Phóng to |
Có nhiều nhóm dầu gây ô nhiễm
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực nói rằng tình trạng ô nhiễm dầu trên biển VN là một câu chuyện “thời sự nóng bỏng hiện nay”. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết thời gian qua chúng ta mới làm được việc thu gom, xử lý dầu gây ô nhiễm, đồng thời đã bắt đầu công tác xác định thiệt hại sơ bộ…
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện vẫn chưa làm được là tìm nguyên nhân gây ô nhiễm dầu trên biển. Trong khi đó, theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, vệt dầu đầu tiên xuất hiện tại Quảng Nam từ cuối tháng 1-2007, đến nay số tỉnh, thành bị ảnh hưởng đã lên đến 20. Còn khối lượng dầu thu gom được trên 1.700 tấn, trong đó Quảng Nam bị dầu “tấn công” nhiều nhất, lượng thu gom trên 700 tấn.
Báo cáo tại hội thảo, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết đã có kết quả phân tích và nhận dạng của 20 mẫu dầu ô nhiễm thu được tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Kết quả này cho thấy có đến sáu nhóm dầu. Theo đó, dầu xuất hiện ở vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế là loại dầu thô có cùng nguồn gốc, song những mẫu dầu thô này khác với dầu thô của VN. Dầu xuất hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đông Hòa (Phú Yên) cũng là dầu thô có cùng nguồn gốc và cũng không giống với dầu thô VN.
Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tập trung vào hai nguồn chính “Qua sơ bộ báo cáo, tổng hợp lại tôi thấy có hai địa điểm nghi ngờ. Thứ nhất là khu vực gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), khu vực đó cũng là khu vực có nhiều giếng dầu khai thác. Như vậy chúng ta sẽ tập trung mua ảnh viễn thám ở chỗ đó, tập trung phân tích các mẫu dầu ở đó xem có giống mẫu dầu mà chúng ta có hay không. Tập trung tính toán về mô hình lan truyền do sóng, do gió, do dòng chảy... Khu vực thứ hai là khai thác dầu ở phía Nam của chúng ta. Tôi nói như vậy không phải là chỉ có hai khu vực này mà ta tập trung trọng điểm vào đó rồi khi cần thiết ta mở rộng ra. Như vậy ta vừa tránh được lãng phí tiền bạc vừa rút ngắn thời gian. Cũng nên nghiên cứu xem thử sau trận động đất ở Đài Loan thì các hoạt động kiến tạo địa chất đó có ảnh hưởng và làm rò rỉ các mỏ dầu đã đóng lại”. |
Tuy nhiên, mẫu dầu xuất hiện ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xác định là loại dầu thô còn khá mới nhưng Cục Bảo vệ môi trường khẳng định “qua đối chiếu, loại dầu thô này khác với dầu thô của VN”.
Theo Cục Bảo vệ môi trường, cơ quan này đang tiếp tục lấy các mẫu dầu ô nhiễm, đề nghị các cơ quan trong nước và quốc tế thu thập các mẫu dầu đối chứng để phân tích, đối chiếu nhận dạng dầu. Một số mẫu dầu đã được gửi đi nước ngoài phân tích.
Một lập luận đáng lưu ý
Về nguyên nhân và nguồn gốc dầu gây ô nhiễm, sau hơn ba tháng kể từ lúc vệt dầu đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước chỉ mới dừng ở nhận định chung chung: “Do hoạt động thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí; là hậu quả của các hoạt động kiến tạo địa chất, làm cho các vỉa dầu khai thác cũ và mới có thể gây tràn dầu”.
Tại hội thảo, thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà - cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - cho biết sau khi rà soát các hoạt động thăm dò, khai thác, tàng trữ, súc rửa tàu dầu, công trình sản xuất... của các đơn vị thành viên và các nhà thầu, Tập đoàn Dầu khí VN khẳng định “không có sự cố nào gây rò rỉ dầu và sự cố tràn dầu”.
Tương tự, Cục Hàng hải VN cũng có báo cáo “chưa tìm thấy sự liên quan nào”. Cục Hàng hải VN còn nhấn mạnh không có hiện tượng tàu biển xả dầu trên vùng biển VN và cũng không ghi nhận được một tai nạn, sự cố hàng hải nào liên quan đến tràn dầu thô, kể cả các tai nạn chìm, đắm tàu chở dầu trong khu vực. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Huỳnh - nguyên giám đốc Trung tâm An toàn và môi trường dầu khí (đặt tại TP.HCM) - cho biết thêm từ vĩ độ 10 (khu vực vùng biển Bình Thuận) trở ra phía Bắc thì không có một mỏ dầu nào của VN đang khai thác.
Phân tích về nguyên nhân gây ô nhiễm dầu, ông Nguyễn Sơn Hà có lập luận đáng chú ý: “Trường hợp ô nhiễm dầu trên diện rộng, số lượng dầu thu gom nhiều, trong thời gian dài và do cùng một nguồn gốc dầu thô gây ra thì dầu tràn chỉ có thể do sự cố mỏ dầu hoặc tàu chứa dầu (kho nổi) của mỏ dầu”.
Trong khi đó, kết quả phân tích ban đầu các mẫu dầu thu thập được ở các tỉnh miền Trung vào tháng 2-2007 là “dầu thô và không phải là dầu thô đang khai thác tại VN”. Ông Hà cũng cho rằng nếu có trường hợp tàu dầu súc rửa và xả thải lén lút ra biển thì số lượng dầu thải chỉ ở mức độ, giới hạn trong một khu vực hẹp, không thể gây ô nhiễm trên diện rộng và trong thời gian dài.
“Căn cứ kết quả phân tích mẫu dầu, số lượng dầu đã thu gom có thể thấy dầu thô tràn vào khu vực biển miền Trung vào tháng 2-2007 là do sự cố tràn dầu từ khu vực lân cận VN, do sự cố mỏ dầu hoặc tàu chứa dầu mà ta không được thông báo” - ông Hà nhận định. Cũng theo nhận định của ông Hà, dầu thô tràn vào các tỉnh phía Nam là của mỏ dầu hoặc do dầu thải ra từ tàu chứa dầu. Riêng mẫu dầu thô tràn vào khu vực Côn Đảo, qua phân tích, cho thấy đây là loại dầu tương tự nhóm dầu đang khai thác ngoài khơi khu vực Đông Nam Á, trong đó có VN.
Hành động quyết liệt hơn
Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Mai Ái Trực lưu ý dầu gây ô nhiễm thu gom được phải xử lý đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với loại chất thải nguy hại. “Vừa qua tôi nhận được thông tin có nơi đã sử dụng dầu gây ô nhiễm thu gom được để làm chất đốt cho nhà máy. Làm như thế là không được, không an toàn” - Bộ trưởng Mai Ái Trực đặc biệt lưu ý.
Bộ trưởng Mai Ái Trực đề nghị các nhà khoa học, cơ quan khoa học tập trung nguồn lực và chất xám triển khai nhanh, mạnh hơn nữa các nghiên cứu nhằm tìm nguyên nhân gây ô nhiễm dầu và xác định nguồn gốc dầu ô nhiễm. Theo ông, có thể kết hợp cả ba phương pháp: công nghệ viễn thám, phân tích ảnh vệ tinh; dùng mô hình lan truyền dầu để tính toán, truy ngược nơi xuất phát của dầu; dùng phương pháp phân tích đánh dấu sinh học và so sánh với các mẫu dầu đối chứng...
Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định nguyên nhân gây ô nhiễm dầu và nguồn gốc dầu gây ô nhiễm hiện vẫn chưa tìm được, chưa xác định được là một bức xúc rất lớn. Bộ trưởng Mai Ái Trực nêu rõ: “Phải chi khoản kinh phí tương xứng cho việc tìm nguyên nhân và xác định nguồn gốc dầu gây ô nhiễm”.
Phần lớn dầu loang nằm ngoài lãnh hải Việt Nam Đáng chú ý nhất ở hội thảo này là công bố của nhóm tác giả Viện Địa lý do PGS.TS Nguyễn Đình Dương đứng đầu, phân tích từ 26 ảnh của vệ tinh Alos (Nhật Bản) có bộ cảm Palsar từ tháng 12-2006 đến 4-2007 cho thấy có bảy ảnh phát hiện 14 vệt dầu. 1. Ảnh vệ tinh ngày 6-12-2006 cho thấy hai vệt dầu tại tây nam đảo Hải Nam với chiều dài khoảng 20km. 2. Vệt dầu thứ ba có trên ảnh vệ tinh ngày 16-1-2007 tại ven biển Khánh Hòa. 3. Vệt thứ tư và thứ năm có trên ảnh ngày 26-1 lại ở tây nam đảo Hải Nam, ngoài khơi Quảng Bình. 4. Cũng trong ngày 26-1 ảnh vệ tinh ở khu vực thấp hơn phát hiện ven bờ Huế và đèo Hải Vân thêm vệt dầu thứ sáu và thứ bảy. 5. Ảnh vệ tinh ngày 31-1 cho thấy có đến ba vệt khác nhau ở khu vực cảng Hải Phòng và ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ. 6. Cũng trong ngày 31-1, trên một ảnh vệ tinh khác nhóm tác giả phát hiện hai vệt dầu ở ngoài khơi Thanh Hóa và Quảng Bình. 7. Trên ảnh vệ tinh ngày 8-3-2007 nhóm tác giả lại phát hiện hai vệt dầu ở tây nam đảo Hải Nam, trong đó một vệt dài 50km, rộng 1km (đây là vệt lớn nhất), và một vệt dài 10km, rộng 1km. Trong các vệt dầu này rất đáng chú ý là các vệt dầu ở khu vực ven bờ Huế và đèo Hải Vân và ngoài khơi Quảng Bình, thời điểm này trùng với thời điểm mà các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi liên tục hứng chịu thảm họa tràn dầu vào thời gian từ 28-1 đến 10-2. Điểm đặc biệt khác là các vệt dầu này cũng nằm từ vĩ tuyến 16 trở ra. Căn cứ theo đường lãnh hải thì có hai vệt dầu lớn vào ngày 6-12-2006 và 8-3-2007 đều nằm ngoài lãnh hải VN. Chỉ riêng hai vệt dầu này đã có diện tích đến 4.450ha, với lượng dầu dự tính khoảng 22.250 - 44.500m3. Trong khi các vệt dầu còn lại được xếp vào loại một chỉ có diện tích 3.195ha với lượng dầu từ 3.195 - 15.972m3. Tính chung 14 vệt dầu khoảng 25.444 - 60.172m3 và với cách tính 1m3 tương đương 850kg thì lượng dầu nhìn thấy trên bảy ảnh vệ tinh này có khối lượng rất lớn từ 21.620 - 51.400 tấn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận