TT - Một thời gian dài, cái tên Trương Ngọc Tuấn chiếm gần như quá nửa trong bảng kỷ lục của bơi lội VN. Gặp lại Tuấn ở hồ bơi Hải Quân, những câu chuyện về kình ngư lừng lẫy một thời này lại ùa về...
Là con nhà nòi (hai bên nội, ngoại đều là những kình ngư bơi lội tên tuổi), lại lớn lên từ làng Yên Phụ - nơi từng sản sinh rất nhiều tay bơi nổi tiếng của Hà Nội, Tuấn đến với bơi lội rất sớm và nổi như một tài năng trẻ của làng bơi VN những năm 1990.
Con hơn cha, nhà có phúc
Lúc ấy, Tuấn cùng hai đồng đội ở đội tuyển bơi VN là Trần Duy Mỹ và Nguyễn Ngọc Nghĩa đã tạo thành bộ ba thống trị hầu hết các nội dung bơi của nam. Đặc biệt ở nội dung bơi ngửa, Tuấn còn vượt trội hơn cả anh trai Trương Hải Phong - tay bơi nổi tiếng một thời. Điều này khiến ông Trương Ngọc Thành, cha Tuấn, rất tự hào.
Ông Thành chính là người thầy đầu tiên và là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Tuấn.
Ngày Tuấn đoạt HCB SEA Games 22 ở nội dung 200m ngửa, trên khán đài bà Quách Thị Kim Dung (từng là một tay bơi của Hà Nội) như phát cuồng vì sung sướng trong tiếng hoan nghênh của những người có mặt, bởi đó cũng là thành tích cao nhất của bơi lội VN ở SEA Games 22.
Dưới hồ, Tuấn ứa nước mắt vì chẳng tin mình có thể đoạt được huy chương SEA Games ở tuổi 27 - cái tuổi nhiều đồng đội đã giã từ sự nghiệp. Lúc ấy nếu không có sự bảo lãnh quyết liệt từ vị chuyên gia, có lẽ anh đã không có tên trong đội tuyển và bơi lội VN đã không có chiếc HCB đó.
Từ cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, Tuấn phóng như bay về nhà ở làng Yên Phụ để choàng vào cổ cha chiếc huy chương mà anh đã mất cả một thời tuổi trẻ mới có được. Người cha già khi ấy đang nằm liệt trên giường bệnh sau một cơn tai biến nhưng miệng vẫn cười và gương mặt chảy dài những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông cười bởi con út của ông đã làm hơn thành tích HCĐ ông từng đoạt được ở Đại hội thể thao Ganefo 1966.
Ngồi ghế giảng đường ở tuổi 30
Mong có tấm ảnh lúc đoạt huy chương SEA Games Điều Tuấn tiếc nuối nhất chính là không có tấm ảnh nào ở thời khắc anh đoạt chiếc HCB SEA Games 22 để làm kỷ niệm. Ở lần ấy, do không ai nghĩ bơi lội VN có huy chương nên hầu hết phóng viên ảnh của nước chủ nhà VN không ai đến để đưa tin, chụp ảnh. Vì vậy Tuấn không có một tấm ảnh nào để “lưu truyền hậu thế” ở thời khắc đặc biệt nhất trong sự nghiệp của mình. T.THÀNH |
“Lão” sinh viên ấy chính là Trương Ngọc Tuấn. Ít người biết mười năm trước ở khóa tuyển sinh năm 1997 Đại học TDTT 2, Tuấn cùng đồng đội Trần Duy Mỹ là hai thí sinh đậu thủ khoa với 32 điểm (lúc ấy các kiện tướng vẫn phải thi tuyển vào đại học chứ không có chế độ tuyển thẳng như bây giờ). Nhưng do tập huấn và thi đấu liên tục, Tuấn đành xếp bút nghiên để chu toàn sự nghiệp VĐV. Để rồi hơn 30 tuổi, anh mới bắt đầu giấc mơ... được đi học của mình. Và việc “trưởng lão” đi học ấy là cả một câu chuyện bi hài.
Có lần trong một buổi tiệc, Tuấn kéo một bạn trẻ trông rất quen mặt ra giới thiệu với người viết: “Anh, đây là “thằng” thầy của em!”. Khi ấy, Tuân - người mà Tuấn gọi là “thằng thầy” - ấy cười toe toét: “Tuân, VĐV của Hải quân ngày xưa đây mà”. Thì ra khi Tuấn đã nổi tiếng trong làng bơi, Tuân chỉ mới vào năng khiếu và là lứa đàn em của Tuấn ở CLB Hải quân.
Tuân nói: “Sau khi nghỉ thi đấu, tôi học ĐH TDTT 2 rồi được giữ lại làm giảng viên. Giờ anh Tuấn lên học và trở thành học trò của tôi. Không chỉ tôi, nhiều giảng viên trẻ ở trường là lứa đàn em hoặc nhỏ tuổi hơn anh Tuấn nhiều”.
Bốn năm đi học, Tuấn kể: “Lớn tuổi nên chữ nghĩa “chạy lung tung”, học bài rất khó nhớ dù tôi cũng cố gắng tập trung ghê lắm”. Thời gian ấy, bạn bè đồng nghiệp thấy Tuấn lớn tuổi đã khuyên nên học hệ tại chức cho đỡ cực nhưng anh từ chối bởi: “Học chính quy, nền tảng kiến thức vẫn chắc hơn nhiều. Tập luyện, thi đấu gian khổ bao nhiêu năm mà còn làm được, không lẽ bốn năm đại học lại không học được hay sao!”. Và Tuấn tốt nghiệp năm 2010.
Những ước mơ ở tương lai
Ra trường năm 34 tuổi, cuộc mưu sinh của kình ngư một thời giờ mới chính thức bắt đầu.
Gặp Tuấn khi anh đang huấn luyện các VĐV năng khiếu tại hồ bơi Hải Quân, hôm ấy thỉnh thoảng người viết lại bắt gặp ánh mắt của Tuấn. Khi được hỏi, anh trả lời: “Tôi đang tự hỏi những đứa trẻ này liệu có thực hiện được ước mơ dang dở của tôi: đoạt HCV SEA Games không”. Đó cũng chính là khát khao cháy bỏng của anh và của cả người cha đã khuất từ những ngày còn tung hoành trên đường đua xanh.
Và có một giấc mơ nữa Tuấn thường rất ít khi nói đến: đó là mong đời sống của VĐV được quan tâm hơn. Dù là một tên tuổi của làng bơi VN, nhưng đến giờ anh vẫn chưa thể lo được cuộc sống riêng cho mình chứ chưa kể đến việc chu toàn cho mẹ (sống cùng anh trong một căn phòng nhỏ xíu chưa đầy chục mét vuông ở Trung tâm Thể thao quốc phòng 5).
Thỉnh thoảng đọc trên các báo thấy mức lương cầu thủ bóng đá vài chục triệu đồng/tháng, chuyển nhượng đến vài tỉ bạc, hỏi Tuấn nghĩ sao, anh bật cười: “Ai có phước thì hưởng thôi. Chỉ mong VĐV những môn khác được vài phần của cầu thủ bóng đá...”.
Giờ đây ở tuổi 35, Tuấn vẫn đang trên đường hoàn tất những giấc mơ dang dở dù rất nhiều đồng đội của anh giờ đã chuyển sang ngả khác để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Có tiếc nuối khi trót chọn nghiệp VĐV bơi? Tuấn thổ lộ: “Tôi chẳng nuối tiếc gì cả bởi đó là truyền thống của gia đình. Bây giờ nếu có chọn lại, tôi vẫn chọn nghiệp thể thao...”.
ĐỖ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận