Thời ấy, gần như cả nước đều ăn độn, một hạt cơm “gánh” một lát khoai là chuyện bình thường. Vì vậy, điều đặc biệt với tôi hồi ấy trong ngày mồng 1 tết là được chén cơm trắng, không độn. Khỏi phải nói cái cảm giác sung sướng khi được ăn chén cơm trắng ấy.
Nhưng, đó chỉ là niềm vui nhất thời, kéo dài vỏn vẹn trong một ngày đầu năm. Phải đợi đến năm 1986 với sự đổi mới của Đại hội VI, kinh tế thay đổi, VN từ một đất nước thiếu ăn đã trở thành đủ, rồi thừa và bây giờ là cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Và tôi nghĩ chuyện U-19 bây giờ cũng giống chén cơm trắng ngày mồng 1 tết thời bao cấp. Bóng đá Việt ngày càng đi xuống, và có lẽ đã “chạm đáy”, biểu hiện qua hình ảnh yếu kém toàn diện của U-23 VN tại SEA Games 27. Do đó, khi xuất hiện một đội U-19 thể hiện sự tài hoa, có văn hóa ở hai giải vô địch Đông Nam Á và vòng loại châu Á, người hâm mộ đã cực kỳ thích thú. Và sự thích thú đó đã thể hiện qua việc sốt vé xem Cúp Nutifood sắp diễn ra. Sự kiện này nóng đến độ V-League 2014 sẽ khởi tranh vào tuần tới, rồi trước đó là Siêu cúp, Cúp quốc gia đã trở nên chìm nghỉm!
Tuy nhiên, như đã ví von ở trên, sự kiện U-19 chẳng qua cũng chỉ là chén cơm trắng ngày mồng 1 tết, chứ sau đó bóng đá Việt lại triền miên “cơm độn khoai” với V-League, Cúp quốc gia. Vì vậy, câu chuyện ở đây là bóng đá Việt phải có sự đổi mới mạnh mẽ về căn bản và chiến lược. Cái ấy chúng ta phải trông chờ vào đại hội Liên đoàn Bóng đá VN nhiệm kỳ 7.
Nhưng nghe đâu cũng chẳng có nhiều hi vọng khi sẽ còn rất nhiều gương mặt cũ đã từng gây thất vọng. Thậm chí, những người đã từ chức (hoặc bị buộc từ chức) sẽ trở lại, hoặc cương quyết bám trụ ở nhiều chức danh khác nhau. Nếu thật vậy thì bóng đá Việt có lẽ phải cứ mãi mong chờ những chén cơm trắng đột xuất như U-19, chứ khó mà no đủ quanh năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận