26/07/2023 11:21 GMT+7

Siết điều kiện xe đưa đón học sinh

Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến đã bổ sung quy định cụ thể về hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động xe đưa rước học sinh trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai (tháng 2-2023) - Ảnh: A LỘC

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động xe đưa rước học sinh trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai (tháng 2-2023) - Ảnh: A LỘC

Dự thảo tập trung vào các quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù, trách nhiệm khi tổ chức xe đưa đón học sinh...

Thêm nhiều yêu cầu để đảm bảo an toàn là trên hết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ trong ban soạn thảo của Bộ Giao thông vận tải cho biết dự thảo luật đã quy định rõ ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. 

Ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi, hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Với lái xe, yêu cầu phải có hai năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. 

Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh.

Ngoài ra, dự thảo luật quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông. 

Cụ thể, xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.

Các trường học muốn tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương gồm: hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí một quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, đảm bảo an toàn suốt chuyến đi. Nếu ô tô trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có hai quản lý. 

Các trường có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn. 

Cùng với đó, xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Liên quan đến quy định lắp đèn cảnh báo đối với xe chở học sinh, đại diện ban soạn thảo cho hay nội dung này sẽ được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn luật. 

Dự kiến, về cơ bản đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi "xe chở học sinh" để khi tham gia giao thông các phương tiện khác có thể nhận diện.

Trong dự thảo cũng đã quy định cụ thể yêu cầu trước khi học sinh xuống xe, cả lái xe và người giám sát phải kiểm tra toàn bộ xe xem còn ai hay không. 

Ngoài ra không bắt buộc tất cả xe đưa đón học sinh phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết. Điều này giúp cơ quan chức năng có thể được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ.

Xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hiện các trường đã tổ chức mạng lưới xe đưa đón, với tổng số gần 2.000 xe, đa phần là xe của các trường ngoài công lập. Đại diện phòng cho rằng nếu có quy định cụ thể trong luật về đưa đón học sinh là điều rất tốt, giúp đảm bảo an toàn cho học sinh.
Phòng chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Phụ huynh đồng tình siết điều kiện xe đưa đón học sinh

Chị Nguyễn Thu Trang (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 7 chuẩn bị lên lớp 8 tại một trường THCS quốc tế ở Cầu Giấy, cho hay sau nhiều vụ việc học sinh bị bỏ quên ở trên xe đưa đón, phía trường con chị học đã có nhiều quy định, quy chế cụ thể về xe đưa đón. 

Ngoài lái xe, lúc nào xe cũng có giáo viên đi cùng và hằng ngày cô đều chụp ảnh hoặc thông báo với phụ huynh khi con lên xe, xuống xe vào trường. Tuy vậy, chị Trang cho rằng bản thân và không ít phụ huynh khác vẫn chưa thực sự yên tâm.

"Khi giao con lên xe thì đã giao tất cả tin tưởng cho giáo viên. Nói yên tâm hoàn toàn thì chưa, nên tôi rất đồng tình khi các cơ quan chức năng đưa ra quy định cụ thể thành luật về hoạt động đưa đón học sinh.

Việc quy định rõ sẽ buộc các trường, đơn vị phải thực hiện đúng, đầy đủ, từ đó đảm bảo an toàn cho các con", chị Trang bày tỏ.

Trong khi đó, anh Lê Văn Quy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết trường ngoài công lập nơi con anh đang học không đủ xe để đưa đón. Do vậy, anh và một số gia đình khác phải thuê một xe bảy chỗ với tài xế riêng để đưa đón con đi học hằng ngày với mức 1,5 triệu đồng/tháng. 

"Xe của trường hay của đơn vị liên kết với trường cần thực hiện theo quy định trong dự thảo luật. Nhưng với những xe riêng lẻ như trường hợp này, theo tôi cũng cần đưa vào để quy định", anh Quy nêu. 

Ghi nhận tại các trường, đa số xe đưa đón học sinh đều được nhà trường ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Ông Lê Cảnh, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh cho nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội, cho rằng qua dự thảo luật cho thấy rõ các quy định về việc đưa đón học sinh đã được siết chặt hơn. Việc siết chặt như vậy là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh.

Theo ông Cảnh, hiện nay đường phố Hà Nội thường xuyên ùn tắc, biển cấm đỗ xuất hiện rất nhiều, chính vì vậy việc di chuyển của các xe đưa đón học sinh rất khó khăn. 

Do đó, việc dự thảo quy định xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ rất tốt.

Sau sự việc thương tâm (năm 2019) giờ tan học tại Trường Gateway cũng đã huy động nhiều giáo viên, nhân viên phụ trách lớp để hướng dẫn, kiểm tra các học sinh trước khi lên xe đưa rước về nhà - Ảnh: NAM TRẦN

Sau sự việc thương tâm (năm 2019) giờ tan học tại Trường Gateway cũng đã huy động nhiều giáo viên, nhân viên phụ trách lớp để hướng dẫn, kiểm tra các học sinh trước khi lên xe đưa rước về nhà - Ảnh: NAM TRẦN

Trẻ em phải được ưu tiên cao nhất

Đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu rõ hiện nay, các tài liệu khuyến cáo của nhiều chuyên gia an toàn giao thông và của Liên Hiệp Quốc đều khẳng định trẻ em là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông hơn so với các nhóm khác.

Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường.

Do nhu cầu tăng nhanh, trong khi còn thiếu những quy định pháp luật nên trong quá trình hoạt động đã tồn tại không ít bất cập như: dịch vụ đưa đón học sinh vẫn còn tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm trong việc đưa đón học sinh...

Vì vậy, việc quy định này nhằm quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay.

Áp dụng sẽ không khó, trừ quy định màu sơn

Ông Lê Cảnh, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh, nói chỉ băn khoăn với yêu cầu phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng vì chưa rõ ai chịu chi phí.

"Hiện xe đưa đón học sinh của trường nào đều dán logo, decal trường ở sườn, trước xe nên việc yêu cầu đăng ký màu sơn riêng là không cần thiết", ông Cảnh nói.

Ông bày tỏ thêm hiện nay một số trường dù ký hợp đồng thuê hàng chục xe với các công ty nhưng mới chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu của học sinh.

"Hiện các trường có nhiều quy định nên áp dụng theo dự thảo luật cũng không khó. Nhưng với những xe riêng lẻ hiện đang rất nhiều ở các trường cũng cần phải quản lý chặt, tránh chỗ không cần quá chặt thì lại chặt quá, còn chỗ lại không được quản lý", ông Cảnh nêu.

Tại TP.HCM, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang thực hiện nhiều chuyến xe đưa rước học sinh với phương thức ký với hợp tác xã.

Với việc xe đưa rước học sinh phải có màu xe riêng, ông Nguyễn Minh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết như vậy sẽ rất khó cho nhà xe vì ngoài giờ chở học sinh đi học theo lịch, các nhà xe có thể tận dụng vào những ngày nghỉ, nhất là vào mùa hè để làm dịch vụ.

Vì thế, quy định này có thể ảnh hưởng đến giá dịch vụ đưa rước của học sinh, khiến các trường công sẽ khó thực hiện dịch vụ xe đưa rước học sinh.

Không chỉ vậy, theo một số tài xế, quy định này còn ảnh hưởng đến việc trợ giá vé xe đưa rước cho học sinh vùng sâu vùng xa. Vì học sinh vùng sâu vùng xa được hỗ trợ đưa rước trên xe buýt thực hiện đưa rước dựa trên đầu người tính theo tháng. Nay nếu nâng mức này lên sẽ ảnh hưởng đến ngân sách phải chi.

Xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES

Xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES

Đã có nơi làm rất nghiêm về điều kiện xe đưa đón học sinh

Tại TP.HCM, các trường quốc tế hiện là những cơ sở giáo dục phổ thông vận hành những đội xe đưa đón học sinh lớn nhất. Tất cả các trường quốc tế đều có dịch vụ xe đưa đón. Có trường đưa đón theo những điểm đón cố định, có trường đưa đón tận nhà.

Đại diện một trường cho hay trường có 80 xe buýt đưa đón hàng ngàn lượt học sinh mỗi ngày, tổng cộng 152 tài xế và giám hộ xe, đều phải là nhân viên chính thức của trường. Lái xe phải có tối thiểu từ ba năm kinh nghiệm và thường xuyên được đào tạo thêm. Đặc biệt, mỗi xe có một cô bảo mẫu và một tài xế cố định cho một tuyến xuyên suốt năm học và không thay đổi trong mọi tình huống để đảm bảo học sinh và tài xế, giám hộ quen mặt nhau.

Tất cả các chuyến đưa đón học sinh đều có điều phối viên phòng dịch vụ xe đưa đón, tài xế và bảo mẫu giám sát. Học sinh có chỗ ngồi riêng, được ghi tên cố định để quản lý rủi ro ở mức cao nhất cũng như tạo sự thân thuộc.

Học sinh có quyền đem theo những chiếc "gối ghiền" để lại trên xe và các tài xế sẽ giữ cho các em. Học sinh nam không được ngồi gần học sinh nữ để đảm bảo tuân thủ về giáo dục giới tính, trừ trường hợp anh chị em ruột.

Để đảm bảo an toàn ở mức tối đa, các bé tiểu học không được ngồi ở đầu xe. Ngay khi vừa lên xe, tất cả học sinh đều phải thắt dây an toàn dưới sự giám sát của cô bảo mẫu và tài xế.

Khi các bé xuống xe, các cô sẽ điểm danh từng bé nhằm tránh trường hợp bỏ sót học sinh. Sau đó, các học sinh sẽ theo cô bảo mẫu rời xe vào lớp học.

Lúc này, các tài xế sẽ kiểm tra từng chỗ ngồi bằng cách thắt lại dây an toàn nhằm bảo đảm dây hoạt động tốt và kiểm tra chỗ ngồi để chắc chắn là học sinh không để quên cặp vở trên xe. Xe sẽ đậu tại trường trong suốt thời gian chờ học sinh học.

Ngoài ra, các xe đưa đón học sinh được kiểm tra định kỳ và được trang bị hệ thống các thiết bị an toàn. Bên cạnh đó, kỹ năng đi xe nói chung và xe buýt trường học nói riêng được đưa vào giảng dạy cho các em học sinh tại nhà trường và được nhắc nhở, thực hành thường xuyên.

Xe đưa đón học sinh: Trường phải chịu trách nhiệm về an toànXe đưa đón học sinh: Trường phải chịu trách nhiệm về an toàn

Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình, đảm bảo an toàn giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên