Với phương án thi đấu mới, các trận đấu giai đoạn 1 cũng sẽ quyết liệt - Ảnh: NAM KHÁNH
Sáng 13-5, tại hội nghị ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần 6, khóa 8 (nhiệm kỳ 2018-2022), các thành viên đã bỏ phiếu tán thành phương án điều chỉnh lịch và thể thức thi đấu của V-League 2020.
Chia nhóm thi đấu trong giai đoạn 2
Ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký VFF, cho biết do giải đấu đã tạm dừng nên nếu V-League đá theo phương án cũ (hai lượt đi - về với 26 vòng đấu) thì giải không thể kết thúc trước ngày 31-10. Nếu giải kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các CLB, trong đó có việc họ phải gia hạn hợp đồng với cầu thủ. Ngoài ra, tháng 11 do đội tuyển Việt Nam phải chuẩn bị cho AFF Cup 2020, nếu giải đấu không thể kết thúc sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của đội tuyển.
Vì vậy, V-League 2020 sẽ phải thực hiện theo phương án thi đấu mới để đảm bảo đủ thời gian tổ chức giải. Cụ thể, giai đoạn 1 các đội sẽ thi đấu 13 trận như cũ. Sau khi kết thúc, 8 đội đứng đầu bảng xếp hạng sẽ được chia vào nhóm A, 6 đội cuối bảng xếp hạng sẽ chia vào nhóm B để thi đấu theo nhóm.
Vào giai đoạn 2 khi thi đấu theo nhóm, toàn bộ điểm số ở giai đoạn 1 sẽ không còn giá trị. Các đội nhóm A dự kiến đá thêm 7 vòng với 28 trận để tranh vị trí 1-2-3. Các đội nhóm B dự kiến đá thêm 5 vòng để giành suất trụ hạng. V-League 2020 sẽ chỉ có một đội xuống hạng thay vì 1,5 như phương án cũ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Hoài, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), cho biết: "Lịch thi đấu cụ thể trong giai đoạn 2 của V-League khi chia nhóm, đá ở sân nhà - sân khách hay tập trung chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Trong ít ngày tới VPF sẽ có thông báo cụ thể để các CLB chuẩn bị. Riêng phương án cho khán giả đến sân hay không khi giải đấu trở lại sẽ do ban tổ chức các địa phương có sân quyết định".
Cảnh giác với tiêu cực
Về việc tổ chức V-League theo phương án thi đấu mới của V-League 2020, HLV Phan Thanh Hùng (CLB Than Quảng Ninh) chia sẻ: "Do khó người, khó ta nên việc của các CLB lúc này là phải bắt tay ngay vào chuẩn bị cho giải đấu. Với CLB Than Quảng Ninh, cầu thủ phải nghỉ thi đấu đến 50 ngày vì dịch bệnh, mới trở lại tập hôm 4-5 và đến 24-5 đã phải thi đấu. Thời gian chuẩn bị ngắn nên lo ngại nhất là cầu thủ có khả năng bị chấn thương. Với phương thức thi đấu mới, 11 trận còn lại của giai đoạn 1 cũng sẽ vô cùng quyết liệt".
Trong khi đó, lãnh đạo một CLB khác nhận định: "Trước đây, nếu đá 26 vòng, cơ hội của các CLB còn nhiều, nhưng nay chỉ có 13 vòng rồi chia nhóm thì ba đội đứng cuối bảng xếp hạng hiện nay sẽ vô cùng khó khăn. Thực tế chỉ còn 11 vòng nữa sẽ phải chia nhóm nên có thể đến lượt trận 8-9 những đội đủ điểm vào top 8 đội đứng đầu sẽ nhường điểm để cứu các đội xếp thứ 9, 10.
Vào đến vòng chia bảng, các đội không có mục tiêu vào top 3 đôi khi không cần đá nhiệt tình bởi chắc suất trụ hạng. Trong khi đó nhóm 6 CLB ở nhóm B, tranh suất trụ hạng sẽ "quần" nhau rất mệt. Đá theo thể thức mới lỏng lẻo và dễ có tiêu cực hơn phương thức cũ. Do vậy VPF, VFF phải có cách phòng chống tiêu cực".
Một đội ở Giải hạng nhất 2020 thăng hạng
Tương tự, ở Giải hạng nhất các đội sẽ đá lượt đi như bình thường. Đến giai đoạn 2, sáu đội đứng đầu bảng xếp hạng sẽ chia vào một nhóm để tranh vị trí 1-2-3. Sáu đội còn lại sẽ tranh vị trí trụ hạng, mùa giải 2020 hạng nhất sẽ chỉ có 1 suất thăng hạng lên V-League 2021.
Giữ nguyên kế hoạch thi đấu như cũ, theo kế hoạch, ngày 23-5 Cúp quốc gia sẽ khai mạc với trận mở màn là Dược Nam Hà Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai trên SVĐ Thiên Trường.
VFF giảm 6% nguồn thu
Do dịch COVID-19, VFF cho biết 6% nguồn thu trong năm 2020 sẽ bị giảm. Trước khó khăn về tài chính, VFF cho biết sẽ tổ chức đại hội thường niên thay vì tháng 12 thì sẽ tổ chức vào tháng 8 tới. Hội nghị này sẽ bầu bổ sung vị trí phó chủ tịch tài chính VFF - ghế đã bị bỏ trống 1 năm nay sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận