Bài tân cổ Võ Đông Sơ được xem là một trong những bài "vua" qua giọng ca của danh ca Minh Cảnh. Còn tuồng Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà có lẽ ít người biết hơn.
Các nghệ sĩ gạo cội trong Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà
Trong bản tuồng Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà (tác giả: Yên Hà) sẽ phát sóng ngày 22 và 23-3, nghệ sĩ Thoại Mỹ vào vai nàng Bạch Thu Hà, còn Minh Tiến là Võ Đông Sơ. Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng giữ vai trò đạo diễn.
Vở mở đầu cảnh nàng Bạch Thu Hà bị bọn cường sơn đánh cướp. May nhờ có chàng Võ Đông Sơ xuất hiện kịp thời cứu giúp.
Từ mối duyên đó mà nàng tiểu thư nảy nở tình cảm với chàng trai côi cút nhưng giỏi võ nghệ, chân thành.
Oan trái tiếp tục xảy đến vì anh trai nàng ăn chơi trác táng mang nợ nần, ép nàng phải lấy công tử Vương Bích.
Không cam chịu, Bạch Thu Hà và nàng hầu Xuân Đào trốn nhà đi tìm Võ Đông Sơ. Trên hành trình gian nan đó, cô gái liễu yếu đào tơ liên tục gặp hiểm nguy tưởng có lúc phải mất mạng…
Khi Tuổi Trẻ Online liên lạc, nghệ sĩ Thoại Mỹ hơi ngỡ ngàng và cho biết chị cũng quên mất là đã thâu tuồng này thời điểm nào.
"Tôi chưa bao giờ diễn tuồng này trên sân khấu. Mà thâu thì cũng lâu rồi, dù không nhớ rõ thời điểm nhưng lúc đó chắc tôi cỡ chừng ngoài 20 tuổi thôi" - Thoại Mỹ lục lọi trí nhớ.
Trong tuồng này ngoài Thoại Mỹ, Minh Tiến còn có nghệ sĩ Hồng Tơ, Lê Giang, Chiêu Hùng, Khánh Tuấn, Tú Sương…
Ngoài bản Đài truyền hình TP.HCM lưu giữ thì trên mạng còn lưu bản khác của tuồng này với hai nhân vật chính do nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Kim Huệ thể hiện.
Đó cũng là tuồng của soạn giả Yên Hà và ghi tên đạo diễn là Minh Vương. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc thì Minh Vương méo mặt nói: "Chắc người ta ghi lộn, chớ hồi nào giờ tui đâu có làm đạo diễn".
Ngoài cặp đôi nghệ sĩ Minh Vương - Thanh Kim Huệ thì vở còn quy tụ rất nhiều tài danh cải lương như Minh Cảnh, Diệp Lang, Hùng Minh, Bảo Chung, Bích Thủy, Nguyên Hạnh…
Tương tự như Thoại Mỹ, nghệ sĩ Minh Vương cũng không nhớ nổi mình thâu tuồng này thời điểm nào.
Tân cổ Võ Đông Sơ sống mãi trong lòng người mộ điệu
Theo nhiều tài liệu thì khoảng năm 1926, Tân Dân Tử viết tiểu thuyết Giọt máu chung tình. Năm 1927, tác giả Nguyễn Tri Khương viết thành vở kịch Giọt máu chung tình (còn gọi là Giọt lệ chung tình).
Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền viết thành vở cải lương Giọt máu chung tình (năm 1928).
Cùng năm này, sân khấu Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch công tử dựng vở trên sân khấu, nghệ sĩ Phùng Há vào vai Bạch Thu Hà.
Thế nhưng thiên tình sử Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà thật sự tạo ấn tượng và khiến người ta nhớ mãi là khi soạn giả Viễn Châu chọn đoạn cuối, giờ phút Võ Đông Sơ hấp hối và mải miết gọi tên người yêu để viết thành bài tân cổ Võ Đông Sơ.
Danh ca Minh Cảnh là người đầu tiên thâu bài Võ Đông Sơ, ông đã từng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sự thành công của bài tân cổ là do:
"Bài này đặc biệt là vì quá mới. Trước đó người ta chỉ nói phách, nói lối, ca bài bản rồi vô vọng cổ mà bây giờ lại vừa ca tân nhạc, vừa ca cổ. Tạo sự kích thích khiến giả tò mò".
Chính vì sự kết hợp của nhiều yếu tố mà tân cổ Võ Đông Sơ được xem là một trong những bài "vua", được người mê cải lương ca hoài từ thành thị tới nông thôn, từ sân khấu lớn tới bàn nhậu suốt hơn nửa thế kỷ qua.
"Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi / Đường dài mịt mùng em không đến nơi / Mây nước buồn cơn lửa binh / Hết kể chuyện chung tình / Khóc than riêng em một mình".
Đó là đoạn mở đầu của bài tân cổ, mà chỉ cần nghe loáng thoáng đâu đó là người mộ điệu cải lương đã nôn nao không chịu nổi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận