Tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc
Phóng to |
Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh: V.V.Thành |
- Mục tiêu của đề án này là từ nay đến năm 2015 tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ngay từ bây giờ những bạn trẻ tuổi đời dưới 30, quốc tịch Việt Nam, đáp ứng được tiêu chí về học vấn nêu trên và có khát khao đóng góp sức trẻ, tình nguyện đến làm việc ở những địa bàn khó khăn trong thời gian tối thiểu năm năm, hãy nộp hồ sơ về Bộ Nội vụ hoặc sở nội vụ các tỉnh, thành. Chúng tôi sẽ tổ chức tuyển chọn công khai, công bằng, phỏng vấn trực tiếp để chọn ra những người xứng đáng nhất.
* Thưa ông, đề án này có gì khác với chương trình đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo trước đây?
- Nếu như trước đây chương trình tuyển chọn trí thức trẻ đưa về làm phó chủ tịch xã thì bây giờ các bạn trẻ được tuyển chọn để đưa về xã trực tiếp làm công tác chuyên môn.
500 trí thức trẻ lần này sẽ về tham gia một trong bảy chức danh công chức cấp xã, tùy theo trình độ chuyên môn của từng người cũng như nhu cầu sử dụng của địa phương. Chính vì vậy, ở đầu vào chúng tôi sẽ đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn, nhất là ngành nghề đào tạo phải phù hợp. Ví dụ như chức danh tư pháp, hộ tịch thì yêu cầu phải tốt nghiệp chuyên ngành luật, về nông nghiệp, lâm nghiệp thì phải học nông lâm...
* Với điều kiện làm việc và thu nhập của công chức cấp xã hiện nay, liệu đề án có tuyển chọn được những người ưu tú như mục tiêu đặt ra?
- Từ thực tiễn triển khai chương trình 600 trí thức trẻ trước đây, chúng tôi đã có một số điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho các đội viên tham gia chương trình yên tâm công tác. Đúng là điều kiện làm việc ở các xã nghèo rất khó khăn, cả về khí hậu, môi trường làm việc, phong tục tập quán... Vì vậy đề án này cần tinh thần tình nguyện của các trí thức trẻ.
Tôi nghĩ rằng việc tham gia đề án cũng là cơ hội để các bạn trẻ, thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của đội viên tại xã trong thời gian năm năm, căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nếu đủ điều kiện thì đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên.
* Nếu có trường hợp được tuyển chọn mà không đáp ứng được nhiệm vụ thì sao?
- Thủ tướng khi giao nhiệm vụ có nhấn mạnh: trong quá trình tình nguyện, nếu đội viên nào đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét bố trí sắp xếp vào vị trí công tác khác phù hợp mà không nhất thiết phải chờ đến hết thời gian thực hiện dự án. Nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ phải xử lý theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức. Nhìn lại 600 đội viên tham gia chương trình về làm phó chủ tịch xã nghèo thì đến nay chưa phát sinh trường hợp nào đáng tiếc. Vừa qua lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, nhìn chung các bạn đội viên là phó chủ tịch xã đều có kết quả tín nhiệm tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận