29/11/2004 08:01 GMT+7

Tượng đài Lê Lợi - một công trình thành công

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTO - Hôm nay, 29-11, UBND tỉnh Thanh Hóa khánh thành tượng đài Lê Lợi nhân kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn. Nếu tính từ khi tổ chức hội thảo về đề tài Lê Lợi, người dân xứ Thanh đã chờ đợi ngót 5 năm để có được một công trình kiến trúc tôn vinh người anh hùng dân tộc, vị vua sáng lập vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN.

B9p5wLm9.jpgPhóng to
Tượng đài Lê Lợi
TTO - Hôm nay, 29-11, UBND tỉnh Thanh Hóa khánh thành tượng đài Lê Lợi nhân kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn. Nếu tính từ khi tổ chức hội thảo về đề tài Lê Lợi, người dân xứ Thanh đã chờ đợi ngót 5 năm để có được một công trình kiến trúc tôn vinh người anh hùng dân tộc, vị vua sáng lập vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN.

Nhân dịp này, chúng tôi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc - người gắn bó từ đầu với công trình tượng đài và cũng vừa tham gia hội đồng nghiệm thu về.

* Theo quan điểm của một nhà sử học, một tượng đài đủ xứng tầm với tên tuổi và sự nghiệp của Lê Lợi thì phải đạt các yếu tố đặc thù nào?

- Ông Dương Trung Quốc: Trước tiên là phải đánh giá được sự nghiệp của Lê Lợi. Đây là vị vua sáng lập nên nhà Lê, một vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN, và thời kỳ này đất nước ta cũng đạt được một số thành tựu nhất định, mở rộng bờ cõi về phía Nam, và với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh 20 năm, vị thế của nước VN so với Trung Quốc được nâng lên.

Một nhân vật như thế, bắt buộc tượng phải xứng tầm, đầu tiên là xét đến quy mô của bức tượng, tất nhiên là quy mô như thế nào thì cũng còn phải nhìn nhận nữa.

Thứ hai là yêu cầu của bức tượng cần thể hiện được tính cách của Lê Lợi. Đây là việc khó, vì xưa kia tạc tượng các nhân vật quan trọng chủ yếu là tượng thờ, còn bây giờ nghệ thuật tượng đài là một loại hình ngôn ngữ khác. Ở đây người ta thường hỏi là tượng có giống người thật không.

Vừa rồi Bộ VHTT cũng có ý‎ kiến về việc làm sao để những nhân vật lịch sử có một kiểu tượng gần giống nhau trên các công trình, chứ cứ xem tượng đài vua Quang Trung thì thấy, vua Quang trung chỉ có một, nhưng mỗi nơi tạc tượng mỗi khác.

Một đặc điểm nữa là dùng yếu tố bổ trợ. Ở đây các nhà điêu khắc đã dùng hình tượng thần Kim Quy bên cạnh bức tượng như một yếu tố linh thiêng.

Còn quan điểm của tôi thì cứ tạc một bức tượng mà chẳng phải Tàu, chẳng phải Tây thì đích thực đó là ta rồi (cười). Với lại tạc tượng này là giai đoạn Lê Lợi còn đang là Bình Định Vương, giai đọan này Lê Lợi gắn bó với Thanh Hóa là quê hương của ông.

* Thế thì sau khi nghiệm thu, ông thấy tượng đài này có đạt được những tiêu chí và đặc điểm đó không?

- Phải nói rằng đây là một tượng đài thành công. Mặc dù còn một số băn khoăn nhưng với đặc trưng của loại tượng tròn thì tượng Lê Lợi không có những “góc xấu”, dáng vóc nhân vật khá hoàn chỉnh.

Mức độ quy mô hoành tráng thì tầm cao và không gian quảng trường không rộng bằng tượng Bác ở Vinh, nhưng so với một số tượng khác, thì tượng đài này gây thiện cảm hơn về mức độ chân thật.

Hiện nay chưa nghe dư luận có ‎ý kiến gì, nhưng tôi nghĩ người dân sẽ vượt qua được những băn khoăn ấy vì bức tượng này có một số yếu tố tâm linh đặc biệt.

Riêng tôi thì tôi còn băn khoăn về chi tiết cái “bối tử” trên ngực của vua Lê Thái Tổ. Chi tiết này không hợp với một đấng quân vương, nhưng cũng không quan trọng lắm, vì tượng này thể hiện Lê Lợi giai đoạn Bình Định Vương, khi chưa lên ngôi Hoàng Đế. Vả lại, nhà thiết kế sẽ cho rằng tượng rất trống trải nếu giữa ngực áo không có biểu tượng gì đó.

* Một điều khó khăn trong việc tạc tượng các nhân vật thời xưa là thiếu cứ liệu về nhân dạng, trang phục. Trường hợp vua Lê Thái Tổ, nguồn sử liệu này còn được bao nhiêu, thưa ông?

- Còn trong Lam Sơn Thực LụcĐại Việt sử k‎ý toàn thư, Đại Việt Thông sử có ghi nhưng không nhiều lắm. Ngoài ra, những người xây dựng mẫu tượng còn phải tham khảo một số yếu tố dân gian, một số dòng họ còn ghi chép tư liệu, đối chứng với chuyên môn nhân trắc học, để làm ra một mẫu hình nhân vật Lê Lợi thời dấy binh khởi nghĩa xưng Bình Định Vương sao cho thuyết phục nhất.

Thực ra, chúng tôi đã cùng với địa phương tổ chức nhiều lần hội thảo bắt đầu từ năm 1999 để thống nhất một số quan điểm khi dựng tượng đài Lê Lợi. Ngay cả việc chọn dựng tượng giai đoạn Bình Định Vương hay Lê Thái Tổ cũng bàn đến “nát nước” chứ chẳng chơi.

Bây giờ, tượng đã thành rồi, hôm 23 vừa rồi đã làm lễ “hô thần nhập tượng” rồi, tượng đài anh hùng Lê Lợi được dựng trên đất Thanh Hóa là một công trình có ‎Ý nghĩa, nhất là chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 620 năm ngày sinh của ông.

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên