21/07/2006 00:00 GMT+7

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

PV
PV

TT - HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010.

kRRtYGf1.jpgPhóng to
Hà Nội sẽ được mở rộng theo hướng bắc, nam sông Hồng - Ảnh: Xuân Long
TT - HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010.

Nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch của Hà Nội là tập trung đầu tư xây dựng và phát triển thủ đô thành một đô thị văn minh, hoàn thành cơ bản ba đường vành đai 3, ba cầu lớn qua sông Hồng, triển khai xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị, tiếp tục xây dựng phát triển các khu đô thị mới hiện đại về phía nam, triển khai đầu tư khu đô thị mới ở tây hồ Tây, lập kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ. Bên cạnh đó là tập trung xây dựng các khu đô thị mới ở bắc sông Hồng, triển khai dự án thoát nước giai đoạn II. Huy động xây dựng và đưa vào vận hành năm nhà máy xử lý nước thải tập trung cho khu vực nội thành.

Một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu đến 2010:

+ Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm từ 2006-2010 đạt 11-12%.

+ Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 15-17%/năm.

+ Tăng trưởng vốn đầu tư xã hội: 17-20%/năm.

+ Mật độ điện thoại 85-95 máy/100 dân.

+ Qui mô dân số từ 3,6 triệu tới 3,7 triệu người.

+ Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%.

+ Nhà ở đô thị bình quân đầu người 9-10m2.

+ Cấp nước sạch đô thị 140-160 lít/người/ngày đêm.

+ Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu của nhân dân.

Bên cạnh những dự án quan trọng trên, Hà Nội tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ là: du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, KHCN, y tế, giáo dục đào tạo, vận tải công cộng và dịch vụ tư vấn.

Về du lịch: Chú trọng xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch và tạo các sản phẩm du lịch phong phú. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch công vụ và du lịch hội nghị. Khôi phục tôn tạo một số làng cổ, làng nghề thành làng du lịch. Đầu tư xây dựng thêm khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao, bảo đảm đến năm 2010 đón 2 triệu khách du lịch quốc tế. Hoàn thành trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ cho thuê 65 tầng.

Đến năm 2010 trên địa bàn thủ đô có 60 TTTM, siêu thị đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến trong khu vực, bảo đảm lưu chuyển hàng hóa đạt 30% tổng khối lượng hàng hóa lưu chuyển trên toàn địa bàn.

Hà Nội hiện đang chuẩn bị khởi công xây dựng khu triển lãm, hội chợ, TTTM Bắc Sông Hồng và một sàn giao dịch hàng hóa. Phấn đấu tăng doanh thu từ du lịch bình quân 16-18%/năm; lượng khách quốc tế tăng 12%/năm. Đến năm 2010 tiếp 7 triệu khách (trong đó có 2 triệu khách nước ngoài).

Về KHCN: Tập trung xây dựng khu công nghệ Nam Thăng Long, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm thông tin khoa học kỹ thuật và chợ công nghệ; nâng cấp Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ thành phố. Hoàn thành phát triển CNTT do Ngân hàng Thế giới tài trợ đảm bảo hạ tầng cơ bản phát triển công nghệ.

Thành lập Trung tâm giao dịch công nghệ Hà Nội và sàn giao dịch công nghệ ảo, Quĩ phát triển khoa học công nghệ của thành phố; nghiên cứu xây dựng đề án công viên khoa học và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghệ cao Hà Nội; khuyến khích các thành phần kinh tế, DN đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ KHCN, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ.

Đối với ngành y tế: Thành phố ưu tiên phát triển dịch vụ chất lượng cao trong khám chữa bệnh; phấn đấu hoàn thành các cơ sở khám chữa bệnh dịch vụ cao như: dự án xây dựng Bệnh viện Kwang Myung 1.000 giường của Hàn Quốc tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Trung tâm điều trị ung bướu.

Giáo dục - đào tạo: Thành phố sẽ đầu tư xây dựng một số mô hình giáo dục trình độ cao ở bậc THPT, giáo dục chuyên nghiệp; tập trung xây dựng từ 1-3 trường trung cấp chuyên nghiệp ngang tầm khu vực về qui mô, trang thiết bị và chất lượng đào tạo; xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao, mở rộng đào tạo nghề... bảo đảm năm 2010 đạt tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 55-65% tổng số lao động.

Dịch vụ vận tải công cộng: Đặt mục tiêu vận chuyển 650 triệu lượt khách/năm, 24 triệu lượt khách/năm đi liên tỉnh. Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT xây dựng mới tuyến Yên Viên qua cầu Thanh Trì - Ngọc Hồi; khai thác tuyến giao thông thủy trên sông Hồng, sông Đuống; nâng cấp, kết hợp xây dựng mới các cảng trên sông Hồng gồm: cảng Hà Nội, Khuyến Lương, Chèm và bến Bát Tràng... Trong kế hoạch, Hà Nội ưu tiên đầu tư cho các quận mới thành lập, khu ngoại thành. Phối hợp với Bộ GTVT hiện đại hóa ga Hà Nội, cải tạo ga hàng không Nội Bài.

Giải pháp phát triển: Chuẩn bị điều kiện thực hiện các cam kết về dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN - WTO; xây dựng đề án phát triển bốn loại thị trường gồm: thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường KHCN và thị trường lao động; xây dựng cơ chế và chủ động hợp tác giữa Hà Nội với các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố cả nước; tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, các chính sách đầu tư cho các DN phát triển dịch vụ.

Thành phố tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng trên 30% vốn bằng nguồn FDI; tận dụng có hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thông qua các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại thủ đô và các chương trình hợp tác của Hà Nội với các thành phố lớn trên thế giới nhằm mở rộng thị trường dịch vụ chất lượng cao và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực.

Thành phố thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN; giúp các DN xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu; khuyến khích và tôn vinh các DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Cam kết hằng năm tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ giữa chính quyền thành phố và DN để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô.

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên