01/08/2012 07:00 GMT+7

Vận động viên Mỹ chống đối IOC

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Nhiều VĐV điền kinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi Olympic 2012 khi lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) với quy định cấm VĐV sử dụng mạng xã hội để làm “nghĩa vụ” với nhà tài trợ của mình.

TT - Nhiều VĐV điền kinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi Olympic 2012 khi lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) với quy định cấm VĐV sử dụng mạng xã hội để làm “nghĩa vụ” với nhà tài trợ của mình.

Sự bùng nổ thông tin từ các trang mạng xã hội khiến IOC ban hành điều 40 quy định cách hành xử, đạo đức của VĐV tại Olympic. Theo đó, VĐV không được sử dụng mạng xã hội cho mục đích thương mại hay quảng cáo cho nhà tài trợ. IOC nhấn mạnh nếu ai vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng nhiều hình thức, thậm chí bị loại khỏi Olympic 2012.

Phát biểu trước hàng trăm nhà báo tại London ngày 30-7, ngôi sao chạy 400m của Mỹ Sanya Richards-Ross nói: “Giá trị thương mại tại các kỳ Olympic không dưới 6 tỉ USD. Nhưng chỉ khoảng 2% số VĐV được tài trợ bởi các nhà tài trợ của IOC. 98% số VĐV còn lại phải sống nhờ vào nhà tài trợ của mình”.

IOC lý giải rằng nhằm tránh tình trạng “phục kích tiếp thị” (được hiểu là một công ty (nhãn hiệu) nào đó lợi dụng mối quan hệ với VĐV để gắn tên mình với Olympic 2012). Nhưng bản chất vấn đề IOC muốn bảo vệ quyền lợi cho các nhà tài trợ của mình. Tuy nhiên, quy định này đã đánh vào quyền lợi của nhiều VĐV nên vấp phải sự phản ứng dữ dội.

Đa số VĐV Mỹ không được chính phủ “bao cấp” trong tập luyện. Thống kê cho thấy gần một nửa VĐV Mỹ kiếm không quá 15.000 USD/năm từ thi đấu và sống dựa vào bầu sữa của nhà tài trợ từ tiền ăn uống, trang thiết bị, tập huấn, thưởng... Richards-Ross nói: “Tôi là người may mắn khi được hợp tác với nhà tài trợ tuyệt vời của mình. Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với họ cũng không được. Vì vậy, quy định của IOC là điều bất công”. Phát pháo của Richards-Ross lập tức nhận được sự hưởng ứng từ nhiều đồng nghiệp. Và họ đã mở ra chiến dịch “We demand change” (tạm dịch: Chúng tôi muốn thay đổi) với mong muốn IOC sẽ xem xét lại.

VĐV đi bộ 20km người Mỹ Maria Michta viết trên blog của mình: “Tôi không được các thương hiệu lớn tài trợ. Tất cả chi phí ăn uống, tiền lương hay thưởng cho việc giành suất dự Olympic 2012 đều đến từ gia đình tôi, bạn bè, thành viên cộng đồng mạng xã hội trên khắp đất nước. Nguồn tài trợ của tôi còn đến từ việc vận động và quyên góp trên website của mình. Nhưng điều 40 của IOC cấm tôi dùng hình ảnh của chính mình tải lên mạng xã hội để kiếm tiền trang trải chi phí thi đấu”.

Trong khi đó, VĐV chạy cự ly trung bình của Mỹ Leo Manzano phàn nàn về việc bị IOC yêu cầu phải tháo bỏ tấm hình chụp đôi giày thi đấu của mình trên Twitter. VĐV ném lao Mỹ Kara Patterson than vãn trên Yahoo!Sports: “Tôi luôn cảm thấy vinh dự được là một VĐV thi đấu tại Olympic. Nhưng tôi không được nhắc đến nhà tài trợ duy nhất của mình”. Nhiều VĐV khác của Mỹ như T’erea Brown (chạy vượt rào), John Nunn (đi bộ) và ĐKVĐ chạy vượt rào Dawn Harper cũng lên tiếng phản đối điều 40 của IOC.

Trước làn sóng chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ giới VĐV, IOC vẫn chưa lên tiếng bình luận hay ra bất cứ quyết định xử phạt nào. Tuy nhiên, chủ tịch IOC Jacques Rogge chắc chắn sẽ phải đối mặt với câu hỏi từ giới truyền thông thời gian tới.

TẤN PHÚC

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên