Sai lầm nối tiếp sai lầm
Hai ngày trước, ban lãnh đạo Man United đã sa thải giám đốc thể thao Dan Ashworth - người vừa chuyển đến từ Newcastle hồi tháng 7. Nực cười ở chỗ, Man United là đội bóng đã bỏ cả năm để theo đuổi Ashworth, tạo ra vô số tranh cãi giữa 2 đội. Và điều này tạo ra nhiều hứa hẹn về việc cải tổ đội bóng. Bổ nhiệm Ashworth là một trong những quyết định gây chú ý đầu tiên của ban lãnh đạo mới. Một vụ bổ nhiệm quan chức căng thẳng, kịch tính chẳng khác nào các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ. Và rồi tất cả trở thành trò cười khi "ngôi sao" mới trong ban lãnh đạo bị sa thải chỉ sau nửa năm.
Thật ra, nhiều đội bóng lớn khác cũng bổ nhiệm, rồi sa thải một quan chức trong vòng vài tháng. Nhưng với Man United, họ lại đang nằm trong giai đoạn quá nhạy cảm, và bất kỳ bước đi sai lầm nào vào thời điểm này cũng đều phải trả giá nặng nề. Nên nhớ, hồi mùa hè ban lãnh đạo Man United đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi không sa thải HLV Ten Hag - người mà họ tính phương án thay thế trong vài tháng cuối mùa giải trước.
Chiếc cúp FA đã làm thay đổi ý định của Sir Jim, để rồi vài tháng sau đó ông phải sửa sai một cách muộn màng. Hệ quả là mùa giải này của Man United xem như vứt đi khi Ten Hag đã khởi đầu mọi thứ quá tệ hại trước khi bị sa thải.
Không có chuyện...giàu mãi
Những kiểu sai lầm như vậy đã tồn tại ở Old Trafford hơn 10 năm qua, kể từ ngày HLV Alex Ferguson giải nghệ. "Quỷ đỏ" đã tiêu tốn hơn tỉ euro cho việc mua sắm cầu thủ rồi bán lỗ, hoặc đền bù hợp đồng cho các HLV. Cụ thể, năm 2014, Man United tốn 7 triệu euro đền bù hợp đồng cho HLV David Moyes và đội ngũ ban huấn luyện sau khi sa thải ông. Đến năm 2016, họ làm điều tương tự với Van Gaal và tốn 10 triệu euro đền bù. Đến Mourinho năm 2018 là 25 triệu euro, Solskjaer là 8 triệu euro và Ten Hag mới đây là 12 triệu euro. Chưa kể Man United còn phải trả trên dưới 20 triệu euro để đền bù cho Sporting CP và Ajax khi giật được các HLV của họ. Gần 100 triệu euro trong 10 năm chỉ để đền bù các loại hợp đồng.
Cái giá phải trả lớn hơn vậy rất nhiều. Theo Stock Analysis, vốn hóa thị trường (market cap) của Man United đã giảm mạnh đến 15,83% trong 1 năm qua. Và tính từ năm 2022, mức giảm lên đến 25,6%, thiệt hại trị giá tính bằng đơn vị tỉ euro.
Tệ hơn, hành trình sa sút đó không có điểm dừng. Việc mất vé dự Champions League mùa giải năm nay đã khiến Man United tổn thất khoảng 100 triệu euro. Và chiếc vé dự mùa tới đang vô cùng mờ mịt khi mà đội bóng chơi tệ đều trên mọi đấu trường.
10 năm qua, Man United chơi tệ nhưng vẫn giàu. Đó là vì thành quả 20 năm trời ổn định dưới thời HLV Alex Ferguson. Nhưng sau 10 năm chơi tệ, thương hiệu đó làm sao giữ vững mãi được!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận