04/09/2004 06:01 GMT+7

Vài lý do để xem phim Lục Vân Tiên

Bài, ảnh: ANH THƯ
Bài, ảnh: ANH THƯ

TT - Sáng chủ nhật 5-9-2004, “Tạp chí văn nghệ” trên HTV7 sẽ giới thiệu tập đầu tiên của bộ phim Lục Vân Tiên dài 14 tập (60phút/tập).

QqdXY9Oi.jpgPhóng to
Lục Vân Tiên (Chi Bảo) và Vương Tử Trực (Nguyên Vũ)
TT - Sáng chủ nhật 5-9-2004, “Tạp chí văn nghệ” trên HTV7 sẽ giới thiệu tập đầu tiên của bộ phim Lục Vân Tiên dài 14 tập (60phút/tập).

1. Đây là lần đầu tiên truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập với kịch bản Dương Linh - Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Đỗ Phú Hải - Lê Bảo Trung - Phương Điền.

Bộ phim ngốn mất trên ba năm thực hiện. Đoàn phim đã năm lần bảy lượt đi đến mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri (Bến Tre) để thắp nhang mong vong linh cụ độ trì phù hộ cho tấm lòng thành của hậu bối.

2. Ý nghĩa gì khi hiện nay ra phim Lục Vân Tiên?

Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le. Ai ơi lẳng lặng mà nghe. Dữ răn việc trước, lành dè thân sau... Theo Lê Bảo Trung, thành viên trong tổ đạo diễn, các quan hệ thầy trò, cha con, vợ chồng, bạn bè thì đời nào chẳng có, chuyện nhân nghĩa thì đời nào chẳng lấy đó làm gương và ngược lại, tránh sự phản trắc.

3. Cũng lần đầu tiên Hãng phim TFS thực hiện phim cổ trang. Phim thu hút trên 2.000 diễn viên, gồm các vai có tên và không tên, các vai có trong nguyên tác văn học lẫn những vai hư cấu thêm.

Có hàng loạt người đẹp góp mặt như Hồng Ánh (Kiều Nguyệt Nga), Trương Ngọc Ánh (Võ Thể Loan), Mỹ Uyên (Kim Liên), Thân Thúy Hà (Ngọc Điệp)... Và dĩ nhiên sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến Chi Bảo (Lục Vân Tiên), Nguyên Vũ (Vương Tử Trực), Minh Đạt (Trịnh Hâm), Phước Sang (Bùi Kiệm) và Quyền Linh (Hớn Minh)...

Mỗi tuần phát sóng một tập (vào sáng chủ nhật, HTV7). Tính ra, bộ phim này phải phát sóng trong khoảng ba tháng rưỡi. Sao không phát sóng dồn dập hơn, ít ra như Ngọn nến hoàng cung đang phát ba buổi mỗi tuần khán giả mới dễ theo dõi? Hay là Hãng TFS thừa tự tin để kéo khán giả cùng đi ròng rã với Lục Vân Tiên?

4. Bộ phim khá bạo tay trong chỉnh sửa vài nhân vật so với nguyên tác. Đó là Võ Thể Loan của mỹ nữ Trương Ngọc Ánh trông thấy người đói dọc đường thì khéo léo đưa cho bị gạo, xem trọng lời giao ước trăm năm với Lục Vân Tiên mà song thân đã định, về sau chính Võ ông, Võ bà lật lọng (vì Vân Tiên bị mù) khiến Võ Thể Loan xấu hổ, ngượng ngùng. Theo êkip làm phim, đó là một đối trọng ngang sức với Kiều Nguyệt Nga, không so le nhau về tư cách, nên tình yêu giữa chàng Lục và nàng Kiều càng thêm sức nặng.

Còn Trịnh Hâm của Minh Đạt có một tố chất đáng nể: không thích dựa vào ô dù (dưỡng phụ là Trịnh thái sư) để nhờ nâng đỡ trong khi đi thi mà thích tự mình tạo ra. Nhưng cái tôi vị kỷ của Trịnh Hâm lại lớn đến mức... không chịu được thành công của người khác. Phân đoạn Trịnh Hâm thượng đài tỉ thí với Lục Vân Tiên, tung ám khí (mớ tóc băm nhỏ, ngâm nước tiểu, hơ lửa thành bột đặc sệt) vào mắt chàng Lục, xem mà nổi gai ốc.

5. Về hai vai chính, Chi Bảo đã gặt được thành công đáng kể nhất (từ ngày theo nghề diễn viên đến nay) với vai chàng trai họ Lục. Chẳng hạn trong phân đoạn Lục Vân Tiên hay tin mẹ tạ thế nơi quê nhà: nước mắt lưng tròng! Rồi cảnh tơi tả dưới mưa. Rồi cảnh ngọn đèn dầu leo lét trong gian phòng, một tô cháo được đem ra đặt trước mặt thế nhưng chàng Lục không hay biết gì, ánh sáng dần tắt trong mắt: cực điểm của bàng hoàng.

Hồng Ánh - Kiều Nguyệt Nga thì sao? Phân đoạn Kiều Nguyệt Nga vái lạy di ảnh Lục Vân Tiên trước ngày lên đường qua Phiên quốc: đôi mắt bần thần của nhân vật dễ khiến người chứng kiến, ngay lập tức, phải nao lòng.

Bài, ảnh: ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên