04/08/2024 12:00 GMT+7

Ước mơ có thêm những Thu Vinh!

Dù không mang về được huy chương nào, nhưng bắn súng vẫn là môn thể thao đáng xem nhất của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris 2024 với người hâm mộ nước nhà.

Ước mơ có thêm những Thu Vinh!- Ảnh 1.

Trịnh Thu Vinh thi đấu chung kết 25m súng ngắn thể thao - Ảnh: REUTERS

Chiều 3-8 (giờ VN), nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh kết thúc kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp khi xếp hạng 7 ở chung kết nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ. Trước đó vài ngày, cô từng đứng hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi.

Một thập niên rực rỡ của bắn súng

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán, khi Thu Vinh nhìn chung đều bại trận trước các đối thủ được đánh giá đẳng cấp hơn. Lọt vào chung kết đến 2 nội dung Olympic đã là một kỳ tích với nữ xạ thủ 24 tuổi này. 

Olympic Paris chưa kết thúc, nhưng có lẽ sẽ không VĐV Việt Nam nào tiến gần đến huy chương như Thu Vinh. Khi đặt trong bối cảnh làng thể thao đỉnh cao Việt Nam ngày càng sa sút, Thu Vinh, hay rộng hơn là môn bắn súng, trở thành điểm sáng hiếm hoi vào lúc này.

HLV Nguyễn Thị Nhung, người từng có thời gian rất dài nắm tuyển bắn súng Việt Nam, chia sẻ: "Cá nhân tôi nghĩ bắn súng đã có nền tảng rất lâu từ trước khi tôi nhận đội tuyển vào năm 2006. Thời điểm đó, bắn súng Việt Nam có những xạ thủ hàng đầu như Phạm Cao Sơn, Vũ Mạnh Tường, Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường. Trẻ nhất trong số này là hai anh Vinh, Cường cũng đã ở độ tuổi hơn 30. Gọi là "già" bởi nếu so với hiện tại với Phạm Quang Huy hay Trịnh Thu Vinh vẫn ở độ tuổi 20.

Bản thân tôi khi đó cũng có niềm tin rằng bắn súng Việt Nam nếu đi theo xu hướng chọn lọc nội dung thì chắc chắn sẽ có huy chương châu Á và thế giới. Thời điểm đó chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức huy chương đồng Asiad.

Từ niềm tin đó và sự trợ giúp của các thế hệ đi trước, đội tuyển khi đó còn nhiều khó khăn đã chọn đầu tư trọng điểm vào hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường. Năm 2006, chuyên gia Park Chung Gun cũng bắt đầu làm việc với đội tuyển bắn súng Việt Nam theo thời vụ".

Tư duy và chiến lược từ chuyên gia ngoại đã giúp bắn súng Việt Nam thành công với huy chương vàng châu Á và suất chính thức dự Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh vào năm 2012. Và ngay sau kỳ Olympic rực rỡ vào năm 2016, HLV Park Chung Gun đưa ra lời tư vấn nên ngay lập tức tập trung trẻ hóa lực lượng

Ở Asiad 2018 và vài kỳ SEA Games tiếp theo, bắn súng Việt Nam không thể tỏa sáng. Nhưng HLV Nhung cũng như chuyên gia Park khẳng định sau vài năm nữa đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ lại có ngôi sao. Cho đến nay, lời khẳng định đó đã thành sự thật khi bắn súng mang về một trong số những HCV hiếm hoi cho Việt Nam ở Asiad Hàng Châu, cùng những giây phút hồi hộp đáng giá tại Olympic Paris.

Bộ tứ làm rạng danh bắn súng Việt Nam suốt hơn một thập kỷ qua: Chuyên gia Park Chung Gun, Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung, Trần Quốc Cường (từ trái qua phải) - Ảnh: HUY ĐĂNG

Bộ tứ làm rạng danh bắn súng Việt Nam suốt hơn một thập kỷ qua: Chuyên gia Park Chung Gun, Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung, Trần Quốc Cường (từ trái qua phải) - Ảnh: HUY ĐĂNG

Mơ ước phát triển phong trào

Tính kế thừa thể hiện rất rõ ở môn bắn súng. Sau khi gác súng, các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường theo đuổi sự nghiệp HLV và đều thể hiện dấu ấn nhất định. Với Hoàng Xuân Vinh - anh là người cầm trịch đội tuyển tại Asiad Hàng Châu. Còn Trần Quốc Cường là người huấn luyện trực tiếp Trịnh Thu Vinh…

Thậm chí HLV Nguyễn Thị Nhung tuy đã về hưu nhưng vẫn một lòng một dạ hướng về môn thể thao đã gắn bó cả cuộc đời. Ở một số giải đấu, bà thường ủng hộ và treo thưởng cho các học trò cũ. HLV Park thậm chí còn là người mang về nhiều mối tài trợ cho đội nhờ ảnh hưởng sâu rộng trong môn bắn súng…

Nhưng như vậy liệu đã đủ để bắn súng Việt Nam tiến lên đẳng cấp thế giới? Chắc chắn là chưa.

Lấy một ví dụ với Hàn Quốc - một trong hai cường quốc đứng đầu môn thể thao này. Họ đã đoạt 3 HCV, 1 HCB ở các nội dung bắn súng đơn nữ, với 4 cái tên khác nhau. Nếu Olympic không ràng buộc mỗi quốc gia chỉ có tối đa 2 VĐV ở một nội dung, số lượng các xạ thủ Hàn Quốc có lẽ sẽ tràn ngập trong mọi trận chung kết. 

Bên cạnh công tác đào tạo đỉnh cao, Hàn Quốc thực sự có một nền bắn súng hùng mạnh từ cấp độ phong trào. Chỉ riêng tại Seoul đã có hàng chục trường bắn với giá cả phải chăng. Điều này biến bắn súng (cùng với bắn cung) trở thành một môn thể thao rất được yêu thích tại Hàn Quốc.

Chúng ta có thể lấy ví dụ tương tự với môn bóng bàn ở Trung Quốc, hay boxing tại Thái Lan, Philippines… Đó là cách các nền thể thao phát triển những môn chơi thế mạnh của mình, gầy dựng phong trào thật rộng rãi để mọi người dân tiếp cận một cách dễ dàng. Trái lại ở Việt Nam, bắn súng hầu như chỉ là một môn thể thao "luyện gà chọi".

Liệu Thu Vinh sẽ vươn mình trở thành một siêu sao đẳng cấp thế giới? Có thể. Nhưng nhìn từ góc độ một nền thể thao, khả năng đó lại là quá thấp khi cô vẫn là một bông hoa lẻ loi tại sân chơi Olympic.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh xin lỗi và cảm ơn người hâm mộXạ thủ Trịnh Thu Vinh xin lỗi và cảm ơn người hâm mộ

Sau khi hoàn thành hai nội dung thi đấu tại Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh nói lời xin lỗi và cảm ơn đến người hâm mộ nước nhà đã đồng hành, ủng hộ cô trong thi đấu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên