Theo WHO, thành quả trên đạt được là nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, vốn đóng vai trò chủ đạo giúp giảm thiểu số trẻ em tử vong do mắc sởi.
Sau 15 năm, các biện pháp phòng chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này đã cứu sống khoảng 17,1 triệu người.
Tuy nhiên, giới chuyên gia WHO cũng đặc biệt quan ngại về tình trạng “trì trệ” trong chiến dịch tiêm chủng 5 năm trở lại đây, khi tỷ lệ tiêm vaccine chỉ đạt mức 85%, trong khi giai đoạn từ năm 2000-2010, tỷ lệ này cao hơn 13%.
Giám đốc phụ trách tiêm phòng của WHO Jean-Marie Okwo-Bele cho rằng, trước tín hiệu lạc quan trong công tác phòng chống bệnh sởi, các tổ chức và người dân cũng không nên chủ quan, đặc biệt là không bỏ lỡ các mũi tiêm vaccine định kỳ.
Theo ông Okwo-Bele, mục tiêu của Liên Hợp Quốc đề ra là không dưới 90% trẻ em được tiêm chủng phòng sởi - chỉ thực hiện được tại 122 quốc gia (chiếm 63%), trong khi đó, chỉ có 1/2 số trẻ em vị thanh niên trên thế giới được tiêm liều vaccine thứ hai.
Giới chuyên gia WHO cho rằng, chính sự thiếu hụt vaccine là một trong những nguyên nhân dẫn tới bùng phát dịch sởi. Theo WHO, thực tế này tiếp tục là thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được mục tiêu toàn cầu trong "cuộc chiến" chống lại căn bệnh truyền nhiễm.
Sởi là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, virus có thể lan truyền trong không khí mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu như sốt, sau đó dẫn đến ho, chảy nước mũi, viêm màng kết và phát ban. Sởi có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như nhiễm trùng phổi.
Theo số liệu của WHO, trong giai đoạn 2000-2013, vaccine phòng sởi giúp giảm tới 75% trường hợp tử vong vì bệnh này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh sởi lại tăng vọt ở châu Mỹ và khu vực Tây-Thái Bình Dương vào năm 2014, do sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận