02/08/2008 10:02 GMT+7

Vài ký ức nhỏ về chú Sáu Dân

Theo LÊ HÙNG DŨNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo LÊ HÙNG DŨNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Thấy tôi cầm tờ báo có ảnh bìa của chú Sáu trầm tư mãi, đứa con trai tám tuổi của tôi hỏi: “Ba ơi, ông Sáu chết thật hay chết giả?”, tôi rớt nước mắt, mãi một lúc mới trả lời con: “Chết thật con ạ!”.

Như một nén nhang kính viếng hương hồn chúNgười thầy, người cha yêu kính của tôi

pCHjtqqn.jpgPhóng to
Thấy tôi cầm tờ báo có ảnh bìa của chú Sáu trầm tư mãi, đứa con trai tám tuổi của tôi hỏi: “Ba ơi, ông Sáu chết thật hay chết giả?”, tôi rớt nước mắt, mãi một lúc mới trả lời con: “Chết thật con ạ!”.

Nó lại hỏi tiếp: “Thế ông Sáu có lên trời không hay ông còn ở đây?”. Tôi không trả lời được vì quá nghẹn ngào, con tôi lại nói: “Ba lại khóc nữa rồi, ba thương ông Sáu lắm hả?”, “Ừ, nhiều người cũng thương ông Sáu như ba” - tôi đáp.

Tôi nghe danh chú Sáu từ thời hiệp định Paris năm 1973, (thời gian đó tôi đang công tác tại Ban cán sự học sinh - sinh viên thị ủy Long Xuyên - An Giang) qua việc Khu Ủy và Quân khu 9 - Tây Nam bộ mà chú là Bí thư cùng Tư lệnh Quân khu 9, Đại tá Lê Đức Anh đã đập tan cuộc bao vây, lấn chiếm vùng giải phóng Chương Thiện của 75 tiểu đoàn lính Việt Nam Cộng hòa với một quân số ít ỏi hơn rất nhiều lần.

Đó là một chiến tích quân sự lẫy lừng, một thắng lợi chính trị sáng chói, một tấm gương rực rỡ để chúng tôi ngưỡng mộ và học tập. Thời chiến thường xuất hiện những anh hùng, từ thời điểm 1973 đó, chú Sáu Dân đã được chúng tôi tôn vinh như những anh hùng, là một trong những lãnh tụ cách mạng mà tôi yêu quý kính trọng dù chưa hề gặp mặt.

Sau 30-4-1975, ba tôi là chủ nhiệm Công ty Du lịch TP.HCM - Sài Gòn Tourist (SGT), nên được có cơ hội làm việc dưới quyền chú Sáu lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản, rồi Bí thư Thành ủy. Ba tôi kể nhiều việc cụ thể về chỉ đạo của chú Sáu cho SGT thời đó mà ba tôi rất cảm động và khâm phục. Sài Gòn Tourist hồi đó được tiếp quản nguyên vẹn một cơ ngơi đồ sộ các khách sạn lớn của Sài Gòn từ 1-5-1975. Các ông chủ và nhân viên các khách sạn đã lần lượt bàn giao toàn bộ các cơ ngơi này cho chính quyền cách mạng “không thiếu một sợi tóc”, như ba tôi thường nói.

Cơ ngơi thì vậy nhưng còn con người thì sao? Có ý kiến cho rằng phải cho nghỉ việc tất cả cán bộ - công nhân viên đã từng làm việc tại các khách sạn này để đưa hầu như toàn bộ đội ngũ nhân sự từ miền Bắc vào tiếp quản, điều hành. Là người trực tiếp, ba tôi hiểu là không thể làm như thế được vì hai lẽ: năng lực và đạo lý. Ba tôi báo cáo lại vụ việc lên chú Sáu và đề xuất phương án: cán bộ chủ chốt của các khách sạn thì người của chính quyền mới, còn cán bộ nhân viên chuyên môn đều được sử dụng lại nếu họ muốn tiếp tục ở lại làm việc.

Chú Sáu hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy vì quan điểm phổ biến thời sau 1975 cho rằng phục vụ tại các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn quốc tế có liên quan đến ngoại giao và an ninh nên không thể sử dụng bất cứ người nào trong bộ máy cũ. Cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm này rất quyết liệt đến nỗi có nhiều người cho rằng ba tôi chuyên bảo vệ cho người chế độ cũ. Vì vậy phải nhờ đến ý kiến quyết định của chú: “kết hợp giữa hai lực lượng, bảo đảm duy trì tốt cơ sở vật chất và hoạt động của các hệ thống khách sạn”.

Nhờ quyết định này của chú, hàng trăm cán bộ nhân viên của SGT làm việc trước 1975 được lưu dụng tiếp tục, và họ đã làm việc rất tốt, coi chú như ân nhân cứu sinh. Đối với các chủ khách sạn chú cũng rất lưu tâm: cố Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình năm 1976 đã ký hiến tặng bàn giao toàn bộ Khách sạn Caravelle (sau này đổi tên là Khách sạn Độc lập) của Giáo hội cho chính quyền cách mạng. Ông bà Ưng Thi chủ Khách sạn Rex cũng vậy, nên chú Sáu thường xuyên nhắc ba tôi phải đến thăm Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và ông bà Ưng Thi (đã xuất cảnh đi Pháp) khi có điều kiện.

Năm 1979, sau chiến tranh biên giới giữa ta và Trung Quốc đã xuất hiện vấn đề “nạn kiều”. Lúc đó có ý kiến cho rằng để bảo đảm an ninh cho các khách sạn của SGT, nhất thiết phải cho số cán bộ - công nhân viên gốc Hoa thôi việc. Ba tôi không đồng tình nhưng sức ép rất lớn. Cuối cùng ba tôi phải báo cáo xin “lịnh” của chú Sáu vụ việc mới tạm yên. “Ông lại cứu được bao nhiêu người” - ba tôi nói.

Năm 1987, khi ba tôi nhận trách nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông đã đề ra cho Tổng cục Du lịch thực hiện bốn mục tiêu trong nhiệm kỳ của mình:

1. Đón được một triệu du khách nước ngoài từ các nước ngoài khối COMECON (do thời trước đó chủ yếu là khách từ các nước xã hội chủ nghĩa) để tăng thu ngoại tệ mạnh và thực hiện chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước.

2. Không chỉ các công ty du lịch nhà nước mà các doanh nghiệp khác kể cả tư nhân, nếu đủ điều kiện thì cũng được xét cấp phép làm du lịch.

3. Việt kiều về nước thăm thân nhân không bị bắt buộc phải mua và đi tour du lịch hai tuần của du lịch Việt Nam.

4. Người Việt Nam được đi du lịch ra nước ngoài kể cả các nước tư bản.

Bây giờ hơn hai mươi năm sau đổi mới thì mọi việc là bình thường nhưng vào thời điểm mới mở cửa năm 1987 thì những mục tiêu đó là quá sức đối với ngành du lịch Việt Nam, cái chính là do tư tưởng cái gì cũng sợ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Vì vậy đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ ngành du lịch và giữa ngành du lịch với các Bộ khác, giữa “cho” hay “không” vì ai cũng sợ trách nhiệm. Cuộc tranh luận này sẽ không bao giờ chấm dứt, có nghĩa là mọi việc vẫn như cũ nếu không nhờ vào sự quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của chú Sáu, thời đó đã là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng.

Chính từ sự quyết đoán về chủ trương cho phép ngành du lịch thực hiện được bốn mục tiêu đó và có các biện pháp cụ thể kèm theo của chú nên chúng ta không chỉ giải quyết được những vấn đề phát triển của du lịch Việt Nam mà quan trọng hơn là đã góp phần thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế và dân ta được hưởng một trong những quyền cơ bản của con người: được đi du lịch bất cứ nơi đâu mình muốn.

Tuy giữ trách nhiệm cao và luôn bận rộn, chú Sáu vẫn giữ cho mình hai thói quen: dù ở nơi đâu, cuối ngày làm việc từ 5 giờ chiều trở đi chú phải đánh vài ván tennis, thường thì đến 6 giờ 30 hoặc 7 giờ tối. Khi quá bận ít nhất cũng một ván 30 phút, để giữ sức khỏe và cũng là niềm vui. Trước đó chú hút thuốc khá nhiều và hay ốm lặt vặt, từ khi chơi tennis sức khỏe chú tốt lên hẳn. Thời gian khoảng năm 1993-1994 vào dịp hè chú hay đến Nha Trang nghỉ ngơi vài ngày cùng gia đình, anh em cảnh vệ và người thân.

Chính từ những dịp như vậy mà tôi may mắn hiếm hoi có được với chú hai kỷ niệm khó quên.

Tháng 6-1994, khi chú đến Nha Trang, trong chương trình có tiết mục tắm biển ở Hòn Tằm vì ở đó tương đối yên tĩnh và ít sóng, bãi biển nông. Khi tàu chạy cách Hòn Tằm khoảng 200m thì dừng lại đợi canô nhỏ trong bờ ra đón. Tôi thấy biển lặng và tương đối nông nên cởi đồ nhảy ùm xuống biển bơi vào bờ. Chú thấy vậy cũng “ùm” xuống biển luôn…

Quá bất ngờ, anh em cảnh vệ phải phóng “ùm, ùm”… bơi theo chú vào bờ. Không có cảnh tượng nào vui vẻ, náo nhiệt như vậy. Nhưng sau đó, anh em cảnh vệ cằn nhằn tôi làm cho họ một phen lên ruột và ướt hết quần áo vì không kịp chuẩn bị! Tôi cười và bảo: “Thì nghề của mấy ông là phải sẵn sàng mọi tình huống chứ, ông quá hiểu tính ông già rồi mà…”, “nhưng tiết mục này không có trong kịch bản”, “Ừ, thì ông già thỉnh thoảng có làm theo kịch bản đâu!”. Tôi đáp và anh em cười hòa với nhau.

Hôm đó, chúng tôi có một ngày vui vẻ hết cỡ: đàn hát, nhảy múa, kể chuyện tiếu lâm, nói tất cả chuyện tào lao trên đời… như bất kỳ một nhóm du khách bình thường nào. Mãi đến 5 giờ chiều, đoàn mới từ đảo quay về lại Nha Trang, ai cũng mệt đừ người nhưng chú vẫn giữ thói quen: tiếp tục đánh tennis đến 7 giờ tối, sau đó mới đi ăn. Ở Nha Trang hai hôm, chú và đoàn về lại Sài Gòn, trước khi chia tay, tôi hỏi chú “Tối mai chú có xem trận chung kết không?”, chú đáp “Nếu tụi bây đến thì tao xem”. Thế là OK luôn. Anh em cảnh vệ nhăn mặt.

Ai cũng biết tháng 6-1994, World Cup được tổ chức tại Mỹ, vào chung kết là hai đội Brazil và Ý, quả là một trận chung kết trong mơ, ai cũng háo hức chờ đợi nhưng vấn đề là giờ xem: Đúng 0 giờ 30 của ngày thứ Hai, mà hôm đó sáng chú phải chủ trì một phiên họp của Chính phủ và các địa phương tại dinh Thống Nhất vào 8 giờ sáng. Vậy mà 12 giờ khuya, chúng tôi 7-8 đứa kéo lục tục đến nhà 16 Tú Xương. Trận chung kết năm đó quá hay nhưng oái ăm ở chỗ: đá hai hiệp chính vẫn hòa, hai hiệp phụ vẫn hòa, phải đá phạt đền. Xong trận là đến gần 5 giờ sáng!

Đường dây 500KV ra đời kịp lúc đã cứu Sài Gòn và các tỉnh phía Nam thoát khỏi cảnh cúp điện triền miên, tác động hết sức tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội thành phố. Thế nhưng đằng sau thắng lợi to lớn đó có một chi tiết lạ mà ít người biết. Đó là sau khi kiểm tra tiến độ thi công thấy công trình đã về trước thời gian gần hai năm (dự kiến 4 năm) chú bàn tổ chức lễ mừng công thắng lợi toàn diện, kế hoạch là sau khi đấu nối thành công đường dây tại trạm Đà Nẵng thì một tuần sau đó sẽ tổ chức lễ tại dinh Thống Nhất. Mọi việc đã chuẩn bị xong.

Thế nhưng khi đấu nối thành công dòng điện 500KV tại Đà Nẵng, tôi điện ra xin ý kiến chú về thời gian tổ chức lễ thì chú bảo thôi không làm nữa vì có người sợ tốn kém kinh phí của Nhà nước. Tôi hết sức ngạc nhiên, suy nghĩ nhanh và nói với chú nếu như vì sợ tốn kinh phí của Nhà nước thì chú chỉ đồng ý chủ trương cho làm và thời gian, còn kinh phí tôi sẽ vận động các nhà tài trợ, coi đây là dịp thể hiện tấm lòng biết ơn và sự vui mừng của nhân dân thành phố vì từ đây không còn chịu cảnh cúp điện triền miên nữa. Thế là chú đồng ý.

Là một trong những người được dịp gần gũi chú trong thời gian khá lâu, tôi thấy từ sâu thẳm con người Võ Văn Kiệt rực rỡ ba điều. Một là người thông tuệ chính trị, nhìn xa trông rộng, luôn luôn đi trước, quyết đoán những điều mà không phải ai đương thời cũng đồng tình nhưng rồi thời gian cho thấy Võ Văn Kiệt luôn đúng. Nhớ Sài Gòn - TP.HCM và cả nước thời kỳ bao cấp u ám, mênh mông. Từ đòi hỏi của cuộc sống, Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo thành phố và sau này là Chính phủ vươn dậy, quyết tâm tìm mọi cách dứt khoát rũ bỏ cơ chế bao cấp, thoát khỏi cái nhục đói nghèo.

Ở Võ Văn Kiệt luôn bùng cháy những khát vọng nóng bỏng, không bao giờ ngừng nghỉ lo cho nước, cho dân, vì vậy ông luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi cái mới, cái phù hợp với lẽ sống và tác động để cuộc sống được phát triển như đúng con đường mà lẽ ra nó phải đi nếu không bị những lý luận giáo điều, bảo thủ, cản trở. Cuộc sống chúng ta có được ngày hôm nay là có sự đóng góp lớn của “kiến trúc sư” đổi mới Võ Văn Kiệt.

Thứ hai là ở Võ Văn Kiệt luôn tự nhiên toát ra một nhân cách mang hào khí Việt Nam, đậm đặc chất Nam bộ: hào hiệp, bộc trực, quảng giao, ít thứ bậc lễ nghi và một tấm lòng nhân hậu sâu sắc “thi ân bất cầu báo” luôn quan tâm sâu sắc, thật lòng tới mọi người. Một hôm chú gọi tôi đến, đưa một số tiền và bảo tìm mua một chiếc xe máy cho anh Phan Tường Vân, một quan chức chế độ cũ, sau năm 1975 làm cho công ty thương nghiệp quận Gò Vấp, TP.HCM, bị quy một số tội về quản lý phải đi tù.

Khi ra tù, anh và gia đình lâm vào cảnh tay trắng, hết sức khó khăn, anh đang cần một xe máy để chạy việc kiếm sống cho gia đình và lo cho mấy con đi học. Số tiền chú đưa dĩ nhiên là hoàn toàn không đủ nhưng rồi cuối cùng chiếc xe vẫn đến tay anh Phan Tường Vân trong nỗi vui mừng ngỡ ngàng và cảm động khôn xiết của anh và gia đình. Tôi biết nhiều, rất nhiều hoàn cảnh tương tự mà chú, với số thu nhập hết sức ít ỏi của mình đã tìm mọi cách chia sẻ, giúp đỡ họ hết lòng mong rồi họ sẽ sớm thoát khỏi những cảnh đời khốn khó.

Thứ ba là Võ Văn Kiệt không bao giờ toan tính điều gì cho riêng mình. Khi chú mất, tối 13-6-2008 anh em chúng tôi: cảnh vệ, thư ký, những người thân cận ngồi lại cùng nhau tại phòng anh Hồ Đức Việt ở nhà khách T78 để ôn lại những kỷ niệm. Trong nhiều năm tháng sống bên chú, hơn ai hết chúng tôi thấy rõ một điều: chú không có bất cứ một tài sản gì đáng giá của riêng mình. Tài sản lớn nhất là căn nhà 16 Tú Xương - Quận 3 sẽ được chuyển giao cho Thành ủy TP.HCM khi cô Phan Lương Cầm, phu nhân của chú sau này, không còn ở đấy nữa.

Mãi cho đến hôm nay, sau hơn một tháng ngày chú đột ngột ra đi, tôi vẫn chưa làm quen được cảm giác trong cuộc đời này lại bỗng thiếu đi tiếng nói, hình ảnh, nụ cười sảng khoái, đôn hậu của chú. Nhiều khi tôi cố nghĩ và thầm mong đây chỉ là một giấc mơ dài, một lúc nào đó, thức dậy lại sẽ thấy chú bên đời.

Hôm làm lễ truy điệu tại dinh Thống Nhất, tôi lặng lẽ trong hàng người đứng đó tiễn chú lần cuối. Nhiều lãnh đạo có mặt nhưng tôi quá xúc động khi thấy hai tiền bối cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đi từng bước khó khăn, đồng chí Lê Đức Anh ngồi trên xe lăn, đến viếng chú, lần cuối. Tôi khóc ròng như con trẻ, khóc trong nỗi đau mất mát và khóc trong niềm vui hạnh phúc vì tôi hiểu giá trị lớn lao của cuộc chia tay giữa ba con người này. Trong thời khắc thiêng liêng đó, cái chết có ý nghĩa đóng góp còn lớn hơn cho cuộc sống.

Hàng tuần, mỗi Chủ nhật tôi lại đến viếng chú ở nghĩa trang thành phố, trên phiến đá hoa cương đen tuyền phẳng phiu luôn đầy ắp những bó hoa của bao nhiêu người luôn yêu kính, tiếc thương tưởng nhớ chú. Tôi đứng đó, đứng mãi để mong tìm được câu trả lời cho câu hỏi của đứa con trai mới lên tám tuổi của tôi: “Ba ơi, ông Sáu có lên trời hay ông còn ở lại đây?”…

Và tin rằng có lẽ không chỉ một mình nó hỏi như vậy.

19-7-2008

Theo LÊ HÙNG DŨNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên