12/02/2015 10:07 GMT+7

​Tương lai nào cho đào tạo liên thông?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đào tạo liên thông chính quy đã được siết chặt cả về điều kiện tuyển sinh và khống chế chỉ tiêu, nhưng nhiều trường vẫn cố tình lách luật để tuyển hoặc từ bỏ luôn phương thức tuyển sinh này.

Sinh viên ngành tài chính - kế toán Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM trong giờ học - Ảnh: Như Hùng

Nhưng điều đáng lo hơn không chỉ với các trường mà ngay với chính Bộ GD-ĐT là tuyển sinh liên thông sẽ thế nào nếu tương lai quy định này không còn thuộc quyền quyết định của Bộ GD-ĐT?

“Né” đối tượng tốt nghiệp dưới 36 tháng

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông yêu cầu thí sinh tốt nghiệp CĐ, trung cấp dưới 36 tháng muốn liên thông phải thi “ba chung”, nhiều trường CĐ, trung cấp méo mặt vì nguồn tuyển sụt giảm nặng nề.

Nhiều trường buộc phải “cắt” không tuyển sinh đối tượng này. Thậm chí có trường gặp “sự cố”, phải thay đi đổi lại điểm chuẩn mấy lần chỉ vì quy định mới.

Lách luật

Liên tục 2-3 năm qua, Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều quy định có vẻ siết chặt hơn nhưng đào tạo liên thông nhiều nơi vẫn không tránh khỏi lộn xộn.

Bộ GD-ĐT đã khống chế chỉ tiêu liên thông chính quy chỉ tối đa 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.

Lập tức, nhiều trường ĐH không lấy theo tỉ lệ từng ngành mà vô tư lấy 20% tổng chỉ tiêu chung của toàn trường để chỉ tập trung tuyển sinh liên thông những ngành “hot”, bất chấp điều kiện đội ngũ ở ngành đó chưa đảm bảo.

Bộ GD-ĐT đã phát hiện một số trường, đặc biệt các trường ngoài công lập,  “ngốn” hết chỉ tiêu liên thông theo cách này vào các ngành đào tạo y dược, gây lo ngại lớn về chất lượng đào tạo của ngành liên quan đến sức khỏe con người.

Năm 2013, Trường ĐH Y dược Thái Bình từng được hướng dẫn không thể lấy điểm chuẩn hệ liên thông thấp hơn hệ chính quy khi thí sinh cùng tham gia một kỳ thi, nên đành phải điều chỉnh tăng điểm chuẩn so với thông báo trước đó (điểm chuẩn ngành y đa khoa tăng từ 16,5 điểm lên 25,5 điểm, điểm chuẩn ngành y học cổ truyền tăng từ 15,5 điểm lên 23 điểm, ngành dược tăng từ 15 điểm lên 24,5 điểm), gây bức xúc trong thí sinh, phụ huynh.

Theo các thí sinh, nếu trường tăng điểm chuẩn lên cao bất ngờ như vậy thì không thí sinh nào trúng tuyển vì người cao điểm nhất chỉ đạt 20,5 điểm.

Sau đó Bộ GD-ĐT phải hướng dẫn lại: tuyển sinh liên thông ĐH chính quy với thí sinh tốt nghiệp dưới 36 tháng có cùng chung mức điểm sàn với hệ đào tạo ĐH chính quy, nhưng điểm chuẩn của hai hệ này không nhất thiết phải bằng nhau.

Lập tức, Trường ĐH Y dược Thái Bình phải điều chỉnh giảm điểm chuẩn hệ liên thông xuống như thông báo ban đầu.

Dù được gỡ khó vào phút chót, nhưng rốt cuộc từ năm 2014, trường đã “đoạn tuyệt” với tuyển sinh liên thông người tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng.

Việc “cắt” tuyển sinh liên thông với đối tượng này không chỉ là câu chuyện cá biệt của Trường ĐH Y dược Thái Bình.

Học viện Tài chính từ năm 2014 cũng từ chối thí sinh tốt nghiệp dưới 36 tháng bằng thông báo: “Không tổ chức thi “ba chung” đối với thí sinh dự thi liên thông ĐH”.

ĐH chính quy có thể xét học bạ, liên thông vẫn phải thi?

Theo thông tin tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT nhiều lần công bố, một số trường sẽ được quyền xét vào ĐH chính quy với thí sinh có điểm trung bình chung các môn học dùng để xét tuyển tối thiểu là 6,0. Vậy thí sinh liên thông liệu có được áp dụng phương thức này?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đang tính phương án ngay cả với các trường xét tuyển ĐH chính quy qua kết quả học tập THPT thì thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, CĐ dưới 36 tháng muốn liên thông ĐH ở trường này vẫn phải thi kỳ thi THPT quốc gia, không được dùng quyền xét vào ĐH qua học bạ như các thí sinh khác.

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cho rằng nếu muốn, các em vẫn có thể vào ĐH bằng xét tuyển kết quả THPT, chứ không cần thi kỳ thi THPT quốc gia nếu không khai mình là đối tượng có nguyện vọng học liên thông.

PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - dù ủng hộ việc thí sinh tốt nghiệp trung cấp, CĐ dưới 36 tháng phải thi kỳ thi THPT quốc gia để liên thông ĐH nhưng cũng tỏ ra băn khoăn: “Nếu thí sinh học hệ CĐ ở một trường ĐH, sau đó chọn lựa phương thức xét học bạ vào hệ ĐH của trường đó thì những chương trình đã học tại chính trường ĐH đó lại không được công nhận kết quả các môn học đó tại cùng trường thì hơi... kỳ”.

Tuy nhiên, tương lai đào tạo liên thông còn giữ được bản chất của thông tư 55 hay không thì chính Bộ GD-ĐT cũng không thể đơn phương tự quyết định. Năm 2015, để được tiếp tục quy định về tuyển sinh liên thông, chính Bộ GD-ĐT đã phải có tờ trình báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng.

Theo quy định của Luật giáo dục ĐH hiện hành, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế đào tạo (trong đó có đào tạo liên thông), nhưng Luật giáo dục nghề nghiệp vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 đã quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH phải thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

GS Nguyễn Minh Đường (ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) cho rằng không nên “đẩy” lên Thủ tướng phải ra quyết định cho hệ đào tạo này, mà vướng mắc sẽ không giải quyết được nếu giao cho một bộ quản lý giáo dục ĐH, phổ thông và một bộ khác quản lý giáo dục nghề nghiệp.

“Giao hai bộ quản lý sẽ không thể liên thông được. Muốn liên thông phải có chương trình liên thông. Nhưng nếu chia ra hai bộ quản lý tất yếu sẽ có hai chương trình khung, một khung cờ vua, một khung cờ tướng thì tướng sĩ chạy thế nào?”- GS Đường so sánh.

Theo GS Đường, Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh thi liên thông phải thi tuyển sinh là giải pháp tình thế để hệ đào tạo này bớt lộn xộn. Song về lâu dài, khi tuyển sinh ĐH nói chung đã giao tự chủ cho các trường thì tuyển sinh liên thông cũng phải do các trường tự quyết.

“Có điều khi giao tự chủ mà không kèm cơ chế kiểm soát thì tất yếu các trường yếu kém sẽ tuyển sinh dễ dãi, ào ào, phá vỡ quy hoạch về nguồn nhân lực. Tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm. Các trường sẽ phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Tuy nhiên, những thông tin này phải được giám sát chặt chẽ, chứ không thể như hiện nay trường nào cũng nói tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm 80-90% mà thực tế thất nghiệp vẫn đầy ra” - GS Đường phân tích.

Nước ngoài chỉ 15-20% sinh viên cao đẳng được liên thông

Thực tế, trước phản ứng có vẻ đổ lỗi cho thông tư 55 khiến tuyển sinh ngày càng bi đát của nhiều trường, Bộ GD-ĐT khẳng định việc siết tuyển sinh đầu vào liên thông nhằm chấn chỉnh hệ đào tạo vốn lâu nay bị kêu ca nhiều về chất lượng.

Trước đó, bộ đã khảo sát việc thực hiện chương trình đào tạo liên thông và kết luận “chất lượng đào tạo liên thông ở mức cảnh báo”. Trong khảo sát này, chỉ có bảy trường ĐH đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm được chất lượng đào tạo liên thông chính quy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Đường cho rằng một trong những bất cập lâu nay của hệ thống giáo dục chính là đào tạo liên thông cẩu thả, dễ dãi.

“Ở nước ngoài chỉ có 15-20% người học các bậc học này sẽ được liên thông tiếp lên ĐH, còn sinh viên ra trường phải đi làm. Họ chỉ chọn những sinh viên xuất sắc của hệ CĐ để học tiếp liên thông lên ĐH nhằm động viên các em học giỏi, chứ học các bậc đào tạo thiên về thực hành, định hướng nghề nghiệp thì ra trường phải đi làm, phải lao động. Đằng này ở Việt Nam lại cứ coi CĐ, trung cấp là “chiếu nghỉ”, không đỗ ĐH thì “lánh tạm” ở đó rồi chờ vài ba năm sau liên thông ĐH. Đầu vào quá thấp hoặc không có, lại kỳ vọng đầu ra cao là điều không tưởng” - GS Đường nhận định.

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên