Kỳ 1: 2.000 ngày kết nối một ước mơ
![]() |
Đây sẽ là một trong những tấm ảnh cuối cùng về cảnh chờ phà trên bến phà Cần Thơ? - Ảnh: C.Quốc |
Nỗi niềm “gần mà xa”
Số liệu của cụm phà Hậu Giang cho thấy vào thời điểm hiện nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 8.000 lượt ôtô, 30.000 lượt môtô và 60.000 hành khách qua lại phà Cần Thơ. Năm 2004, khi tình trạng kẹt xe tại phà Cần Thơ còn chưa gay gắt như hiện nay, các nhà kinh tế đã ước tính mỗi ôtô khi vượt sông Hậu bằng cầu Cần Thơ sẽ nhanh hơn so với đi phà khoảng 32 phút, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 12.394 đồng (thời giá năm 2004). Còn theo ước tính mới nhất của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, sau khi thông cầu Cần Thơ (24-4-2010), thời gian vượt sông sẽ rút ngắn so với đi phà trung bình khoảng 60 phút/xe. |
Nói về chuyện kẹt phà Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Phương, nguyên cán bộ phòng kỹ thuật Khu cầu đường Tây Nam bộ, khái quát: “Thời chiến tranh chính quyền Sài Gòn đã đầu tư một số phà sắt hai đầu loại 100-200 tấn. Sau giải phóng mình nghèo nên cứ lấy đó mà sử dụng, chừng phà hư hỏng thì lấy cái này chắp vá qua cái kia, có khi máy của Tiệp mà thay phụ tùng của Liên Xô, Đức.
Dạo đó phà Cần Thơ có tới bảy chiếc loại 100 tấn nhưng phải nằm bến gần hết, chỉ hoạt động 1-2 chiếc. Rồi người ta còn tiết kiệm nhiên liệu ra định mức dầu nhớt mỗi ngày, nên tài công cứ kéo giãn giờ phà chạy. Sang những năm đổi mới, tình hình có khá hơn.
Nhờ Chính phủ Đan Mạch tài trợ, mình đóng mới, nâng cấp được 4-5 chiếc phà Việt-Đan theo tiêu chuẩn hiện đại, thời gian vượt sông rút xuống có khi chỉ độ 15 phút, nhưng rồi số lượng hành khách và phương tiện qua sông tăng nhanh quá nên chẳng mấy chốc lại rơi vào tình trạng ùn tắc.
Đó cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn cư dân đôi bờ sông Hậu. Từ khi cầu Cần Thơ hợp long, sáng nào ông Nguyễn Tấn Hưng (Ba Hưng), 87 tuổi (ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cũng lội bộ gần 2km băng qua Khu công nghiệp Bình Minh đang định hình để ngắm cầu Cần Thơ.
Thoạt đầu người ta cứ tưởng ông già tuổi cao nên bị đãng trí, vì đi bộ mà lúc nào ông cũng... đội mũ bảo hiểm, cài dây rất nghiêm túc. Chừng nghe ông giải thích mọi người mới bật ngửa: “Tui thủ sẵn để khi nào gặp người quen thì năn nỉ họ chở lên cầu cho đã thèm, lỡ khi cầu làm xong mình theo ông bà, chưa kịp đi qua bận nào thì uổng lắm”!
Ông Ba Hưng nguyên là chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Mỹ Hòa giai đoạn 1947-1949. Là người hiếm hoi gắn bó với vùng đất này từ lúc chào đời, trải qua hai cuộc kháng chiến rồi tiếp tục công tác tại địa phương cho tới lúc nghỉ hưu, ông được nhiều người xem như một pho sử sống.
Ông Ba Hưng chậm rãi kể: “Từ đây ngó qua Cần Thơ thấy vậy mà... xa vời vợi, bởi vì muốn qua phà phải đợi 3-4 giờ. Cho nên ai có việc phải đi thì cứ bao đò từ bên này sang, hoặc bốc điện thoại gọi đò dọc bên Ninh Kiều, cồn Ấu đưa đón, mỗi lượt đi tốn 30.000 đồng. Nhiều hôm gặp dông khói đèn (dông có mây đen - PV), sợ lật ghe phải quay trở vô chờ qua cơn dông mới dám đi. Bây giờ cầu đã xây xong, đứng bên này nhìn qua sao thấy gần quá, vù một cái đã sang tới Cần Thơ. Ao ước của tôi hồi thanh niên, bây giờ tới đời cháu, đời chắt mới thành sự thiệt”.
Chia tay ám ảnh “lụy đò”
“Nói đến chuyện đợi phà là tui nổi gai ốc. Từ bên này ngó qua bên kia sông chỉ nửa tầm mắt mà nhiều lúc phải đợi ròng rã ba, bốn giờ mới qua được. May mà khổ ải trần thân cũng sắp đến hồi kết rồi” - ông Ba Nô, chủ doanh nghiệp vận tải Kim Mai (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cũng là tài xế chiếc xe khách 51 chỗ đang “rồng rắn” xếp hàng ở bờ Cần Thơ để chờ qua phà, than thở vậy.
Hơn 30 năm lái xe đưa đón khách từ Cần Thơ đi các tỉnh thành phía Bắc và ngược lại, ông đã không ít lần đối mặt với hiểm nguy khi buộc phải chinh phục những con đèo, khúc cua “tử thần” trong điều kiện sương mù dày đặc hay bóng tối bủa vây. Nhưng điều khiến ông ngao ngán nhất là chuyện đợi phà qua sông.
Đi mãi, đợi mãi rồi Ba Nô cũng thuộc như lòng bàn tay trên quốc lộ 1A, từ Nam ra Bắc có bao nhiêu bến phà. Bến nào bị kẹt nhiều nhất, muốn tránh kẹt thì phải đi vào thời gian nào trong ngày. Chẳng hạn như bến phà sông Gianh (Quảng Bình). Tuy sông không rộng lắm nhưng chỉ có vài ba chiếc phà, mỗi chiếc chỉ chở được hai xe loại 51 chỗ. Chưa nói đường dẫn làm bằng bêtông “chết” một chỗ, không nổi được theo con nước, nên lên xuống lơ là xe bị “cạ đuôi” ngay.
Bến này kẹt xe 6-7 giờ là “chuyện thường ngày”. May là khoảng giữa năm 1999 cầu Sông Gianh đã đưa vào hoạt động. Năm 2000 đến lượt cầu Quán Hàu (bắc qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình), rồi cầu Mỹ Thuận được bắc. Mọi sự phiền hà lại đổ vào phà Cần Thơ. Cố tránh giờ cao điểm kẹt phà phía bờ Cần Thơ vào các ngày cuối tuần, từ chiều thứ sáu đến trưa thứ bảy do người ta đổ lên Sài Gòn chơi, nhưng Ba Nô cũng như hàng trăm, hàng ngàn lái xe khác vẫn chưa thoát cảnh qua sông lụy phà.
Cùng tâm trạng như ông Ba Nô, ông Sáu Khoa, 42 tuổi, lái xe chở hàng cho doanh nghiệp vận tải Sông Tiền (An Giang), thường xuyên chạy tuyến miền Tây - Hà Nội, ngao ngán: “Thường thì tôi phải canh làm sao cho tới phà Cần Thơ 4 giờ sáng để qua phà cho lẹ, vậy mà nhiều khi mãi đến 6-7 giờ mới qua được tới Bình Minh. Bận nào vô được Sài Gòn cũng đúng giờ tan tầm, lại nhồi thêm một cú kẹt nữa. May mà cầu Mỹ Thuận đã có, chứ còn như xưa thì có nước giải nghệ.”
Điệp khúc “qua sông lụy phà” cứ tiếp nối từ ngày này sang ngày khác, là nỗi ám ảnh đối với hành khách và lái xe. “Những ngày qua cánh lái xe tụi tôi đếm ngược từng ngày. Giờ khắc mong đợi suốt hơn chục năm qua, giờ thì con đường thiên lý Bắc - Nam đã sắp thông rồi. Từ nay mình có thể chạy xe một mạch từ địa đầu Đồng Đăng về tới đất Mũi Cà Mau mà không còn phải chịu cảnh mòn mỏi đợi phà nữa rồi. Chú em thấy có gì sướng bằng” - Ba Nô nói như vừa trút được một gánh nặng quá tải trên đôi vai ông.
Và chúng tôi chợt nhận ra: ước mơ của người lái xe xuyên Việt, ước vọng đời người của ông lão ở tuổi cổ lai hi, cũng như chuyện đi lại, vượt sông của bao thế hệ cư dân đôi bờ sông Hậu đang đến rất gần.
------------------------------------------------
Nếu giới báo chí, người làm văn nghệ thích dùng những mỹ từ thì với người dân hai bên bờ sông Hậu, ý nghĩa của cầu Cần Thơ được nói một cách giản đơn: “Ừ, thì nó mở hướng ra để mình làm ăn phát đạt”. Ấy là ước mơ giản dị và chân thành nhất mà vùng đất này đang đặt trọn cho cơ hội “cầu Cần Thơ”!
Kỳ tới:Mở hướng làm ăn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận