Hồng Lệ (thứ 2 từ phải sang) trên đường chạy marathon ở SEA Games 30 - Ảnh: Minh Minh
Ngày 6-12, nhiều người hâm mộ đã xúc động khi nhìn thấy hình ảnh VĐV Phạm Thị Hồng Lệ phải vào phòng cấp cứu, thở oxy sau lúc giành HCĐ SEA Games 30 nội dung marathon (42km).
HLV chủ yếu dựa trên kinh nghiệm từ thời làm VĐV và kiến thức tích lũy được để huấn luyện VĐV. Vai trò của Viện Khoa học TDTT với việc nâng cao khoa học kỹ thuật trong huấn luyện thể thao ở VN cũng rất kém.
Ông Dương Đức Thủy (trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT)
Ăn gói mì tôm sau khi chạy 42km
Và ít ai biết rằng sau khi nhận huy chương trở về làng VĐV đến tận buổi chiều hôm ấy, Hồng Lệ cũng chỉ uống được một hộp sữa nhỏ, ăn một gói mì ăn liền vì quá mệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Hồng Lệ nói: "Trên quãng đường chạy 42km, tôi có tự trang bị cho mình 3 túi gel năng lượng và ăn hết. Sau khi nhận huy chương về làng VĐV, cơ thể tôi vẫn rất khó chịu, nhức mỏi vì năng lượng bị rút sạch, nhưng do mệt quá tôi không ăn được ngay".
Bị rút kiệt sức sau những bài tập, thi đấu nặng, nhưng Hồng Lệ cũng như hàng ngàn VĐV thể thao khác ở VN chưa được quan tâm và chăm sóc tốt về dinh dưỡng.
Theo đó, trong quá trình tập luyện, VĐV thường ăn những món của bếp ăn ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hoặc ăn những gì họ thích, thay vì phải ăn những thứ cơ thể cần.
Ngành thể thao thỉnh thoảng có mở các lớp hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong tập luyện thể thao nhưng chưa hiệu quả, không thu hút sự quan tâm của các VĐV.
Bản thân VĐV cũng chưa tự trang bị cho mình kiến thức về dinh dưỡng và khoa học trong thi đấu lẫn tập luyện.
Một HLV kể với Tuổi Trẻ câu chuyện dở khóc dở mếu khi đưa VĐV sang Mỹ tập huấn: "Lần đó, ở nhà VĐV tại trung tâm nơi tập huấn có rất nhiều trái cây, cá hồi tươi, phô mai... nhưng VĐV nhà mình không ăn.
Một buổi sáng, tôi thấy VĐV vứt hộp phô mai còn hạn sử dụng vào thùng rác và bữa đó cô ấy ăn cá khô mang từ VN sang".
Tương tự, tại SEA Games 30, một hãng đồ uống thể thao có tài trợ cho đoàn thể thao VN nước uống thể thao bổ sung các loại vi chất cần thiết cho người tập luyện và thi đấu thể thao.
Thế nhưng các VĐV VN rất ít uống vì không thích, VĐV chủ yếu ra hành lang của làng VĐV lấy nước lọc về uống.
Hồng Lệ kiệt sức sau khi về đích - Ảnh: MINH MINH
Không chỉ VĐV thiếu hiểu biết
VĐV thiếu hiểu biết là một lẽ, còn các HLV thì sao? Ngọc Tâm - cựu VĐV nhảy cao lừng danh một thời - chia sẻ cô nhận được rất ít kiến thức khoa học thể thao quan trọng và đặc thù thời còn là VĐV đến tận khi học ĐH. Một trong những vấn đề nổi cộm là tâm sinh lý của các VĐV nữ.
"Khi học ĐH chuyên ngành thể thao, tài liệu của chúng tôi chỉ có một lưu ý nhỏ về vấn đề kỳ kinh của chị em phụ nữ.
Chẳng có thêm hướng dẫn gì nhiều, dù đó có thể nói là vấn đề quan trọng nhất, làm khổ chúng tôi nhất thời VĐV" - Ngọc Tâm kể.
Rất nhiều VĐV lừng danh sau khi giải nghệ đã tâm sự với chúng tôi về câu chuyện này. Thanh Huyền - cô gái vàng một thời của làng xe đạp - cho biết chị và những đồng đội toàn phải tự tìm hiểu cách khắc phục vấn đề sức khỏe mỗi khi đến chu kỳ.
"Và hầu hết đều là những cách thức bậy bạ, sai phương pháp khoa học, đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Nhưng chúng tôi đều phải tự tìm hiểu vì HLV phần lớn là nam, chẳng hiểu biết gì các vấn đề của phụ nữ" - Thanh Huyền kể.
Hàm lượng khoa học trong huấn luyện của thể thao VN rất thấp
Trong khi giới chơi thể thao phong trào tại VN, nhất là chạy đường dài và ba môn phối hợp (Triathlon) thường xuyên cập nhật về phương pháp tập luyện khoa học qua hệ thống đồng hồ, phần mềm trên điện thoại.
Chỉ cần với một chiếc đồng hồ thông minh hoặc một phần mềm trên điện thoại, các thông tin về tốc độ, nhịp tim, độ dốc, nhiệt độ... của người tập đều được hiển thị chi tiết.
Thế nhưng phần lớn VĐV và cả HLV chuyên nghiệp ở các đội tuyển quốc gia ít quan tâm đến những thông số này.
Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, nói: "Hàm lượng khoa học trong giáo án của HLV VN hiện nay rất ít. Các HLV, trong đó có điền kinh không hoặc ít áp dụng các nghiên cứu khoa học, phương tiện kỹ thuật trong huấn luyện.
Họ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm từ thời làm VĐV và kiến thức tích lũy được để huấn luyện VĐV. Vai trò của Viện Khoa học TDTT với việc nâng cao khoa học kỹ thuật trong huấn luyện thể thao ở VN cũng rất kém.
Với điền kinh, nhiều nội dung bắt buộc phải có phương tiện hỗ trợ huấn luyện như: máy quay 3D, hệ thống phân tích xử lý số liệu (qua các đồng hồ thông minh, phần mềm trên điện thoại...)... thế nhưng gần như không được các HLV áp dụng tại VN.
Một số VĐV của đội tuyển điền kinh gần đây đoạt giải ở một số giải chạy phong trào nên được tặng đồng hồ này. Thế nhưng nhiều người cũng chưa biết cách sử dụng hết tính năng của nó".
Thiếu hiểu biết thời còn thi đấu, nếu không đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, các VĐV tiếp tục sẽ trở thành những HLV kém kiến thức. Và thế là cái vòng luẩn quẩn "vượt khó" cứ mãi đè nặng lên hành trình tìm kiếm huy chương của VĐV VN.
Ở SEA Games, nghị lực đáng nể giúp các VĐV VN giành chiến thắng. Nhưng khi bước chân ra đấu trường châu lục, làm sao có thể đạt thành tích cao nếu cứ mãi phải "vượt khó"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận