18/02/2016 10:11 GMT+7

Tuyên bố chung ASEAN-Hoa Kỳ là kim chỉ nam của hợp tác

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - 17 điểm của Tuyên bố chung chính là những nguyên tắc hướng dẫn mối quan hệ Mỹ - ASEAN từ nay trở về sau, kể cả sau khi lớp lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao này mãn nhiệm.

Phiên thảo luận kinh tế - thương mại với chủ đề “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực dựa trên sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp” ngày 16-2 - Ảnh: Quỳnh Trung

Chính vì vậy nó mang tính dài hạn hơn là vụ việc, ngắn hạn.

Nguyên tắc đầu tiên là “tôn trọng chủ quyền, vẹn toàn lãnh thổ của nhau”, là “bình đẳng và độc lập chính trị”, là “tuân thủ chặt chẽ hiến chương Liên Hiệp Quốc, hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế” (điều 1).

Tự thân việc đưa nguyên tắc này lên hàng đầu là một biểu hiện của nước Mỹ ở cuối trào Obama. Đã qua rồi thời kỳ các chính quyền Mỹ liên tiếp lo chuyện “dựng quốc” ở nước ngoài như hạ bệ Saddam Hussein, “dựng quốc” ở Iraq gây ra tình trạng hỗn loạn đến bây giờ...

Tờ New York Times từng đánh giá rằng Tổng thống Obama “đang chú tâm vào việc dựng quốc ở trong nước...”.

Dân chủ, pháp trị, nhân quyền, môi trường... được nêu sau các điều 2 và 3 nói về quan hệ kinh tế với ASEAN, trong điều 4. ASEAN và Mỹ sẽ quan hệ kinh tế như thế nào? Vị trí thứ 2 và thứ 3 trên tổng số 17 điều của Tuyên bố chung Sunnylands cho thấy đây là ưu tiên lớn nhất của Mỹ trong quan hệ với ASEAN.

Trong suốt Tuyên bố chung này không có chỗ cho khái niệm “nước lớn” (hay “nước nhỏ”), mà là “cùng chia sẻ sự thịnh vượng, tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững... nhằm duy trì hòa bình, phát triển và ổn định liên tục vì lợi ích chung... Đeo đuổi các chính sách dẫn đến các nền kinh tế năng động, mở và cạnh tranh...” (điều 2 và 3).

Đây chính là sự khác biệt cơ bản mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đến lúc này là Mỹ muốn chứng tỏ khi quan hệ với ASEAN - nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Việc “chia sẻ thịnh vượng” được hứa hẹn sẽ và chỉ thông qua tính năng động, mở và cạnh tranh kinh tế, thay vì “cá lớn nuốt cá bé” cùng đủ loại hình thức độc quyền hay áp đặt mua bán...

Sau khi vạch rõ quan hệ chính trị - kinh tế Mỹ và ASEAN sẽ như thế nào, Tuyên bố chung đề cập đến mối quan hệ với bên ngoài trong điều 5.

Tất cả sẽ dựa trên việc “tôn trọng và hậu thuẫn tính trung tâm của ASEAN cùng các cơ chế do ASEAN lãnh đạo trong cấu trúc đang biến hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Nói cách khác, mọi vấn đề đã, đang và sẽ diễn biến trong khu vực này sẽ được đặt trong thẩm quyền các định chế sẵn có của ASEAN, từ Thượng đỉnh Đông Á đến Diễn đàn an ninh khu vực... trong đó ASEAN là chủ nhà.

Từ đó mới dẫn đến các điều 6, 7, 8, 9, theo đó sẽ “gắn kết chặt chẽ vào một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ” (điều 6); cùng cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không cần giở đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với những nguyên tắc đã được thừa nhận toàn cầu bởi luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 (điều 7);

Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không, cùng các việc sử dụng hợp pháp khác các vùng biển và việc giao thương hàng hải hợp pháp không bị cản trở, như đã được mô tả trong UNCLOS, cũng như việc phi quân sự và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động (điều 8)... Các điều còn lại, từ 10 đến 16, đề cập đến các vấn đề toàn cầu.

Có thể thấy qua Tuyên bố chung này, các thành viên tham dự Hội nghị Sunnylands không dựng lên một trật tự mới theo ý riêng của Mỹ và ASEAN, mà là dựa trên UNCLOS cùng luật pháp quốc tế.

Hô hào “trật tự khu vực” không phải là để thành lập một liên minh quân sự chống ai cả, mà để nhắc lại rằng thế giới vẫn đang trong một trật tự chung là hiến chương Liên Hiệp Quốc cùng các công ước của Liên Hiệp Quốc, trong đó có UNCLOS.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên