bụi bặm, cũ kỹ đang được gác trên giàn bếp.

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy đây gần như trọn bộ bản khắc (ngược) hệ thống văn bản cúng tế dân gian. Đó là bản in các bài văn cúng như: cúng bổn mạng, cúng vãng sanh, đạo lộ, hậu thổ, cúng sao, cúng đất, cúng chuồng, cúng bếp... cho đến các loại sớ như sớ bà cô, sớ cầu siêu, sớ đám.

Ở một góc nhìn khác, hệ thống văn bản này đáp ứng hầu như toàn bộ mọi dịp cúng bái theo trình tự của vòng đời con người, từ lúc sinh ra đến cả sau khi chết đi...

Không chỉ độc đáo về nội dung, hệ thống mộc bản này còn thể hiện sự phong phú và độc đáo về mặt kỹ thuật - mỹ thuật tạo hình, thể hiện qua bộ tranh khắc gồm các loại như tờ bếp (cúng táo quân), các loại tranh thờ thần, tranh cầu lành cho người mang thai, bộ tranh thế mạng, tranh cầu cho súc vật phát triển tránh dịch bệnh... với những nét “vẽ” vừa bình dị, vừa hồn nhiên, có khi đến mức ngộ nghĩnh...

Các mộc bản được nhận định thuộc rất nhiều “thế hệ” khác nhau, có những mộc bản có từ thời phong kiến, có những bản có từ đầu thế kỷ 20, một số bản có từ vài chục năm trở lại đây.

Ông Cao Huy Hùng, giám đốc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế, nhận xét đây chính là bằng chứng để lại cho thế hệ sau biết về văn hóa dân gian, đặc biệt là đời sống văn hóa tâm linh, một bộ phận quan trọng bổ sung vào sưu tập liên quan đến đời sống của người Việt trên đất Huế. Ông Hùng cho biết sẽ tổ chức rập ra giấy để dịch thuật, hiệu đính và trưng bày toàn bộ mộc bản cũng như giới thiệu với công chúng...

“Tương đối quý”

Nhìn nhận về bộ sưu tập mộc bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế - cho biết: Khi tiếp cận với các bản khắc gỗ này, dù một số bị mục nát vẫn có thể thấy đây là di sản tương đối quý.

Chính bộ sớ điệp và bộ tranh khắc này là bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trên đất Huế vào khoảng thời kỳ cuối phong kiến và đầu thế kỷ 20 như thế nào. Trên một góc độ nào đó, việc bảo quản những mộc bản này giúp chúng ta hình dung những sinh hoạt về mặt phong tục tín ngưỡng tôn giáo của một thời đã qua.

THÁI LỘC

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên