Trước khi mất, không hiểu vì lý do gì mà cha tôi đã âm thầm làm giấy từ chối nhận di sản thừa kế. Xin hỏi vậy chúng tôi là hàng cháu có nhận được một phần thừa kế nào trong tài sản ông bà để lại không?
Trả lời:
Theo thư của bạn thì ông bà nội của bạn đã mất hơn 20 năm (tức vào khoảng năm 1990).
Theo khoản 2 và 3 điều 31 của pháp lệnh thừa kế (có hiệu lực ngày 30-8-1990 đến 1-7-1996), thời hạn khước từ quyền hưởng di sản là sáu tháng kể từ ngày người thừa kế biết được thời điểm mở thừa kế (tức thời điểm người có di sản chết) và người khước từ quyền hưởng di sản phải thông báo việc khước từ cho người thừa kế khác, UBND hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế. Theo đó, nếu việc từ chối nhận di sản không đáp ứng điều kiện về thời hạn và thủ tục thông báo như nói trên thì không có hiệu lực pháp luật. Bộ luật dân sự 1995 (có hiệu lực từ 1-7-1996 đến 31-12-2005) và Bộ luật dân sự 2005 (có hiệu lực từ 1-1-2006 đến nay) cũng quy định thời hạn từ chối nhận di sản là trong vòng sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế và người từ chối nhận di sản phải thông báo cho UBND cấp xã hoặc cơ quan công chứng nơi mở thừa kế.
Theo thông tin bạn cung cấp thì cha của bạn đã lập văn bản từ chối nhận di sản sau khi ông bà của bạn mất đã lâu. Do vậy, việc từ chối nhận di sản của cha bạn không có hiệu lực pháp luật. Nếu văn bản từ chối nhận di sản nói trên không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định cũng là một căn cứ chứng minh việc từ chối nhận di sản là vô hiệu.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm 2.4 (a) phần I nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, sau khi kết thúc thời hạn mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
Theo quy định nói trên, sau khi kết thúc thời hạn mười năm kể từ ngày ông bà nội của bạn đều đã mất, phần đất ông bà bạn để lại trở thành tài sản chung của những người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm cha và các cô, chú, bác của bạn. Như vậy, khi cha của bạn mất thì phần đất mà lẽ ra cha bạn được quyền sở hữu sẽ trở thành di sản thừa kế của cha bạn để lại và sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất và còn sống gồm vợ, con của cha bạn.
Khi mẹ của bạn mất thì phần tài sản mà mẹ bạn có quyền được hưởng từ cha của bạn sẽ tiếp tục được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, gồm các con và cha, mẹ (nếu còn sống) của mẹ bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận