10/06/2004 08:05 GMT+7

Vấn đề bức thiết là an sinh xã hội

PV 
PV 

TTO - Sáng nay (10-6), BT Bộ GTVT Đào Đình Bình và BT Mai Ái Trực (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) trả lời chất vấn. Các vấn đề về ATGT và quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường là vấn đề quan tâm hàng đầu của ĐB Quốc Hội.

Về các tiêu cực trong đào tạo và cấp bằng lái xe (môtô và ôtô), ông Bình cho rằng do nhu cầu được cấp phép lái xe quá lớn nên trước tiên, Bộ GTVT phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu này.

Đại biểu băn khoăn vì sao dự án cầu bắc qua sông Hậu dù công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa đã được thực hiện quá lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa tiến hành khởi công, ông Bình giải thích: Đây là dự án vay vốn của nước ngoài nên các công việc diễn ra không hòan tòan đúng như kế họach, bởi còn phải lệ thuộc vào yêu cầu của nhà tài trợ. "Chúng tôi cảm thấy có lỗi với nhân dân...", Bộ trưởng Bình nói.

Ông Bình giải thích thêm, quá trình đàm phán đã tiết kiệm được 14 triệu USD và phía đối tác khẳng định quá trình khảo sát dù lâu nhưng việc khởi công xây dựng sẽ rất nhanh.

Về 10 cây cầu còn sót lại từ thời Pháp trên QL 54 ở ĐBSCL, BT Bình nói rằng : "Lúc nào QH cho tiền thì chúng tôi sẽ thực hiện!".

ĐB Lê Thanh Châu (Quảng Nam) hỏi về việc vì sao tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi (dự án BOT) đến nay vẫn chưa thấy thực hiện dù Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã từ lâu. Bộ trưởng Bình giải thích do việc tìm nguồn vốn cho các dự án đường cao tốc rất khó khăn nên "chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm năng".

ĐB Phan Anh Minh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các câu hỏi chất vấn của ông vào chiều hôm qua (phân bố vốn đầu tư xây dựng cơ bản; hiệu quả của các công trình đã được đưa vào sửdụng...) chưa được Bộ trưởng trả lời đúng và đầy đủ.

Ông Minh cũng đặt câu hỏi: Có phải một nguyên nhân lớn khiến tai nạn giao thông không giảm là do việc xây dựng các công trình giao thông không đồng bộ: Đường với cầu, với dải phân cách, vừa thi công vừa thông xe? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Vì sao đường sắt ngày càng thu hẹp so với thời Pháp thuộc?...

tX4HptnH.jpgPhóng to
BT Đào Đình Bình giải thích tiếp rằng, việc phân bổ vốn đầu tư cho XDCB đến năm 2010 sẽ được phân bổ đồng đều và hợp lý cho các vùng miền. Theo ông Bình, từ 1996 khi các nhà tài trợ quốc tế quay lại thì chúng ta mới có điều kiện nâng cấp mạnh mẽ hệ thống giao thông. Tuy nhiên, việc làm vừa qua đúng là chưa đồng bộ do nguồn lực của chúng ta có hạn và cần thời gian...

Về mạng lưới đường sắt, BT Bình cho rằng nhận định của ĐB Minh là hoàn tòan chính xác, do các địa phương đôi khi có những quyết định dựa trên lợi ích cục bộ địa phương. BT Bình cho biết sắp tới đây, sẽ có điều chỉnh về chiến lược phát triển hệ thống đường sắt...

Trả lời ĐB Nghê Nguyệt Trân về 5 lý do chính của tai nạn Giao thông, BT Bình cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Bộ trưởng khi không hạn chế được tai nạn giao thông nhưng ông cũng nhấn mạnh "BT bộ GTVT vẫn sẽ còn bị khuyết điểm dài dài nếu các bộ, ngành, địa phương không cùng góp sức để ngăn chặn tai nạn giao thông!".

ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình): 4 tháng đầu năm 2004 số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2003, làm sao để tăng cường trách nhiệm và nhiệm vụ của ngành công an để giảm thiểu tai nạn giao thông? Việc xây dựng đề án quy định mỗi trạm thu phí phải cách nhau 70 km có đúng với thực tế? Liệu đề án này có khả thi?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hà (Nam Định) đặt vấn đề về các con số báo cáo của Bộ GTVT: Bộ trưởng khẳng định chất lượng các công trình đưa vào sử dụng cơ bản là tốt, nhưng thực tế không phải vậy? Những con số về tai nạn giao thông mà Bộ đưa ra không đúng với thực tế mà báo chí đưa...

Trả lời ĐB Tôn về nhiệm vụ của lực lương Cảnh sát giao thông, BT Bình cho rằng đấy không phải là vấn đề của Bộ GTVT. Về các trạm thu phí, ông Bình giải thích hiện đang tồn tại hai dạng trạm thu phí: của nhà nước và của nhà đầu tư. Bộ sẽ cân nhắc về cự ly xây dựng các trạm thu phí và trình chính phủ trong các kế họach sắp tới...

Trả lời về việc có cự ly giữa các con số từ báo cáo của bộ và các con số của phương tiện truyền thông về tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bình cho rằng, các con số đó là của Bộ Công An và "phải tin tưởng vào những con số ấy!".

PKz7D8E8.jpgPhóng to
Nguyễn Thanh Bình, ĐB QH tỉnh Bắc Giang
Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường (TNMT) Mai Ái Trực. "Cho đến nay về cơ bản, đất nông nghiệp đã phân bổ xong. Nhưng đất ở và đất lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc, tôi xin tập trung về 2 vấn đề này...", Bộ trưởng Mai Ái Trực mở đầu

Trong bài nói của mình, Bộ trưởng Trực kêu gọi người dân không nên vì quá sốt ruột trong quá trình cấp phép sử dụng đất mà tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh. Ông nhấn mạnh: " Sớm hay muộn gì bà con cũng sẽ được cấp phép...". Ông khẵng định, Bộ TNMT sẽ làm hết sức mình để hòan thành việc cấp phép quyền sử dụng đất đúng tiến độ.

Giải thích khá dài dòng về các nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong cấp phép sử dụng đất và các hệ lụy, tiêu cực liên quan, BT Trực cuối cùng cũng "bị" Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đề nghị dừng bài nói để QH nghỉ giải lao...

Sau giờ giải lao, BT Mai Ái Trực trả lời về việc đất tăng giá là thật hay ảo bằng việc giải thích về khái niệm như thế nào là thật và ảo. Thực tế, theo ông Trực, giá đất ở đô thị hiện nay là vừa thật vừa ảo và nguyên nhân vẫn là khả năng quản lý yếu kém.

Ông Trực nói, giá ảo trên thực tế thường xuất hiện ở các vùng ven và những vùng đô thị mới. Giải pháp, theo ông Trực, vẫn là tăng cường công tác quản lý đất đai. Ông cũng đưa ra những giải pháp cụ thể của Bộ TNMT mà chủ yếu vẫn là việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan một cách chặt chẽ và khoa học...

Về vấn đề quản lý tài nguyên khóang sản, ông Trực thừa nhận thực tế việc khai thác không hợp lý và thậm chí tràn lan tài nguyên khóang sản trên cả nước là có thật và hiện, Bộ TNMT đã thành lập các đòan kiểm tra đồng thời báo cao Thủ tướng chính phủ thực tế tình hình khai thác trái phép. Bộ cũng đề nghị Chính phủ thu hồi các giấy phép đã cấp để chấn chỉnh việc khai thác tài nguyên.

Về việc hạn chế xuất khẩu tài nguyên khóang sản theo dạng thô, theo ông Trực, do đây là loại tài nguyên không tái tạo được nên Bộ không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu thô mà nên thông qua chế biến...

ĐB Đỗ Trọng Hoàng (Bắc Giang) hỏi: Mỗi năm nông dân mất khỏang 1,2 đến 2 triệu việc làm do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Bộ TNMT có giải pháp gì ngăn chặn việc này? Đất là tài nguyên và đấy cũng là nguyên nhân khiến một số đối tượng trục lợi và làm giàu từ các cơ chế, thủ tục liên quan, Bộ TNMT có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tuyên chiến với tệ nạn này?

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đak Nông) đặt vấn đề về việc giao đất, giao rừng trong chương trình 327 còn nhiều bất cập bởi còn rất nhiều trường hợp giao đất và giao rừng không đúng đối tượng... Ông Dũng cũng đề nghị Bộ TNMT đánh giá năng lực thực tế cán bộ và SV môi trường trong công tác tuyên truyền và bảo vệ môi trường nói chung...

Trả lời về việc lấy đất của nông dân, ông Trực cho rằng việc lấy đất là dựa trên quy họach. Giải quyết việc này, theo ông Trực vẫn là giải quyết ngay việc làm cho người nông dân mất đất và đấy phải là việc của chính quyền địa phương. Trả lời về hạn mức giao đất, ông Trực cho rằng, việc quy định hạn mức sử dụng đất là quyền hạn của thường vụ Quốc hội.

Ông Trực nhấn mạnh, BT, trước QH và nhân dân, trách nhiệm là "vô hạn" nhưng quyền hạn thì không nhiều, với quyền hạn được giao, chúng tôi hứa sẽ làm hết sức mình để tuyên chiến với tiêu cực.

Trả lời ĐB Nguyễn Lân Dũng, ông Trực nói: "Về chương trình 327, nhìn chung là tốt nhưng có nhiều nơi làm chưa tốt, do đó, Bộ TNMT tiến hành sắp xếp lại các nông lâm trường. Sẽ tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất 327 ở Tây Nguyên".

Về việc đánh giá năng lực của cán bộ, SV môi trường, BT Trực nói Bộ TNMT không có một cơ quan sự nghiệp nào làm công tác nghiên cứu khoa học nên không thể đánh giá được vấn đề này và phải có một nghiên cứu cẩn thận! Bộ TNMT sẽ đặt hàng các đơn vị đào tạo để có cán bộ môi trường đủ năng lực!

Vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều đại biểu đặt ra cho BT Trực. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nam) phản ánh về việc ô nhiễm môi trường (nước sinh họat và việc nuôi trồng thủy sản) quá tầm giải quyết của địa phương đã được báo cáo nhiều lần nhưng chưa thấy giải quyết? ĐB Nguyễn Thanh Bình (Bắc Giang) hỏi Bộ TNMT có giải pháp nào giải quyết ô nhiễm ở các KCX, KCN...

Ông Trực nói, Bộ TNMT đã tiến hành nhiều công việc đúng chức năng của Bộ để xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường song thực tế còn hạn chế. Làm sao để các cơ sở sản xuất không đổ chất thải chưa qua xử lý xuống sông Nhuệ ở Hà Nam, tức quản lý môi trường ngay từ đầu thì vẫn chưa làm tốt do đóviệc ô nhiễm là không tránh khỏi. Giải pháp quan trọng, theo BT Trực là phải nghiêm khắc với các doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thậm chí đình chỉ sản xuất...

Với các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, ông Trực thừa nhận rất ít nơi tuân thủ đúng luật môi trường, do đó, trong thời gian tới, phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về môi trường trước khi cấp phép sản xuất, tránh tình trạng Doanh nghiệp đặt chúng ta vào tình trạn đã rồi!

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) hỏi Bộ TNMT sẽ làm gì để giảm thiểu tiêu cực trong cấp phép sử dụng đất và đến lúc nào thì thủ tục sẽ đơn giản hơn? Liệu đến 2005 thì sẽ hòan thành việc cấp phép quyền sử dụng đất như kế họach đã đề ra?

ĐB Vũ Tuyên Hòang (Quảng Nam) hoài nghi về các vấn đề liên quan đến chủ quyền đất đai, bởi không chỉ đưa ra các chỉ thị với văn bản từ trên xuống là có thể yên tâm. Nếu theo dõi thì thấy dân không biết, dân không am hiểu... là sao để người dân thông suốt hết các quyết sách lớn cũng như các quyết định liên quan đến quyền lợi của dân?

Bộ trưởng Trực trả lời rằng, do bộ máy nhân sự của ngành không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, hay nói cách khác là Chính phủ tự làm khó mình bởi tính tóan chuyện nhân sự chưa phù hợp cho nên việc bất cập trong xử lý các vấn đề liên quan về thể chế là tất yếu. Về việc có hòan thành chỉ tiêu cấp phép đến 2005 hay không, BT Trực không trả lời trực tiếp mà dẫn chứng rằng, với hai TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì cả hai địa phương này đều đang nỗ lực để bảo đảm đúng tiến độ của kế họach!

ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh bức xúc: Việc cấp quyền sử dụng đất đòi dân phải có hộ khẩu và ngược lại, muố ncó hộ khẩu thì phải có quyền sử dụng đất, " Vậy trong hai "anh" này, theo BT thì anh nào có lý hơn, bời nếu cả hai "anh" nào cũng có lý thì chỉ có người dân vô lý?", bà Xinh nói. BT Trực: " Bộ TNMT không bao giờ quy định đòi hỏi phải có hộ khẩu mới cấp phép Quyền sử dụng đất, đó chỉ là quy định của các địa phương mà thôi !".

PV 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên