Những yêu cầu riêng với xe chở học sinh được quy định tại dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý.
Nhiều nước đã triển khai từ rất lâu
TS Hà Thị Kim Sa, chủ tịch hội đồng trường, Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM), ủng hộ những quy định siết chặt nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Các yêu cầu về camera giám sát trong và ngoài xe, còi báo động hay hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe... đều giúp hạn chế những rủi ro khi vận hành.
Về quy định màu xe vàng đậm, theo bà Sa, nhiều nước đã triển khai từ rất lâu. Màu sắc vàng đậm đặc trưng của xe nhằm giúp những người tham gia giao thông ngay lập tức biết đây là xe chở học sinh và sẽ có ý thức nhường đường hơn. Điều này cũng tương tự như với xe cứu thương hay xe cứu hỏa, màu sắc đặc trưng giúp người đi đường nhận ra ngay và chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát.
"Tôi từng chứng kiến ở Nhật khi các xe đưa đón này dừng lại đưa rước học sinh, các xe xung quanh đều dừng lại. Hoặc học sinh sang đường thường có một đèn tín hiệu để các xe nhường đường. Khi sang đường, các em đều gật đầu chào cảm ơn những người đã nhường đường cho mình", bà Sa nói.
Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, bà Sa băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng thực tế của những quy định này. Cụ thể, hiện nhiều trường thay vì duy trì một đội xe riêng vốn tốn rất nhiều chi phí thì ký kết với một đơn vị cung cấp dịch vụ đưa rước học sinh. Thiết kế lại xe và bổ sung những trang thiết bị hiện đại theo quy định mới khiến các đơn vị này tốn kém kinh phí đầu tư không nhỏ.
"Nếu đơn vị đưa rước buộc lòng phải tăng phí vận chuyển thì có thể phụ huynh sẽ không chọn dịch vụ nữa, còn nếu không, chính họ sẽ là bên chịu phần kinh phí tăng thêm này. Tôi nghĩ nếu đã có các quy định về xe đưa đón học sinh thì nên chăng có chính sách ưu đãi cho những đơn vị kinh doanh xe khi tham gia trong lĩnh vực giáo dục. Bởi thực tế một đội xe cũng chỉ chạy được cho một trường, vì các trường có giờ vào học hay tan học đều gần như trùng nhau. Ngoài giờ vào học và tan học, họ cũng khó lòng chạy dịch vụ thêm, nhất là khi xe đã sơn màu vàng đậm", cô Sa nói.
ThS Phạm Phúc Thịnh, hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT Tuệ Đức (TP.HCM), cho rằng điều quan trọng chưa hẳn là thiết kế hay màu sắc của xe mà là thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Ông dẫn chứng ở Hà Nội từng thiết kế một làn riêng dành cho xe buýt nhanh nhưng các phương tiện cứ chạy vào làn đường này. Tương tự, việc trang bị cho xe đưa đón học sinh tốt đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người tham gia giao thông chưa hình thành thói quen nhường đường xe đưa đón này.
Vì vậy theo ông Thịnh, khi đã có chuẩn về xe đưa đón học sinh, sẽ cần thêm có những kế hoạch truyền thông về những quy tắc nhường đường khi gặp loại xe này. Đặc biệt là các quy tắc khi xe có tín hiệu dừng đón, rước học sinh thì những xe xung quanh cần làm gì? Nếu vi phạm, họ liệu có bị những chế tài gì hay chăng?
Để an toàn cho học sinh
ThS Phạm Phúc Thịnh nhận định kể từ sau sự cố bỏ sót học sinh trên xe của một trường học ở Hà Nội vào năm 2019, việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi di chuyển bằng xe đưa đón được hầu hết các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát.
Chẳng hạn, ông Thịnh cho biết trường mình đang tích hợp tính năng quản lý học sinh đi xe đưa đón vào phần mềm (app) quản lý học sinh. Khi học sinh đã lên xe hết, nhân viên quản lý đi theo xe sẽ kiểm tra và đánh dấu trên app. Nếu theo dõi trên app, các nhân viên khác và cả ban giám hiệu cũng sẽ biết những học sinh nào đang trên xe và lộ trình ra sao.
Khi xe đến nơi, người giám sát tại điểm đến sẽ kiểm tra và đánh dấu tiếp tục trên app những học sinh nào đã xuống xe. 7h sáng đầu tiết học, giáo viên chủ nhiệm từng lớp một lần nữa sẽ điểm danh và đối chiếu thông tin trên app. Ba vòng kiểm tra trên xe - xuống xe - vào lớp sẽ giúp hạn chế tối thiểu rủi ro bỏ sót học sinh. "Mỗi xe hiện đang từ khoảng 16 - 25 chỗ nên cũng thuận tiện việc kiểm soát", ông Thịnh nói.
Đại diện một trường quốc tế tại khu vực Nhà Bè (TP.HCM) cho biết trường đang vận hành 80 xe đưa đón học sinh, do trường tự đầu tư. Ngoài ra, hơn 150 tài xế, giám hộ đều phải là nhân viên chính thức của trường. Các lái xe bắt buộc phải có ba năm kinh nghiệm.
Đặc biệt, các bảo mẫu, tài xế luôn được phân công cố định cho một chiếc xe với một nhóm học sinh cụ thể và không đổi trong suốt năm học. Ngay cả chỗ ngồi của học sinh trên xe cũng không đổi. Điều này giúp tài xế, bảo mẫu, học sinh di chuyển trong cùng một xe luôn quen thuộc với nhau và thuận tiện quản lý.
Xe đưa đón học sinh phải màu vàng đậm
Dự thảo quy chuẩn quy định những yêu cầu riêng đối với xe chở học sinh như sau: Xe chở học sinh phải quy định được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh...
Bạn đọc đồng tình siết xe đưa đón học sinh
Bản tin về quy định với xe đưa đón học sinh trong dự thảo của Bộ Giao thông vận tải (ngày 17-1) nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Trong đó, phần lớn đồng tình với chủ trương siết chặt hoạt động của phương tiện giao thông đặc thù này vì sự an toàn của học sinh.
Bạn đọc @Hà Thanh có ý kiến: "Ngoài những điểm đã nêu tôi hoàn toàn đồng ý. Riêng tốc độ, xe chở các cháu học sinh nên giới hạn tối đa 60km/h". Tương tự, bạn đọc @Hieu viết: "Ai có con cái cũng hiểu được nỗi lo khi con đi trên xe đưa rước như thế nào. Mong Bộ Giao thông vận tải sớm đưa quy định này vào hiện thực gấp".
Một số bạn đọc cho rằng cần siết quy định với cả những tài xế lái xe đưa đón học sinh. Điển hình, bạn đọc @Kiettc nêu quan điểm: "Tăng mức phạt gấp đôi đối với các tài xế có hành vi vi phạm giao thông khi đang chở học sinh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận