04/06/2009 10:19 GMT+7

Văcxin chống ung thư cổ tử cung cho tất cả phụ nữ?

HƯƠNG GIANG (từ Seoul)
HƯƠNG GIANG (từ Seoul)

TTO - Các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về virus HPV, loại virus gây ung thư cổ tử cung, gặp nhau tại Seoul (Hàn Quốc) với tham vọng cứu sống hàng trăm ngàn phụ nữ trên thế giới đang nhiễm virus này. Nhưng cơ hội của họ đến đâu?

Căn bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới

Cứ mỗi hai phút lại có một phụ nữ trên thế giới qua đời vì ung thư cổ tử cung, khiến tổng số phụ nữ chết vì căn bệnh này lên tới 250.000 người mỗi năm. Tuy có mức độ nguy hiểm như vậy, nhưng không phải ai cũng biết rằng virus HPV (ở VN còn được gọi là virus sùi mào gà) là virus quan trọng nhất gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và ung thư hậu môn.

Đặc biệt, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung do HPV gây ra ở các nước đang phát triển cao hơn những nước phát triển. Lý do căn bản nhất, theo TS Linda Eckert từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là những nước phát triển có điều kiện áp dụng các biện pháp phát hiện sớm và điều trị sớm hơn những nước nghèo.

3l5SrF6H.jpgPhóng to
Biểu đồ cho thấy ung thư cổ tử cung phổ biến hàng thứ hai trong phụ nữ châu Á và có tỉ lệ tử vong cao thứ tư, sau ung thư phổi, dạ dày và ung thư vú

Virus HPV lây truyền trên bề mặt da (từ da tới da, không qua đường máu) qua đường tình dục và trong hơn 100 loại, HPV loại 16 và 18 được coi là “ngôi sao” gây ung thư cổ tử cung. 80% trường hợp ung thư cổ tử cung do hai loại HPV này gây ra. HPV 6 và 11 cũng nằm trong nhóm có khả năng gây ung thư cao hơn các loại còn lại.

Theo TS Jeffrey Partridge - nhà nghiên cứu của Viện Văcxin quốc tế (IVI), ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới, cho đến nay 10% dân số toàn cầu nhiễm bệnh này, trong đó bao gồm 22% dân số châu Phi và 8% châu Á nhiễm virus HPV. Ở VN, ung thư cổ tử cung cũng là căn bệnh ung thư phổ biến thứ hai trong nữ giới, chỉ sau ung thư vú.

Giá văcxin còn đắt

WHO dự báo đến năm 2025 số người chết vì ung thư cổ tử cung sẽ tăng gấp bốn lần, lên tới 1 triệu người mỗi năm. Sau nhiều năm nghiên cứu, hai công ty GlaxoSmithKline và Merck đã sản xuất thành công văcxin phòng chống virus HPV.

Văcxin Cervarix (chống HPV loại 16 và 18 do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất) được cấp phép ở trên 70 nước vào năm 2007 và một năm trước đó, văcxin Gardasil (chống HPV6, 11, 16, 18 do Công ty Merck sản xuất) cũng được trên 100 nước cấp phép lưu hành. Hiện nay cả hai loại văcxin chống HPV đều đã có mặt tại VN.

Hội nghị đầu tiên về virus HPV ở khu vực châu Á-TBD và Trung Đông do Viện Vắc-xin Quốc tế (IVI) tổ chức trong hai ngày 1 và 2-6-2009 tại Seoul (Hàn Quốc), quy tụ hơn 100 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới và đại diện các công ty sản xuất vắc-xin. VN cũng có đại diện tham gia đến từ Bộ Y tế và Viện Vệ sich Dịch tễ quốc gia.

Tuy nhiên, tham vọng đưa văcxin HPV vào chương trình tiêm chủng quốc gia của các nhà nghiên cứu tại hội nghị đầu tiên về HPV của khu vực châu Á-TBD và Trung Đông do IVI tổ chức ngày 1-6 tại Seoul dường như còn một quãng đường dài dù văcxin phòng bệnh đã có.

Trước hết, giá hai loại văcxin này rất đắt. Ở Mỹ, một mũi văcxin Gardasil có giá 120 USD, ở Trung Quốc 200 USD, ở VN là 1,9 triệu đồng. Mỗi người phải tiêm đủ ba mũi. Dù ở đâu giá thành như vậy cũng là rào cản khó vượt qua đối với từng cá nhân nói riêng và ngân sách nhà nước nói chung.

“Liệu bao giờ thì có thể hạ giá thành xuống còn một, hai USD một mũi?” - một nhà báo đến từ Ấn Độ hỏi TS Xavier Bosch. TS Bosch hiện là một trong những nhà khoa học hàng đầu về HPV và thường xuyên đi thuyết trình khắp nơi trên thế giới ngoài thời gian nghiên cứu tại Viện Ung thư Catalan ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ông cười và nói: “Chúng tôi cũng đang cố làm điều đó”.

Giám đốc IVI, TS John Clements, tỏ ra thông cảm hơn với các công ty sản xuất văcxin: “Các loại văcxin thế hệ mới đắt hơn văcxin thế hệ cũ, vì ngày nay để nghiên cứu và sản xuất một loại mới rất tốn kém, thường phải mất 300-400 triệu USD”. Đại diện Công ty Merck sản xuất văcxin Gardasil cũng nói: “Với các nước đang phát triển, chúng tôi bán văcxin ở mức không có lợi nhuận”.

uAaMQnnJ.jpgPhóng to
Phòng thí nghiệm nghiên cứu văcxin của IVI có công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới

Phần lớn các nước đã có chương trình ngân sách quốc gia cho văcxin HPV đều là các nước phát triển như Úc, New Zealand…

Vì virus HPV lây lan qua đường tình dục nên để phòng ngừa, các em gái cần được tiêm chủng trước khi có hoạt động tình dục. Nhiều người lo ngại điều đó có thể dẫn đến sự ngộ nhận là đã có văcxin thì có thể quan hệ tình dục bừa bãi.

Thực tế, văcxin Cervarix và Gardasil chỉ có thể ngừa ung thư cổ tử cung chứ không thể phòng bệnh AIDS hay các bệnh khác lây qua đường tình dục.

Một khó khăn to lớn mà các nhà cung cấp dịch vụ y tế tại các nước đang phát triển gặp phải là băn khoăn từ các bậc phụ huynh. Họ không hiểu tại sao con cái họ chưa có quan hệ tình dục phải tiêm loại văcxin này, và nếu tiêm thì hiệu quả kéo dài bao lâu cũng như có rủi ro hay không.

Tuy nhiên, do văcxin HPV còn quá mới mẻ và thế giới chưa có hồ sơ dữ liệu đầy đủ về virus HPV, trong khi đó thời gian từ lúc nhiễm HPV tới lúc phát bệnh có thể kéo dài vài thập niên, nên khoảng thời gian văcxin HPV kéo dài hiệu lực chưa được biết rõ. Tuy vậy, văcxin chống HPV được WHO coi là an toàn.

Mặc dù đã có vài ca tử vong trên thế giới trong thời gian sau khi tiêm văcxin, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nguyên nhân gây tử vong trực tiếp do văcxin. TS Linda Eckert từ WHO cho biết WHO ngay lập tức sẽ công bố rộng rãi nếu có nghi ngờ về tính an toàn của hai loại văcxin Cervarix và Gardasil.

HƯƠNG GIANG (từ Seoul)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên