12/04/2012 01:07 GMT+7

Ủng hộ tịch thu xe đua trái phép

phongtna@...
phongtna@...

TT - Ý kiến phản hồi bài “Sẽ tịch thu xe đua trái phép?” hầu hết ủng hộ việc tịch thu xe, đồng thời đề nghị bổ sung các hình phạt có tính răn đe khác để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đua xe trái phép.

qqHsqU1K.jpgPhóng to
Xe vi phạm do tụ tập, biểu diễn bị tạm giữ tại trụ sở UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Đồng tình việc tịch thu

Rất đồng tình với ý kiến của ông Uông Chu Lưu và ông Hoàng Thế Liên. Việc đua xe trái phép gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người, ảnh hưởng đến cộng đồng, nên không những tịch thu xe mà còn phạt hành chính thật nặng, phạt luôn những người không đua nhưng tham gia cổ vũ. Việc xe bị tịch thu là của ai không quan trọng, gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi của con em mình.

Phạt hành chính không đủ răn đe

Đua xe trái phép sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội, chỉ phạt hành chính thì chưa đủ. Biện pháp tịch thu xe là một biện pháp mà nhiều nước đã áp dụng. Tịch thu xe bất kể của ai miễn là xe đó đã sử dụng để đua xe. Người cho mượn xe phải suy nghĩ kỹ trước khi cho mượn và phải có trách nhiệm với xe của mình.

Đừng tạo kẽ hở

Dùng phương tiện bất kỳ của ai để đua xe trái phép, nếu như tai nạn xảy ra đều gây thảm họa nguy hiểm và để lại hậu quả như nhau cho tính mạng của người tham gia giao thông. Phải xử lý nghiêm khắc bằng việc tịch thu xe để mọi người có trách nhiệm liên đới trước pháp luật nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Cứ vin vào lý do “xe đó không phải của cháu” thì đồng nghĩa luật pháp vẫn còn kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng, chạy chọt dẫn đến tham nhũng và tình trạng đua xe vẫn còn là câu chuyện dài không có hồi kết.

Gia đình phải có trách nhiệm

Nếu mượn xe để đua mà không bị tịch thu thì các đối tượng đua xe sẽ mượn xe để đua. Cần phải làm rõ trách nhiệm gia đình trong việc để con tham gia đua xe trái phép. Nếu trong nhà có một đứa con hư, chuyên lấy xe đi đua thì bố mẹ phải có trách nhiệm quản lý con mình. Nếu người đua xe mượn xe người khác để đua thì khi bị tịch thu, gia đình phải có trách nhiệm đền bù cho người mất xe. Nếu người đua xe lấy cắp xe thì gia đình phải đền bù, còn người lấy xe bị xử lý hình sự với tình tiết tăng nặng đối với hành vi này.

Áp dụng hình phạt bổ sung

Đối với những người đua xe là con nhà có tiền của thì tịch thu phương tiện cũng chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần áp dụng thêm biện pháp bổ sung là xử phạt lao động công ích, vi phạm lần đầu thì lao động công ích một tháng, lần hai thì ba tháng... đồng thời bắt học thuộc Luật giao thông. Bệnh viện chuyên điều trị những ca liên quan đến tai nạn giao thông, ví dụ như Bệnh viện Chợ Rẫy, nên được chọn để thực hiện lao động công ích, để các tay đua suy nghĩ thêm về hành động của mình.

Luật hóa để xóa đua xe

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chúng ta chưa có luật. Trước đây có nghị định số 146/2007/NĐ-CP nội dung tại điều 5 ghi: “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính” đối với các trường hợp: điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp điện; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô. Nhưng điều 11 quy định chỉ tịch thu xe trong trường hợp người điều khiển phương tiện tái phạm. Tiếp theo và chi tiết hơn có nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Điều 5 quy định phạt cảnh cáo và phạt tiền những hành vi đua xe trái phép; tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi vi phạm này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện, cụ thể là việc tịch thu xe chỉ có thể xảy ra nếu người vi phạm tái phạm.

Như vậy chúng ta chỉ có văn bản dưới luật, nội dung cũng chưa thống nhất trong việc xử lý nạn đua xe nên thực tế việc đua xe trái phép vẫn chưa chấm dứt.

Về kỹ thuật thì văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành thường được hiểu là nhằm giải thích luật do Quốc hội xây dựng. Chúng ta chưa có luật xử lý vi phạm hành chính, nên việc ban hành các thông tư, nghị định mà chưa có cơ sở cụ thể như là căn cứ luật nào dẫn đến sức lan tỏa, tác dụng điều chỉnh không cao. Do đó, có thể nói việc xử lý nạn đua xe nói riêng và xử lý vi phạm hành chính nói chung đang làm theo quy trình ngược, giải quyết vấn đề từ ngọn đến gốc, nên tính hiệu quả không cao.

Do vậy, chủ trương của các nhà soạn thảo luật xử lý vi phạm hành chính là tịch thu sung công quỹ các phương tiện vi phạm như đua xe cần được các đại biểu Quốc hội ủng hộ. Khi có luật xử lý vi phạm hành chính nghĩa là chúng ta đã luật hóa một vấn đề của xã hội và theo đó các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư được ban hành có nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích luật chứ không phải làm luật bằng thông tư, nghị định như hiện nay. Lúc ấy, vấn đề đua xe trái phép tràn lan sẽ có cơ sở để ngăn chặn hiệu quả hơn.

phongtna@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên