01/06/2017 14:45 GMT+7

​Vài điều cần biết về điều trị vô sinh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế

Vô sinh được định nghĩa là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai.

Có thể hiểu vô sinh là hiện tượng mất hay thiếu khả năng sinh sản xảy ra trong khoảng 10-15% các cặp nam nữ muốn có con.

Một cặp vợ chồng gọi là vô sinh nguyên phát nếu trong tiền sử họ chưa có thai lần nào. Nhưng nếu trong tiền sử họ đã có ít nhất một lần mang thai, sinh, sẩy hoặc phá thai kế hoạch, rồi quá thời hạn một năm sau đó muốn có thai mà vẫn không có thai trở lại gọi là vô sinh thứ phát.

Vô sinh có thể là nguyên phát với người vợ hay với người chồng hay với cả chồng và vợ. Tương tự như vậy, vô sinh có thể là thứ phát đối với người chồng và người vợ hoặc cả hai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của vô sinh vô cùng phức tạp. Việc chẩn đoán nguyên nhân đòi hỏi một quá trình thăm khá tỉ mỉ, kết hợp với những xét nghiệm thăm dò phong phú, chính xác. Với vô sinh nguyên phát cần chú ý đến noãn và tinh trùng. Với vô sinh thứ phát, cần chú ý đến tắc nghẽn vòi trứng.

- Đời sống và thói quen: Rượu có tác hại đến thai nhi. Nam giới uống rượu quá nhiều sẽ làm giảm khả năng sinh sản. Nữ hút thuốc lá nhiều sẽ bị giảm khả năng thụ thai và sớm mãn kinh. Ở nam, thuốc lá cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phụ nữ quá béo phì thường bị chứng không rụng trứng, và nếu có rụng trứng sẽ ít khả năng thụ thai.

- Những yếu tố gây vô sinh ở phái nữ: Bất thường trong chu kỳ rụng trứng, bất thường trong ống dẫn trứng và lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra những yếu tố sau đây có thể làm khó thụ thai hoặc dễ hư thai: tuổi trên 37, u xơ tử cung, bướu trong tử cung và bất thường cấu trúc tử cung.

Chẩn đoán

- Đối với nam giới:

Nam giới nên được xét nghiệm máu tổng quát và đo lượng hormone tetosterone, FSH, làm tinh dịch đồ để kiểm tra.

Tinh trùng yếu hay ít có thể do: thiếu hormone nam, ảnh hưởng kim loại nặng, ảnh hưởng sức nóng quá độ, dùng rượu hay thuốc lá quá độ, có tiền sử bị quai bị làm viêm tinh hoàn, các bệnh đường sinh dục làm tắc nghẽn ống dẫn tinh, khuyết tật bẩm sinh, đã triệt sản và không nối lại được...

- Đối với nữ giới:

Đối với nữ giới nên xét nghiệm máu, theo dõi chu kỳ hệ nội tiết sinh dục, siêu âm và chụp X quang, xét nghiệm tổng quát cơ thể, hệ thống sinh dục và nội soi để xét nghiệm kiểm tra tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.

Điều trị

- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI: intrauterine insemination) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản khá giản đơn, ít tốn kém về chi phí và thời gian hơn. Quy trình thực hiện: theo dõi chu kỳ của người nữ bằng thử nghiệm máu và siêu âm định kỳ.

Khi ngày rụng trứng được tiên đoán, lấy tinh trùng từ người nam bơm theo ống đưa thẳng vào tử cung. Phương pháp này dành cho những trường hợp cổ tử cung có chất nhờn làm chết tinh trùng, tinh trùng yếu hoặc ít.

- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF: In vitro fertilization) là biện pháp được áp dụng khi cơ quan sinh sản phụ nữ không đảm bảo khả năng. Để có thể hoàn tất việc thụ tinh với một noãn trong môi trường nhân tạo, phải có 50.000-100.000 tinh trùng di động sau khi lọc rửa. Như vậy, số tinh trùng di động trong mẫu tinh dịch ban đầu phải đạt tối thiểu 5 triệu.

Do đó, phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp thiểu năng tinh trùng mức độ vừa hoặc nặng, đã thất bại với nhiều lần tiến hành bơm tinh trùng vào tử cung.

- Tiêm tinh trùng vào trứng (ICSI: Intracytoplasmic sperm injection) một số trường hợp vô sinh là do tinh trùng không hoặc khó có thể xâm nhập và đục xuyên vỏ của trứng để kết hợp với nhân trứng. Lý do cho hiện chứng này do: tinh trùng ít, yếu, không di động nhanh và đủ mạnh hoặc trứng người nữ lớn tuổi vỏ dày cứng hơn.

Kỹ thuật ICSI là một phần riêng của IVF. Quy trình thực hiện: trứng được lấy ra và giữ trong dung dịch bằng một ống hút. Tinh dịch được rửa và chuẩn bị. Dùng một ống hút cực nhỏ hút một tinh trùng vào ống. Sau đó chích tinh trùng vào bên trong trứng, nuôi trứng trong dung dịch ống nghiệm và theo dõi sự phát triển của tế bào.

- Thuốc hỗ trợ sinh sản (A.R.T Assisted Reproductive Technology) bao gồm một loại thuốc ngăn cản việc tiết hormone sinh dục nữ (để kích thích thân nhiệt và sự rụng trứng).

Nên uống thuốc vào giữa ngày thứ 2 và thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt. Nếu thuốc không có tác dụng, có thể thử tiêm loại thuốc khác có chứa các hormone khác (như gonadotropins).

Sau khi trứng rụng, siêu âm và xét nghiệm máu sẽ được tiến hành. Và dĩ nhiên, để nâng cao khả năng có thai, nên quan hệ tình dục thường xuyên (ít nhất là 1 lần 1 tuần)…

Nếu sau khoảng 9 lần điều trị (lần lượt với cả 2 loại hormone), mà vẫn chưa có thai, nên tiếp tục các biện pháp khác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên