18/04/2010 06:01 GMT+7

Kỳ 1: 2.000 ngày kết nối một ước mơ

TẤN ĐỨC - DƯƠNG THẾ HÙNG
TẤN ĐỨC - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Ông Lư Văn Điền, nguyên bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ giai đoạn 1992-2000 nhớ lại: “Cuối năm 1992, khi Cần Thơ lên đô thị loại 2, một số cán bộ lãnh đạo ở trung ương và địa phương khi qua phà Cần Thơ, chứng kiến việc đi lại khó khăn đã nói vui với nhau rằng: Mai mốt đi phà sẽ mang theo nồi nấu cơm ăn để tiết kiệm thời gian. Lại có người lóe lên suy nghĩ: Hay là làm hầm xuyên qua sông như các nước phương Tây? Nhưng tính toán lại thấy không khả thi vì trình độ của ta lúc ấy không đáp ứng nổi yêu cầu kỹ thuật, chưa kể chi phí đầu tư sẽ rất khổng lồ”.

pVj1XwHl.jpgPhóng to
Kỹ sư trưởng gói thầu số 2, ông Yukio Fukui (trái) bày tỏ niềm vui ngày hoàn thành cầu Cần Thơ - Ảnh: Tấn Đức

Khát vọng trăm năm

Giữa tháng 10-1993, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ đã trình lên Bộ Xây dựng ý tưởng xây cầu Cần Thơ (lúc ấy gọi là cầu Sông Hậu). Được trung ương “bật đèn xanh”, Cần Thơ khẩn trương huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước tham gia xây dựng các phương án xây cầu Sông Hậu qua thành phố Cần Thơ.

Phương án ưu tiên là xây cầu ở Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km. Phương án này cùng với hai phương án phụ là xây cầu ở phường Trà Nóc và ở phía nam sông Cần Thơ, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng được trình lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt để thỉnh thị ý kiến.

Thời ấy thủ tướng rất quan tâm với đề xuất này và có ý kiến chỉ đạo các cơ quan trung ương cùng với tỉnh Cần Thơ khẩn trương nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu để trình lên Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét, cố gắng đến cuối năm 2004 có cầu cho dân đi.

Cầu Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến 15,25km, tổng mức đầu tư 4.832 tỉ đồng, từ vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ VN. Trong đó phần cầu chính dài 2,75km, rộng 23,1m, tĩnh không thông thuyền 39m, hai trụ chính có độ cao 164,8m, với 216 sợi dây văng. Với nhịp chính dài 550m, đứng hàng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 7 thế giới (tính đến thời điểm khánh thành 24-4-2010), nên để giảm bớt tải trọng, 210m đoạn giữa hai trụ dây văng có kết cấu dầm hộp thép chế tạo sẵn mang từ Nhật sang. Lúc cao điểm (tháng 11-2008 đến tháng 5-2009) trên công trường có 180 kỹ sư, trong đó 50 người Nhật và hơn 1.000 công nhân kỹ thuật người VN, Thái Lan và Philippines. (nguồn: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận)

Kỹ sư Nguyễn Nam Tiến, trưởng phòng quản lý dự án cầu Cần Thơ (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận), nhớ lại: Từ năm 1996, cơ quan chức năng của VN đã mời các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến Cần Thơ, cùng tiến hành các bước khảo sát về địa chất, chế độ thủy văn, đánh giá tác động môi trường... để lập dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ.

Thoạt đầu JICA cũng xem xét phương án xây dựng cầu vượt sông Hậu tại Bình Thủy, nhưng sau khi cân nhắc, so sánh thì thấy việc xây dựng cầu ở phía nam sông Cần Thơ có nhiều ưu điểm: tiếp cận gần hơn với quốc lộ 1A và đường nam sông Hậu. Đặc biệt với địa hình hiện trạng bờ, diễn biến lòng sông khu vực này có thể bố trí một trụ dây văng trên cồn Ấu mà không ảnh hưởng đến độ cao và chiều dài của nhịp thông thuyền. Việc “gửi” một trụ chính trên bờ có thể giúp giảm chi phí đến 0,5 lần so với thi công dưới lòng sông.

Vì những ưu điểm này, JICA đã chọn vị trí xây dựng cầu cách bến phà Cần Thơ 3,2km về phía hạ lưu.

Dự án cầu Cần Thơ đã được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt từ ngày 17-1-2000, nhưng mãi đến 25-9-2004 mới được khởi công sau nhiều lần trì hoãn vì chưa tìm được nguồn vốn 4.832 tỉ đồng. Như vậy đúng 10 năm sau ngày dự án được duyệt, cầu Cần Thơ mới định hình.

Chuyện 2.000 ngày

Đứng giữa lòng cầu Cần Thơ, ngay mặt cắt ngang của trụ tháp cao 164,8m bờ phía nam, ông Yukio Fukui, kỹ sư trưởng gói thầu số 2 (cầu chính và cầu dẫn), chắp tay vái lên trời rồi bất ngờ dang hai bàn tay vỗ mạnh vào nhau. Âm lượng phát ra bay vút lên không trung, va vào hai thanh trụ tháp hình chữ Y ngược, vọng trở lại, hệt như sự lan truyền của âm thanh trong đường hầm.

“Tất cả đều hoàn hảo. Tôi hài lòng với chất lượng từng hạng mục công trình. Khi trở về Nhật tôi sẽ nói với mọi người rằng đất nước các bạn đã có một cây cầu kỳ vĩ” - vị kỹ sư người Nhật tuổi lục tuần đầy vẻ tự tin khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về chất lượng công trình.

Nhưng có lẽ ít người biết Yukio Fukui và các đồng sự đã trải qua gần 2.000 ngày làm việc cật lực, phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu mới có thể mang đến câu chúc mừng chân thật và đầy trách nhiệm ấy.

Một trong những phần việc khó khăn nhất là thi công hai trụ tháp dây văng có hình chữ Y ngược, hai chân khép vào vừa nhằm thu hẹp diện tích bệ trụ vừa tạo vẻ đẹp thanh thoát nhưng chắc chắn.

Để có móng trụ vững chắc, nhà thầu phải ghim xuống lòng sông mỗi chân trụ 36 cọc bêtông khổng lồ, mỗi cọc có đường kính lên tới 2,5m, sâu 94m, được coi là cọc dài nhất trên cả nước từ trước tới nay. Chỉ tính riêng mỗi cọc đã tiêu tốn đến 45 tấn cốt thép, toàn loại có đường kính 38mm, cây nào cây nấy to gần bằng cổ tay và hơn 500m3 bêtông.

“Theo yêu cầu kỹ thuật, việc bơm bêtông vào mỗi cọc phải tiến hành liên tục nên các khâu chuẩn bị phải đồng bộ, cùng lúc phải đảm bảo đầy đủ vật tư, xe máy, thầy thợ nên anh em phải làm hầu như 24/24 giờ, đèn sáng rực suốt đêm cả khúc sông!” - kỹ sư Võ Khiết, trợ lý kỹ sư trưởng Yukio Fukui, nhớ lại.

Trụ bờ bắc nằm trên bờ là vậy, trụ bờ nam phải thi công dưới lòng sông đòi hỏi nhọc nhằn hơn. Kỹ sư Võ Khiết kể lại: “Trụ bắc cần 30 cọc thì trụ nam cần tới 36 cọc. Lại thi công trên mặt nước, sóng gió lắc lư, nước chảy xiết nên cần có giải pháp kỹ thuật cao hơn, nghiêm ngặt hơn. Lúc này hầu như mọi hoạt động đều diễn ra trên sà lan. Có hẳn một trạm bêtông “nổi” đặt trên sà lan phục vụ đổ bêtông. Bình quân mỗi tuần có 2-3 chuyến tàu cung cấp 700-800 tấn ximăng, chưa kể cát, đá, sắt, thép... phục vụ trạm”.

Cứ thế, rồi từng ngày, từng ngày, cộng lại là 2.000 ngày cho một nhịp cầu nối từ ước mơ của triệu người, cả bên đôi bờ sông Hậu và những người mà cuộc sống trải dài trên khắp nẻo đường thiên lý...

__________________

Giờ khắc mong đợi đã đến: năm 1990 cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam, nối Hà Tĩnh với Nghệ An. Năm 1999, cầu Sông Gianh, Quảng Bình hoàn tất. Sang năm 2000 có thêm cầu Quán Hàu bắc qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Năm 2000 cầu Mỹ Thuận nối bờ sông Tiền và nay là cầu Cần Thơ. Vậy là từ nay những bác tài có thể chạy một mạch từ Đồng Đăng về tới đất Mũi Cà Mau mà không phải chờ phà...

Kỳ tới: Mơ ước của những bác tài xuyên Việt

TẤN ĐỨC - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên